Vụ tàu cá vỏ thép hư hỏng: Ngư dân sợ không dám vay vốn đóng tàu mới

author 19:29 03/08/2017

(VietQ.vn) - Sau sự cố tàu cá vỏ thép đóng mới nằm bờ, hàng trăm ngư dân Bình Định lo ngại chưa dám ký hợp đồng vay vốn đóng mới tàu theo Nghị định 67 dù đã được phê duyệt.

Ngư dân sợ, không dám vay vốn đóng tàu mới

Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bình Định, đến nay tỉnh đã phê duyệt 14 đợt với tổng cộng 260 tàu khai thác thủy sản và dịch vụ hậu cần nghề cá được đóng mới theo Nghị định 67 cho ngư dân địa phương. Tuy nhiên, chỉ có 25% trường hợp chủ tàu ký hợp đồng tín dụng với các ngân hàng thương mại và đã được giải ngân trên 826 tỷ đồng.

Trong 202 trường hợp chưa ký hợp đồng vay vốn có hàng chục trường hợp có đơn xin từ chối tham gia đóng tàu, ngân hàng  từ chối cho vay; 118 trường hợp chưa nộp hồ sơ vay vốn, 51 trường hợp đã nộp hồ sơ vay vốn nhưng phía ngân hàng chưa thẩm định...

Ông Nguyễn Chí Công, Phó chủ tịch UBND huyện Hoài Nhơn, cho biết đóng mới, sửa chữa tàu cá theo Nghị định 67 là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước nhằm tạo điều kiện cho ngư dân yên tâm vươn khơi bám biển, góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc.

Tàu thép của ngư dân Bình Định mới đóng nhưng đã gặp sự cố kéo lên bờ chờ sửa chữa ở cảng Tam Quan. Ảnh: Zing 

Tuy nhiên, thời gian qua, do một số doanh nghiệp đóng mới tàu thép vừa bàn giao cho ngư dân đã gặp sự cố nằm bờ, không chỉ gây thiệt hại kinh tế lớn cho bà con mà còn nảy sinh tâm lý e ngại.

"Tôi đề nghị cơ quan chức năng điều tra làm rõ, khởi tố xử lý nghiêm các doanh nghiệp đóng tàu làm ăn gian dối; đồng thời buộc bồi thường, khắc phục sớm sự cố tàu thép để bà con ra khơi trở lại", ông Công nói.

Ông Ngô Đình Ba, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Phù Mỹ, xác nhận thời gian qua, địa phương có hàng chục trường hợp được phê duyệt đủ điều kiện đóng tàu theo Nghị định 67 nhưng không ít người đã xin rút hồ sơ.

"Nguyên nhân là tàu vỏ thép đội giá cao hơn so với dự toán ban đầu, phía ngân hàng chậm thẩm định hồ sơ vay vốn của ngư dân và nhất là sau sự cố hàng loạt tàu vỏ thép trên địa bàn bị hư hỏng", ông Ba cho hay. 

Trước tình hình này, lãnh đạo tỉnh Bình Định đã gửi văn bản kiến nghị với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ngân hàng Nhà nước và các bộ, ngành có biện pháp chấn chỉnh các cơ sở đóng tàu kém chất lượng; đồng thời chỉ đạo các ngân hàng thương mại tạo điều kiện tốt nhất để ngư dân tiếp cận vốn vay đóng mới, sửa chữa tàu theo Nghị định 67. 

Ông Trần Châu, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, cho biết thêm địa phương đã kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho phép cơ quan chức năng của tỉnh tham gia, giám sát quá trình đóng mới, sửa chữa tàu theo Nghị định 67 từ giai đoạn đầu đến khi đưa vào khai thác. Nếu không thì tình trạng tàu cá đóng mới, sửa chữa kém chất lượng có thể xảy ra. 

Những hậu quả khôn lường

Tại tỉnh Bình Định, nhiều con tàu vỏ thép của ngư dân bị hỏng máy phải nằm bờ, chờ sửa chữa nhiều tháng qua. Máy móc, thiết bị trên tàu bị tháo dỡ tanh bành, một số ống sắt kém chất lượng sau khi tháo dỡ chẳng khác nào sắt vụn.

Nhìn con tàu vỏ thép mới đóng giờ thành “cục sắt trên bờ”, ngư dân ruột gan như lửa đốt. Thậm chí, có những ngư dân có chuyến biển đầu tiên toàn bộ cá đánh bắt đều bị hỏng, lỗ hơn 300 triệu đồng do hầm bảo quản cá không đủ lạnh. Có trường hợp máy hỏng đành thuê tàu khác kéo về bờ.

Không chỉ khiến ngư dân lỗ nặng vì tàu không phát huy được khả năng trong công tác đánh bắt, vụ việc tàu hỏng ở Bình Định còn khiến nhiều ngư dân ở trong tình trạng “nợ chồng thêm nợ” khi lãi ngân hàng cứ theo tháng ngày mà tích dồn.

Hậu quả nghiêm trọng khác từ vụ việc các tàu cá vỏ thép ở Bình Định bị hư hỏng là nó đang tạo ra tâm lý lo lắng cho ngư dân ở các vùng khác đang có ý định đóng mới tàu cá. Cụ thể, một số hộ dân ở Thừa Thiên - Huế vừa qua đã xin rút đơn đóng tàu vỏ thép theo Nghị định 67 do lo ngại tàu sẽ bị hỏng giống như ở Bình Định.

Ông Nguyễn Trường Chính, Chủ tịch UBND xã Vinh Thanh (huyện Phú Vang, Thừa Thiên - Huế) cho biết, cả xã có 4 hộ đăng ký đóng tàu vỏ thép thì có 3 hộ xin rút đơn để đóng tàu vỏ gỗ; hộ còn lại gặp khó khăn trong việc vay vốn nên không làm nữa. Theo ông Chính, nguyên nhân là do các hộ dân sau khi nghe được thông tin nhiều tàu vỏ thép đóng mới ở Bình Định bị hư hỏng nên lo sợ.

Ngư dân Đỗ Khể (bên phải) kể lý do ông rút đăng ký đóng tàu vỏ thép theo Nghị định 67. Ảnh: Dân Việt

Ngư dân Đỗ Khể (thôn 2, xã Vinh Thanh) cho biết, ông đăng ký đóng tàu vỏ thép theo Nghị định 67 của Chính phủ với tổng số vốn 18,6 tỷ đồng. Tuy nhiên, vừa qua, do nghe thông tin nhiều tàu vỏ thép ở tỉnh Bình Định nhanh chóng bị hư hỏng khi vừa đưa vào sử dụng, ông quyết định rút đăng ký đóng tàu vỏ thép. Ngư dân Khể cho biết, sau khi rút đăng ký đóng tàu vỏ thép, ông có nộp hồ sơ xin chuyển sang đóng tàu vỏ gỗ trị giá 14,1tyr đồng.

"Đóng tàu vỏ gỗ cho an tâm chứ “chơi” tàu vỏ thép mặc dù hiện đại hơn nhưng lỡ nó nhanh bị hư hỏng như ở Bình Định thì trắng tay”- ngư Khể bộc bạch.

Ông Chính cho biết thêm, việc rút đăng ký đóng tàu vỏ thép là tùy vào nguyện vọng của người dân, cái gì có lợi thì dân làm. Chính quyền xã không dám can thiệp vì lỡ sau này xảy ra tình trạng tàu vỏ thép nhanh chóng bị hư hỏng thì rất rắc rối.

Phong Lâm (T/h)

Vụ tàu cá vỏ thép hư hỏng: Tiếp tục lấy mẫu để kiểm tra chất lượng(VietQ.vn) - Sở NN&PTNT tỉnh Bình Định đã thuê đơn vị Vinacontrol Quy Nhơn (Tập đoàn Vinacontrol) lấy 10 mẫu tàu cá vỏ thép để tiếp tục kiểm định về chất lượng.
Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang