Vụ thẩm mỹ viện Cát Tường: Đại biểu Quốc hội sốc!

author 22:37 23/10/2013

Đau xót”, “bàng hoàng”, “sởn gai ốc”, “chấn động”… là những gì mà các đại biểu Quốc hội trao đổi với báo giới xung quanh vụ việc bác sỹ thẩm mĩ viện phi tang khách hàng.

Bà Phạm Khánh Phong Lan (đoàn Thành phố Hồ Chí Minh):

Tôi cũng chấn động trước thông tin vụ việc. Cũng cần theo dõi thêm để biết quá trình điều tra như thế nào. Nhưng dù là lý do nào thì đó cũng là một việc làm không thể chấp nhận được đối với những người làm ngành y hay với bất cứ công dân nào. Tôi cũng rất bàng hoàng, sửng sốt không biết phải nói thế nào. Chuyện xảy ra với xã hội đến mình còn bất ngờ huống chi là với một bác sĩ. Điều này rất đau xót. Mọi việc sẽ phải xử lý theo pháp luật. 



Các tai biến xảy ra luôn luôn có cả lỗi khách quan và chủ quan. Vấn đề là sau khi để xảy ra thì khắc phục bằng cách nào. Qua những vụ việc như vậy, bản thân ngành y tế phải xem lại cơ chế của mình. Phải có cơ chế thế nào để ngành phát triển được, chứ nếu đầu tư không thỏa đáng trong khi nhu cầu xã hội ngày một tăng lên thì không thể đáp ứng được nhu cầu của người dân, họ bức xúc là đương nhiên. Có những trường hợp tai biến xảy ra do tay nghề bác sĩ còn  yếu kém, vậy thì phải nhìn lại công tác đào tạo xem đã bảo đảm hay chưa, hay chỉ chạy theo số lượng? Y bác sĩ giỏi tập trung hết ở bệnh viện tuyến trên thì làm sao bệnh nhân nghèo ở địa phương được chữa bệnh tốt…

Tất cả những sự cố trong thời gian qua là hậu quả của nhiều vấn đề chưa thỏa đáng trong nhiều năm tích lại, chứ không phải 2013 là một năm đặc biệt của ngành y tế.

Ngành y có vô vàn những y bác sĩ chân chính đang ngày đêm hết lòng vì bệnh nhân. Nhưng không thể phủ nhận là có một bộ phận y bác sĩ sai phạm đã khiến người dân mất lòng tin vào ngành y. Trong xã hội, người làm thầy giáo và thầy thuốc  phải có tâm mới chọn nghề đó, không thì rất đáng buồn. Xã hội mà có nhiều tội ác do bác sĩ gây ra thì phải xem lại.

Nhưng nói gì thì nói, lỗi trước tiên vẫn thuộc về ngành y tế. Ngành nào cũng cần đạo đức, nhưng nghề y phải được đặt lên hàng đầu.

Bà Bùi Thị An (đoàn thành phố Hà Nội):

Thú thực tôi thấy sởn hết gai ốc. Bây giờ tôi vẫn còn cảm giác như thế. Tôi không thể hình dung được hành vi vô nhân tính đó lại xảy ra trong ngành y. Hơn nữa hành vi này lại xảy ra từ một bác sỹ còn tương đối trẻ, lại đang làm ở một bệnh viện lớn có uy tín trong ngành y.

Việc này, trong các báo cáo công khai đã thừa nhận vấn đề y đức bây giờ đang bị suy giảm, và suy giảm tới mức dẫn đến những vụ việc đau lòng đáng tiếc như vậy trong thời gian qua. Đó là những điều không thể chấp nhận được!

Còn về nguyên nhân thì có rất nhiều, nhưng có một nguyên nhân lớn cần phải nói đến là người ta đã quên đi cái liêm sỉ, đạo đức để chạy theo lợi nhuận, mà không tính đến những hậu quả gây ra.

Một vấn đề khác cũng cần phải đề cập đến là công tác quản lý của chúng ta hiện nay có vấn đề. Trong vụ việc này, nếu không phải là trách nhiệm của Sở Y tế, thì phải là trách nhiệm của chính quyền địa phương. Anh không thể nói vô trách nhiệm trong việc này.

Do vậy, như tôi đã kiến nghị trước đây là phải rà soát lại toàn bộ các cơ sở y tế, đánh giá lại thực trạng về cơ sở vật chất, con người, và thực trạng hoạt động đến đâu để đánh giá thực trạng, từ đó sẽ đưa ra được giải pháp khắc phục.

Bà Nguyễn Phạm Ý Nhi, Giám đốc Bệnh viện Xanh Pôn (đoàn thành phố Hà Nội):

Là một người làm trong ngành y tôi thấy rất đau xót. Sự việc xảy ra quá khủng khiếp vì bên cạnh việc thực hiện không đúng quy trình chuyên môn còn liên quan đến vấn đề đạo đức nghề nghiệp.

Rõ ràng, trong mọi trường hợp có tai biến, bác sĩ phải tiến hành cấp cứu tại chỗ cho bệnh nhân và thay vì việc đưa ra ngoài, phải đưa người bệnh vào ngay vào cơ sở y tế có trình độ cao hơn, nhất là thẩm mỹ viện này lại nằm ngay cạnh Bệnh viện Bạch Mai. Phải đặt tính mạng, quyền lợi của bệnh nhân lên trên hết mọi vấn đề. Còn trong trường hợp bệnh nhân tử vong rồi thì cũng phải làm theo đúng quy trình xử lý.

Trước tiên, phải nói bác sĩ ở bệnh viện công ra mở phòng khám tư là việc luật cho phép. Vấn đề là phải làm đúng theo giấy phép, phải làm việc ngoài giờ, không xén giờ làm việc để khám chữa ở phòng mạch tư. Sau nữa, phòng khám, bác sĩ được cấp phép cho làm những nội dung nào thì phải làm đúng nội dung đó.

Việc này cũng được đưa ra mổ xẻ, cân nhắc khi thảo luận về luật khám chữa bệnh tại Quốc hội những kỳ trước với câu hỏi đặt ra có cho phép các bác sĩ ở bệnh viện công ra khám chữa tại cơ sở y tế tư nhân. Nhóm ý kiến ủng hộ khi đó đã chiếm đa số. Nếu dùng thời gian ngoài giờ làm việc để tham gia hoạt động ở phòng khám ngoài thì vẫn được phép, miễn là đúng người đúng việc.

Nói về cơ quan chủ quản của cán bộ là bệnh viện, nếu thực sự người ta làm việc ngoài giờ, được cấp phép thì bệnh viện cũng không có quyền cấm, can thiệp. Ở đây tôi cho rằng vấn đề nằm ở chính khâu quản lý nhân sự tại thẩm mỹ viện Cát Tường. Sau đó đến khâu thanh kiểm tra, có phát hiện được những việc không được phép mà vẫn làm hay không.

Đúng là gần đây có rất nhiều vụ việc tiêu cực của ngành y tế mà bản thân là một nhà quản lý, tôi thấy rất đau lòng. Tôi cũng đánh giá đó là những sai phạm nghiêm trọng, làm mất uy tín, hình ảnh của đội ngũ cán bộ y tế. Là người trong cuộc, tôi thấy cần luôn luôn tuyên truyền về vấn đề y đức. Thực ra với những quy trình chuyên môn kỹ thuật đề ra, có thể kiểm soát được những việc này, vấn đề là phải thực hiện cho tốt để hạn chế tối đa những sai phạm.

Ông Lê Như Tiến, Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng (đại biểu tỉnh Quảng Trị):

Về y đức, nhiều vị đại biểu Quốc hội đã có cảnh báo từ trước. Trong ngành giáo dục có câu “tiên học lễ, hậu học văn”, tôi nghĩ trong ngành y cũng phải phát động phong trào “tiên phải y đức, hậu mới đến chuyên môn” nếu không có y đức thì chuyên môn có giỏi đến mấy thì cũng trở nên vô dụng.

Vụ việc này đặt ra cho chúng ta nhiều bài học sâu sắc, đó chính là sự buông lỏng trong quản lý. Tại trung tâm thẩm mỹ Cát Tường rõ ràng là chỉ có giấy phép kinh doanh, còn giấy phép hành nghề theo quy định của pháp luật là không có. Các cơ quan chức năng kiểm tra, thanh tra rồi giám sát như thế nào mà để trung tâm thẩm mỹ lớn như thế ngay gần bệnh viện Bạch Mai hoạt động hành nghề lâu rồi, lại đưa cả lên mạng giá cả của từng dịch vụ. Tôi cho rằng, đây là sơ hở trong quản lý của ngành y tế, cụ thể là Sở Y tế Hà Nội.

Gần đây liên tiếp có những vụ vi phạm về y đức, vi phạm về chuyên môn nghiệp vụ trong quá trình hành nghề, tôi cho rằng Bộ trưởng Bộ Y tế cần phải có những thông diệp rất rõ ràng đối với đại biểu Quốc hội, đối với cử tri và đối với nhân dân cả nước. Ngoài ra, cần phải tiến hành thanh tra, kiểm tra đi theo đúng pháp luật, nếu không thì những cơ sở thẩm mỹ như thế này mọc lên rất nhiều sẽ có hại cho người dân./.

Theo Vietnamplus

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang