Vụ tiêm vắc xin Quinvaxem 27 trẻ nhập viện: Cục Y tế lên tiếng!

author 07:11 28/10/2013

(VietQ.vn) - Liên quan đến thông tin 27 trẻ em nhập viện vì tiêm vắc xin Quinvaxem tại Tiền Giang, PGS.TS Trần Đắc Phu- Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng đã có cuộc trao đổi với báo giới để nhằm làm rõ thêm vụ việc.

Xin ông cho biết những thông tin mới nhất liên quan đến sự việc 27 trẻ nhập viện sau khi tiêm vaccin Quinvaxem tại Tiền Giang?

Trước tiên Tôi đánh giá cao các bà mẹ đã quan tâm tới sức khỏe của con em mình đưa các cháu tới tiêm chủng phòng bệnh để tránh những bệnh truyền nhiễm nguy hiểm và sau khi tiêm một số cháu có những biểu hiện phản ứng đã đưa các cháu đến cơ sở y tế để được tư vấn, theo dõi.

Song qua báo cáo của ngành y tế tỉnh Tiền Giang và kết quả kiểm tra, giám sát của Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh cho thấy các cháu có phản ứng sau tiêm như sốt, sưng, nóng, đỏ, đau tại vị trí tiêm.

Vừa được tiêm trở lại, vắc xin 5 trong 1 Quinvaxem đã lại khiến nhiều người lo lắng

Vụ việc của Vắc xin Quinvaxem càng khiến nhiều người ái ngại với tiêm chủng

Các dấu hiệu này đã gây ra tâm lý lo lắng đối với các bà mẹ khi đưa con đi tiêm loại vắc xin này. Tuy nhiên, đây là những phản ứng thông thường sau tiêm và tất cả các trường hợp này đều ổn định và đã ra viện. Các dấu hiệu phản ứng này đều nằm trong khuyến cảo của Tổ chức Y tế thế giới sau khi tiêm vắc xin Quinvaxem.  .

Do tính chất quan trọng của việc tổ chức tiêm lại vắc xin Quinvaxem, vì vậy ngành Y tế đã chỉ đạo rất quyết liệt các địa phương trong việc triển khai để bảo đảm công tác tiêm chủng được an toàn trên phạm vi cả nước. Đặc biệt trong việc khám sàng lọc các trường hợp chống chỉ định, tổ chức theo dõi, tư vấn xử lý kịp thời các trường hợp phản ứng sau tiêm nếu có.

Bộ Y tế cũng đã đề nghị các Viện Vệ sinh dịch tễ/Pasteur, Sở Y tế các tỉnh, thành phố cử các đoàn đi hướng dẫn và giám sát tại các địa phương để hỗ trợ xử lý khi có tình huống xảy ra. Khi có các trường hợp phản ứng sau tiêm chủng phải báo cáo ngay về các Viện Vệ sinh dịch tễ, Pasteur và Cục Y tế dự phòng để được xem xét và giải quyết kịp thời

Tôi xin lưu ý lại rằng, tất cả các trường hợp phản ứng sau tiêm chủng tại Tiền Giang đều là những phản ứng thông thường và khuyến cáo các bà mẹ cũng không nên quá lo lắng về các phản ứng này, mà nên tiếp tục đưa con em mình đi tiêm chủng.

Để nâng cao chất lượng công tác tiêm chủng đối với vắc xin Quinvaxem nói riêng và công tác tiêm chủng nói chung, đảm bảo tốt việc thực hành tiêm chủng, Bộ Y tế đã có những chỉ đạo, giải pháp về vấn đề này như thế nào, thưa ông?

Hiện cả nước có khoảng 17.000 điểm tiêm chủng, mỗi tháng có khoảng 400.000 trẻ được tiêm chủng. Để đảm bảo công tác tiêm chủng được an toàn, Bộ Y tế đã ban hành Kế hoạch tăng cường công tác an toàn tiêm chủng và triển khai tới tất cả các địa phương.

Y tế đã tiến hành triển khai một cách quyết liệt, đưa ra nhiều giải pháp nhằm xiết chặt công tác đảm bảo an toàn tiêm chủng, tránh những sai sót có thể xảy ra trong thực hành tiêm chủng như tiến hành thanh tra, kiểm tra toàn diện các cơ sở tiêm chủng trên toàn quốc; tập huấn cho cán bộ tiêm chủng; quy định số trẻ tiêm chủng không quá 50 trẻ/buổi tại mỗi điểm tiêm; thực hiện nghiêm túc việc khám sàng lọc trước tiêm, tư vấn theo dõi sau tiêm; truyền thông về an toàn tiêm chủng, các điểm tiêm chủng tại các bệnh viện phải có tủ bảo quản vắc xin riêng cũng như bàn tiêm riêng... chỉ điểm tiêm chủng nào đạt được quy định của Bộ Y tế mới được phép tiến hành tiêm.

Để triển khai công tác tiêm chủng một cách hiệu quả và an toàn, vai trò của các cấp chính quyền tại địa phương là rất quan trọng, vì vậy Bộ Y tế cũng đã đề nghị UBND các tỉnh, thành phố quan tâm chỉ đạo một cách sát sao công tác này.

Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!

Ngày 27-10, theo tin từ Trung tâm Y tế Dự phòng Hà Nội, ngành y tế Thủ đô đã sẵn sàng cho lịch tiêm chủng vaccine Quinvaxem và sẽ tiêm đúng lịch. Cụ thể, ngày 5-11 tới, đồng loạt các xã, phường trên địa bàn sẽ triển khai tiêm chủng vaccine này. Hiện Hà Nội đã kiểm tra 100% các điểm tiêm chủng trên toàn thành phố và tất cả đều đạt yêu cầu. Để đảm bảo tuyệt đối an toàn cho trẻ khi tiêm chủng, mỗi trạm y tế xã, phường cũng đã thành lập một đội cấp cứu cơ động, sẵn sàng xử lý nhanh khi trẻ bị phản ứng sau tiêm hoặc sốc phản vệ. Các bệnh viện của Hà Nội cũng sẽ chịu trách nhiệm tiếp nhận, xử lý các trường hợp phản ứng sau tiêm được chuyển đến. 


Đan Nguyên 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang