Vụ Tổng công ty Đường sắt cố tình làm sai luật: Hé lộ thêm nhiều nghi vấn mới

author 16:21 10/03/2020

(VietQ.vn) - Là một trong những Tổng công ty nhận được hàng loạt ưu đãi từ nhà nước với nhiều cơ chế đặc thù, đáng lẽ những dự án đầu tư phát triển sử dụng vốn ngân sách nhà nước do Tổng công ty Đường sắt Việt Nam làm chủ đầu tư phải tuân thủ các quy định phát luật. Tuy nhiên, thực tế hoàn toàn không phải như vậy!

Theo tài liệu mà chúng tôi có được, ngoài 5 gói thầu chính thuộc các công trình đầu tư hạ tầng đường sắt sử dụng vốn ngân sách nhà nước trong giai đoạn 2016-2020 do Tổng công ty làm chủ đầu tư triển khai không tuân thủ quy định pháp luật, nhiều gói thầu sửa chữa lớn mạng lưới cầu trên các tuyến đường sắt cũng có những vi phạm tương tự.

Vụ Tổng công ty Đường sắt cố tình làm sai luật: Hé lộ thêm nhiều nghi vấn mới
 Ảnh minh họa.

“Xé rào” để ký hợp đồng với nhà “thầu ruột”

Cũng tương tự với “cách” mà những nhà thầu Công ty cổ phần tín hiệu Đường sắt Sài Gòn và Công ty cổ phần Đường Sắt Sài Gòn trúng thầu, một nhà thầu khác là Công ty cổ phần Đường Sắt Thanh Hoá cũng được Tổng Công ty “tạo điều kiện” hết mức để tham gia đấu thầu và được ký hợp đồng thi công dù không đáp ứng điều kiện pháp luật đấu thầu.

Theo Khoản 3, Điều 6 Nghị định số 63/2014/NĐ-CP của Chính phủ quy định đối với gói thầu xây lắp có giá gói thầu không quá 5 tỷ đồng chỉ cho phép nhà thầu là doanh nghiệp cấp nhỏ và siêu nhỏ theo quy định của pháp luật về DN tham gia đấu thầu.

Báo cáo Kết quả hoạt động kinh doanh của Công ty Cổ phần Đường sắt Thanh Hoá đã được kiểm toán, doanh thu bán hàng tính đến hết 31/12/2016 đạt 395.522.109.057 VNĐ); Tổng nguồn vốn tính đến hết 31/12/2016 đạt 293.081.888.660 VNĐ.

Nếu căn cứ quy định pháp luật về phân loại doanh nghiệp siêu nhỏ và nhỏ, nhà thầu Công ty cổ phần Đường Sắt Thanh Hoá hoàn toàn không đủ điều kiện để được tham gia đấu thầu gói thầu trên do không thuộc doanh nghiệp siêu nhỏ và nhỏ. Tổng nguồn vốn và tổng doanh thu của Nhà thầu này trong năm 2016 gấp nhiều lần tiêu chuẩn quy định pháp luật về doanh nghiệp siêu nhỏ và nhỏ.

Thế nhưng, điều khó hiểu, cũng giống như nhiều gói thầu xây lắp mà chúng tôi đã phản ảnh trước đó, Tổng Công ty Đường sắt vẫn “xé rào” để nhà thầu Công ty cổ phần Đường Sắt Thanh Hoá tham gia trực tiếp và ký hợp đồng với nhà thầu này dù mà không tuân thủ pháp luật đấu thầu.

Điển hình như với 3 gói thầu dưới đây gồm:

Gói thầu số 2: Gói thầu xây lắp thuộc công trình sửa chữa định kỳ (sửa chữa lớn) cầu Huấn Mã Km 163+977 tuyến đường sắt Hà Nội - Tp. Hồ Chí Minh thuộc Dự án Sửa chữa định kỳ (sửa chữa lớn) cầu Huấn Mã Km 163+977 tuyến đường sắt Hà Nội - TP. Hồ Chí Minh. Nhà thầu Công ty cổ phần Đường sắt Thanh Hoá trúng thầu với mức giá 1.002.975.000 VNĐ (văn bản được Tổng công ty phê duyệt ngày 867/QĐ-ĐS ngày 14/7/2017).

Tương tự, tại Gói thầu số 02 - gói thầu xây lắp thuộc Dự án Công trình "Sửa chữa định kỳ (Sửa chữa lớn) Cầu Km682+372 tuyến đường sắt Hà Nội - TP Hồ Chí Minh". Công ty cổ phần Đường sắt Thanh Hoá trúng thầu với mức giá 2.909.862.000 VNĐ (văn bản phê duyệt ngày 1066/QĐ-ĐS ngày 14/8/2017);

Tiếp đến Gói thầu Gói thầu số 2: Gói thầu xây lắp thuộc công trình: Sửa chữa định kỳ (sửa chữa lớn) cầu Phú Long km 201+752 tuyến đường sắt Hà Nội - TP. Hồ Chí Minh thuộc Dự án Công trình: Sửa chữa định kỳ (sửa chữa lớn) cầu Phú Long km 201+752 tuyến đường sắt Hà Nội - TP. Hồ Chí Minh. Công ty cổ phần Đường sắt Thanh Hoá trúng thầu với mức giá 1.091.798.000 VNĐ (văn bản phê duyệt ngày 926/QĐ-ĐS ngày 25/7/2017).

Điều đáng chú ý, tại cả 03 văn bản phê duyệt cho nhà thầu Nhà thầu Công ty cổ phần Đường sắt Thanh Hoá, Tổng công ty Đường sắt vẫn “vô tư” khẳng định nhà thầu này đáp ứng điều kiện để tham gia đấu thầu gói thầu dành cho cấp doanh nghiệp siêu nhỏ và nhỏ?

Tuỳ tiện hủy thầu các gói thầu dành cho doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ

Theo quy định tại Điều 17 của Luật Đấu thầu, có 4 trường hợp hủy thầu, bao gồm: tất cả hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất không đáp ứng được các yêu cầu của hồ sơ mời thầu (HSMT), hồ sơ yêu cầu (HSYC); thay đổi mục tiêu, phạm vi đầu tư đã ghi trong HSMT, HSYC; HSMT, HSYC không tuân thủ quy định của pháp luật về đấu thầu hoặc quy định khác của pháp luật có liên quan dẫn đến nhà thầu, nhà đầu tư được lựa chọn không đáp ứng yêu cầu để thực hiện gói thầu, dự án; có bằng chứng về việc đưa, nhận, môi giới hối lộ, thông thầu, gian lận, lợi dụng chức vụ, quyền hạn để can thiệp trái pháp luật vào hoạt động đấu thầu dẫn đến làm sai lệch kết quả lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư.

Vụ Tổng công ty Đường sắt cố tình làm sai luật: Hé lộ thêm nhiều nghi vấn mới

 Công văn hủy thầu của Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam.

Căn cứ vào quy định trên, việc HSMT áp dụng điều kiện cấp doanh nghiệp không không nằm trong quy định được hủy thầu theo quy định pháp luật.

Thế nhưng không hiểu căn cứ vào quy định nào của pháp luật mà Phó Tổng giám đốc Trần Thiện Cảnh lại đồng ý hủy thầu vì lý do trên.

Cụ thể, tại văn bản số 3145/ĐS-ĐTXD ngày 10/10/2019 về việc lựa chọn nhà thầu 02 gói thầu gồm Nâng cấp cải tạo 5 đường ngang bao gồm đường ngang Km 1554+619, Km1562 + 720, Km 1577+790, Km 1593+570 đến Km 1597+750 và Nâng cấp, cải tạo 4 đường ngang bao gồm: Đường ngang Km 1600+100, Km 1604+000, Km1608+380, Km 1611 +975 thuộc tuyến đường sắt Hà Nội – TP Hồ Chí Minh, Phó Tổng giám đốc Trần Thiện Cảnh đã đồng ý hủy thầu với lý do các gói thầu trên áp dụng điều kiện cấp doanh nghiệp.

Một điểm đáng chú ý, tại công văn này còn lưu ý Ban quản lý dự án đường sắt khu vực 3 phải chuyển từ đấu thầu qua mạng sang đấu thầu trực tiếp để lựa chọn nhà thầu có năng lực?

Về vấn đề tuỳ tiện huỷ thầu trong đấu thầu, nguyên lãnh đạo Cục Quản lý Đấu thầu cho biết, việc hủy thầu trước hết phải căn cứ theo quy định của pháp luật và phải được đánh giá, xem xét có khách quan, xác đáng hay không. Nếu việc hủy thầu là khách quan, đúng quy định thì bên mời thầu khi đó phải có trách nhiệm đền bù một số chi phí phát sinh trong quá trình tham gia thầu cho các bên liên quan.

Trong trường hợp hủy thầu không xác đáng, không đúng quy định của pháp luật, thậm chí cố tình hủy thầu thì đây là hành vi vi phạm pháp luật. Đáng chú ý, nếu việc hủy thầu không đúng, làm chậm tiến độ của gói thầu, gây thiệt hại cho Nhà nước thì còn phải căn cứ vào quy định của Bộ luật Hình sự và các pháp luật khác để xem xét, xử lý.

Một điểm rất đang chú ý, cả 02 gói thầu trên sau khi đấu thầu trực tiếp (không áp dụng đấu thầu qua mạng, nhà thầu trúng thầu cả 02 gói thầu trên chính là Nhà thầu Công ty cổ phần tín hiệu đường sắt Sài Gòn và Tổng Công ty Đường sắt ký hợp đồng bất chấp quy định của pháp luật.

 Theo Tuổi trẻ Thủ đô

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang