Vụ VN Pharma: Bộ Y tế phải chịu trách nhiệm cao nhất trước dân

authorDương Phương Ngọc 07:34 31/08/2017

(VietQ.vn) - Liên quan tới vụ công ty VN Pharma nhập thuốc ung thư “dởm”, LS Trần Tuấn Anh nói: "Bộ Y tế phải chỉ đạo các bệnh viện thăm khám miễn phí, đánh giá tác động của thuốc “dởm” lên người bệnh như thế nào. Đấy là những điều Bộ Y tế cần làm”.

Lãnh đạo Cục quản lý Dược phải chịu trách nhiệm hình sự?

Vụ việc công ty VN Pharma nhập thuốc ung thư “dởm” và đã được Cục Quản lý Dược cấp phép lưu hành sau đó lại bị thu hồi giấy phép, niêm phong và kiểm định với kết luận là thuốc có chất lượng kém không dùng cho điều trị đã dẫn tới phiên tòa ngày 26/8/2017 với việc tuyên án cao nhất tới 12 năm tù cho giám đốc công ty Nguyễn Minh Hùng.

Điều đáng nói ở đây chính là bản án của tòa kết tội ban lãnh đạo công ty phạm tội buôn lậu dược phẩm mà không phải là tội buôn thuốc giả và giả mạo giấy tờ.

Căn cứ để hội đồng xét xử cho rằng 9.300 hộp thuốc H-Capita không phải là giả dựa trên kết luận của Viện Kiểm nghiệm rằng "lô thuốc H-Capital 500mg Caplet của VN Pharma chứa 97% hoạt chất Capecitabine không rõ nguồn gốc, kém chất lượng".

Chủ đầu tư vụ 8B Lê Trực: ‘Nếu đòi lại tiền thì chúng tôi cũng không trả được’(VietQ.vn) - Trong khi nhiều khách hàng đội mưa, treo băng rôn đòi chủ đầu tư trả lại tiền vì đã trả 80-90% giá trị căn hộ thì chủ đầu tư của dự án 8B Lê Trực tuyên bố: Không còn đủ tiền để trả cho khách.

Theo luật sư Phan Trung Hoài, người bào chữa cho các bị cáo, "kết luận giám định cũng thể hiện căn cứ vào các tài liệu chuyên môn được thế giới đang áp dụng thì hoạt chất capecitabine có tác dụng làm chậm hoặc ngừng sự tăng trưởng tế bào ung thư và làm giảm kích thước khối u, được dùng để điều trị một số loại bệnh ung thư như ung thư đại tràng, ung thư trực tràng, ung thư vú".

Từ đó, luật sư Hoài cho rằng hội đồng giám định kết luận thuốc H-Capita là "lô thuốc H-Capital 500mg Caplet của VN Pharma chứa 97% hoạt chất Capecitabine không rõ nguồn gốc, kém chất lượng, không được sử dụng làm thuốc chữa bệnh cho người" là không có căn cứ.

Biện luận của luật sư Hoài cũng được một số người ủng hộ với lập luận thuốc chứa 97% hoạt chất thì không coi là thuốc giả, và vì vậy việc xử phạt bị cáo theo khung hình phạt buôn lậu thuốc là đúng.

Tuy nhiên, trao đổi với PV Chất lượng Việt Nam, Luật sư Trần Tuấn Anh thuộc Đoàn luật sư TP Hà Nội (Giám đốc Công ty Luật Minh Bạch) cho rằng: “Nếu xét góc độ cấu thành tội phạm tội hình sự, tôi cho rằng, cơ quan điều tra, Tòa án Nhân dân TP HCM khởi tố điều tra và truy tố về tội danh buôn lậu là không đúng với bản chất của sự việc và yếu tố cấu hành tội phạm”.

 Luật sư Trần Tuấn Anh, Giám đốc Công ty Luật Minh Bạch

Bởi lẽ, việc buôn lậu là đưa hàng qua biên giới và không thực hiện việc khai báo hải quan. Tuy nhiên, trong vụ án này lại khác, vì tất cả các lô hàng đều được cấp phép của Cục quản lý Dược (Bộ Y tế) và đều được mở thủ tục khai hải quan, thực hiện việc nhập khẩu theo đúng quy định chứ không thể đưa vào tội buôn lậu được.

Theo Luật sư Trần Tuấn Anh, trong Luật hình sự Việt Nam có 1 tội danh tương ứng các hành vi đó là buôn bán hàng giả và cụ thể là thuốc chữa bệnh. Trong đó, có 2 đặc điểm: giả về hình thức (tức là bao bì, nhãn mác) và giả về chất lượng.

Cụ thể, ở đây, các thuốc chữa bệnh ung thư nhưng lại không có chức năng chữa bệnh ung thư được coi như giả về chất lượng. Vì vậy, các đối tượng trên đã phạm vào tội buôn bán hàng giả (thuốc chữa bệnh) với khung hình phạt cao nhất là tử hình.

Luật sư Tuấn Anh đặt câu hỏi: Vì sao với chức năng là cơ quan quản lý nhà nước, Cục quản lý Dược lại không nắm được vấn đề mà vẫn cấp phép và cho nhập để sử dụng trong nước? Điều này, chứng tỏ rằng, Cục quản lý Dược đang buôn lỏng quản lý. 

Chính vì vậy, luật sư Tuấn Anh cho rằng: Trong câu chuyện này, có rất nhiều dấu hiệu cho thấy, những đối tượng khác ngoài những người bị đưa ra xét xử có yếu tố phạm tội, đồng phạm hoặc thiếu trách nhiệm dẫn tới hậu quả nghiêm trọng hàng chục tỉ đồng và thuốc không hề có tác dụng chữa bệnh.

Trong vụ việc VN Pharma lần này, theo luật sư Tuấn Anh,  trách nhiệm cao nhất là thuộc Bộ Y tế. Sau đó, Cục trưởng là người trực tiếp. Bộ Y tế đang có vấn đề trong cách điều hành, quản lý nhân sự, cách bổ nhiệm cán bộ. Nếu Bộ bổ nhiệm cán bộ có năng lực, có tầm và có tâm thì sẽ không bao giờ xảy ra sự việc đau lòng như ngày hôm nay.

Luật sư Tuấn Anh cho biết, ông không đồng tình với cách giải thích của bà Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến trên báo chí vừa qua. Rõ ràng, trong bất cứ hoạt động nào thuộc sự quản lý của Bộ thì phải chịu trách nhiệm. Vì Bộ Y tế là cơ quan chủ quản của Cục quản lý Dược và cấp dưới không làm tròn được nhiệm vụ quản lý thì trách nhiệm lớn nhất thuộc về người đứng đầu của Bộ.

Lúc này, ngành không phải đứng để đùn đẩy trách nhiệm cho ai hay cho cấp dưới của mình. Chúng ta không chỉ làm chuyên môn mà còn làm công tác cán bộ. Cán bộ của mình làm sai, người đứng đầu phải nhận trách nhiệm ngay lập tức và khắc phục sự cố chứ không có chuyện trong thời gian dài như vậy mà người đứng đầu ngành lại không biết. Đến lúc các cơ quan báo chí phanh phui, cơ quan điều tra vào cuộc mới làm rõ trách nhiệm được.

"Bộ Y tế không nên đùn đẩy trách nhiệm"

Dư luận những ngày gần đây cũng nghi ngại là vì sao 1 công ty con như VN Pharma mới thành lập được 2 năm nhưng đến tháng 5/2014 làm nhiều người trong ngành dược ngạc nhiên vì trúng thầu 46 mặt hàng trị giá 267 tỉ đồng. Liệu sau đó có vấn đề gì không?

Dư luận cũng đặt dấu chấm hỏi rằng những lô thuốc trước kia của Pharma cung cấp chất lượng ra sao?, Người dùng thuốc ảnh hưởng ra sao? Chúng ta đã có điều tra và đánh giá cụ thể hay chưa?

Bởi lẽ, ngoài số thuốc chữa ung thư bị Cục Quản lý Dược rút số đăng ký, còn có 7 loại thuốc khác đều của VN Pharma cũng bị Cục Quản lý Dược rút khỏi danh sách lưu hành tại Việt Nam từ ngày 19/9/2014. Đó là thuốc H2K Ciprofloxacin và H2K Levofloxacin dạng dung dịch tiêm truyền tĩnh mạch với các hàm lượng khác nhau.

Điều rất đáng lưu ý là, 7 loại thuốc này cũng đều do Công ty Helix Pharmaceuticals Inc (Canada) sản xuất và cũng bị rút đăng ký vì cung cấp hồ sơ dữ liệu thông tin của thuốc không đúng với thực tế sản phẩm.

Trong khi đó, Canada không có công ty dược nào là Helix Pharmaceuticals, cả 7 loại thuốc trên đều do “Công ty ma”này sản xuất thì rõ ràng các loại thuốc trên khó có thể là thuốc thật.

Đáng lo ngại là, với những gì thể hiện trên hồ sơ kết quả trúng thầu của riêng năm 2013, thì chỉ một loại thuốc H2K Levofloxacin do Canada sản xuất đã trúng thầu ở nhiều bệnh viện (BV), trong đó, có 2 BV tuyến Trung ương mua với số lượng hơn một tỷ đồng mỗi BV, chưa kể các Sở Y tế và các BV địa phương khác. 

Cả 2 loại thuốc kháng sinh H2K Ciprofloxacin và H2K Levofloxacin đều có vai trò rất quan trọng trong điều trị, đặc biệt là trong cấp cứu. Thế nhưng, nếu sử dụng phải thuốc “dởm”, theo các chuyên gia y khoa, chắc chắn sẽ ảnh hưởng rất xấu đến kết quả điều trị.

 Theo luật sư Tuấn Anh, Bộ Y tế không nên đùn đẩy trách nhiệm.

Vậy Bộ Y tế có dám đưa những người đã từng dùng thuốc của VN Pharma làm xét nghiệm xem tiến trình bệnh của họ ra sao?. Bồi thường cho họ tổn thất tinh thần và sức khỏe, thậm chí là những người đã mất được không?.

"Bộ Y tế phải chỉ đạo các bệnh viện thăm khám miễn phí, đánh giá tác động của thuốc “dởm” lên người bệnh như thế nào. Đấy là những điều Bộ Y tế cần làm, chứ không phải đùn đẩy trách nhiệm cho cấp dưới của mình và rồi đi giải trình để khẳng định lại uy tín cho ngành" - Luật sư Trần Tuấn Anh nhấn mạnh.

 

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang