Vụ xe container hất văng CSGT: Tài xế liều lĩnh, CSGT 'đánh đu' với số phận

author 15:22 01/07/2017

(VietQ.vn) - Việc cảnh sát giao thông (CSGT) lao ra trước mũi xe ô tô hoặc nhảy lên nắp ca-pô, bám gương chiếu hậu,...để buộc người vi phạm phải dừng xe là "đánh đu với số phận".

Xem thêm video:

Mới đây, đoạn clip dài 30 giây do hành khách đi taxi trên quốc lộ 1A, đoạn qua thị xã Hồng Lĩnh (Hà Tĩnh) ghi lại cảnh một người mặc sắc phục CSGT đu bám trước đầu chiếc xe chở container. Theo nội dung video, suốt một đoạn đường dài, chiến sĩ CSGT bám vào gương chiếu hậu gắn trước đầu xe container. Hai chân anh này treo lơ lửng vì không có điểm bám.

Dù có CSGT bám phía trước, tài xế vẫn lái xe container chạy tốc độ cao trên đường. Một lúc sau, tài xế xe container đánh lái sang làn đường sát dải phân cách hất văng CSGT.

Chiến sĩ Nguyễn Anh Đức đang được cấp cứu. Ảnh: Internet 

Theo thông tin báo chí ghi nhận, CSGT bị hất văng xuống đường là chiến sĩ Nguyễn Anh Đức khi đang làm nhiệm vụ trên quốc lộ 1A đoạn qua huyện Can Lộc, Đội CSGT phía Bắc (Phòng CSGT Công an Hà Tĩnh) phát hiện xe container vi phạm lỗi tốc độ nên yêu cầu dừng kiểm tra. Tài xế đã xuống cãi không vi phạm tốc độ rồi bỏ lên xe ngồi. Vài giây sau, tài xế nhấn ga một CSGT nhảy sang bên né được, còn chiến sĩ Nguyễn Anh Đức vội bám vào gương phía đầu xe. Hiện chiến sy Đức đã được chuyển đến bệnh viện Việt Đức cấp cứu. Tài xế lái container đã bị bắt giữ.

Ths. Luật sư Đặng Văn Cường đã có cuộc trao đổi với phóng viên Chất lượng Việt Nam về vấn đề này. Theo luật sư Cường, vụ việc CSGT bám đầu container bị tài xế đánh lái hất văng xuống đường nguy kịch là vụ việc khiến dư luận quan tâm. Theo quy định pháp luật thì xe ô tô là "nguồn nguy hiểm cao độ", người sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ đó mà vô ý gây thiệt hại cho người khác, kể cả trong trường hợp không có lỗi thì cũng phải bồi thường. Nếu cố ý sử dụng ô tô để đâm, đè vào người khác nhằm xâm hại tính mạng, sức khỏe của người khác thì đó là hành vi cố ý gây thương tích hoặc giết người.

Những vụ việc người điều khiển phương tiện giao thông lao xe vào CSGT đang làm nhiệm vụ... đã từng xảy ra và nhiều người cũng đã bị xử lý hình sự nhưng hiện tượng này vẫn còn xảy ra nhiều trên thực tế bởi nhiều nguyên nhân: Trước tiên là thiếu hiểu biết pháp luật của người tham gia giao thông hoặc ý thức kém, bất chấp pháp luật, coi thường tính mạng, sức khỏe của người khác. Phần nữa là do cách xử lý tình huống của CSGT ... có thể là nguyên nhân diễn ra tình huống nguy hiểm.

Luật sư Cường cũng phân tích, theo quy định hiện hành thì CSGT chỉ được dừng phương tiện giao thông để kiểm soát theo phương án, kế hoạch hoặc khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm hoặc đã có hành vi vi phạm. Với những hành vi vi phạm có dấu hiệu hình sự (phạm tội quả tang) thì CSGT mới nên truy lùng, bắt giữ... Còn đối với những lỗi vi phạm hành chính thì không nên liều mình lao vào chặn xe, truy đuổi như vậy, sẽ gây nguy hiểm cho mình và những người tham gia giao thông khác.

Bất cứ cá nhân nào vi phạm luật giao thông đường bộ, gây ùn tắc giao thông, gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông… thì những hành vi đó đều là hành vi vi phạm pháp luật. 

Tò mò thử hút thuốc lào và những 'nỗi sợ đến già'(VietQ.vn) - Nhiều người tò mò vì không biết vị thuốc lào như thế nào đã "mạnh dạn" thử. Tuy nhiên ngay sau khi hút đã có những người gục ngay tại chỗ.

Việc CSGT lao ra trước mũi xe ô tô hoặc nhảy lên nắp ca-pô, giữ chặt cần gạt nước, bám vào gương chiếu hậu để buộc người vi phạm giao thông phải dừng xe là hình ảnh vừa nguy hiểm - đánh đu với số phận Pháp luật quy định khi thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn điều hành, tuần tra, kiểm soát giao thông thì CSGT phải đảm bảo an toàn cho người tham gia giao thông và an toàn cho chính bản thân mình và đồng đội của mình.

Việc một số CSGT lao ra giữa đường để bắt giữ người có dấu hiệu vi phạm giao thông hoặc leo lên nắp capo, bám vào gương chiếu hậu để ra hiệu lệnh dừng xe có dấu hiệu vi phạm... cần phải chấm dứt để đảm bảo an toàn giao thông và an toàn cho chính người thi hành công vụ.

Còn đối với hành vi của người điều khiển phương tiện giao thông có dấu hiệu vi phạm, đã không chấp hành hiệu lệnh lại còn lao xe vào cảnh hoặc có hành vi điều khiển phương tiện giao thông gây nguy hiểm cho cảnh sát giao thông, gây nguy hiểm cho người thi hành công vụ... thì hành vi này là vi phạm pháp luật và đáng lên án.

Hành vi lao xe vào CSGT hoặc khi cảnh sát giao thông đang ở mũi xe mà lại lao xe vào dải phân cách đường như vụ việc trong clip nêu trên thì hành vi này không chỉ là hành vi chống người thi hành công vụ, mà còn có thể bị xem xét xử lý về tội giết người theo quy định tại Điều 93 Bộ luật hình sự.

Trong vụ việc trên, trước tiên cơ quan công an sẽ vào cuộc để có các biện pháp phù hợp đối với lái xe ô tô nêu trên về hành vi chống người thi hành công vụ. Nếu trong quá trình điều tra mà xác định hành vi có thể nguy hiểm tính mạng của anh CSGT, người lái xe biết nhưng vẫn cố ý thực hiện, bỏ mặc hậu quả chết người có thể xảy ra thì có thể xử lý người điều khiển phương tiện giao thông này về tội giết người theo quy định tại Điều 93 Bộ luật hình sự.

Điều 93. Tội giết người

1. Người nào giết người thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình:

a) Giết nhiều người;

b) Giết phụ nữ mà biết là có thai;

c) Giết trẻ em;

d) Giết người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân;

đ) Giết ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình;

e) Giết người mà liền trước đó hoặc ngay sau đó lại phạm một tội rất nghiêm trọng hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng;

g) Để thực hiện hoặc che giấu tội phạm khác;

h) Để lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân; i) Thực hiện tội phạm một cách man rợ;

k) Bằng cách lợi dụng nghề nghiệp;

l) Bằng phương pháp có khả năng làm chết nhiều người;

m) Thuê giết người hoặc giết người thuê;

n) Có tính chất côn đồ;

o) Có tổ chức;

p) Tái phạm nguy hiểm;

q) Vì động cơ đê hèn.

2. Phạm tội không thuộc các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm.

3. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ một năm đến năm năm.

Ninh Lan

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang