Vụ xe Innova bị đập vỡ kính, bẻ gương: ‘Tại anh, tại ả’ hay ‘tại cả đôi bên’?

authorDương Phương Ngọc 07:03 05/07/2017

(VietQ.vn) - Trong vụ chủ nhà đập vỡ kính, bẻ gương xe Innova do đỗ xe chắn ngang trước cửa ra vào, theo LS Phạm Công Út, người chủ của căn nhà trên phố Trúc Khuê (Hà Nội) đã xâm hại đến tài sản của người khác.

Mới đây, vụ lùm xùm liên quan tới việc chiếc xe Innova trên phố Trúc Khuê (phường Láng Hạ, Đống Đa, Hà Nội) bị đập nát kính, đạp gãy gương do đậu chắn ngang trước cửa ra vào của một căn nhà đã khiến cho dư luận không khỏi hoang mang, đặc biệt là chủ xế hộp.

Nhiều người cho rằng: Hành động của người chủ căn nhà ở Trúc Khuê là chưa đúng mực. Dù chiếc Innova có đỗ sai quy định nhưng cũng không nhất thiết chủ nhà lại phải hành xử như vậy, chủ nhà có thể gọi cơ quan an đến xử lý vi phạm trên, chứ không được tự ý đập xe của người khác.

Trao đổi với PV Chất lượng Việt Nam, luật sư Phạm Công Út, Giám đốc Công ty Luật Phạm Nghiêm, nguyên là thẩm phán có gần 20 năm công tác trong ngành Tòa án cho biết: Luật pháp có thể không cấm cãi nhau nhưng không cho phép xâm phạm đến danh dự nhân phẩm của nhau. Luật pháp cũng không cấm việc xung đột manh động nếu như sự manh động đó không làm thiệt hại đến tài sản của người khác, nhất là từ hai triệu đồng trở lên,...

Ở đây, người chủ của căn nhà trên phố Trúc Khuê đã xâm hại đến tài sản của người khác đó là chiếc ô tô, khiến ô tô vỡ kính trước và gẫy chiếc gương chiếu hậu...

Chiếc xe bị chủ nhà đập vỡ kính trước và hai gương chiếu hậu. Ảnh cắt từ clip 

Có 2 vấn đề được đặt ra ở đây: Thứ nhất, người bị thiệt hại có viết đơn tố giác của đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền hay không? Thứ hai, cơ quan có thẩm quyền có tiến hành việc thẩm định tài sản hay không?...

“Thực ra, hiện nay, trong cuộc sống có rất nhiều vụ va chạm xâm hại đến tài sản, sức khỏe, tính mạng của con người. Nhưng nếu không có đơn tố giác, không có giám định hợp lệ... thì các vụ việc có thể sẽ rơi vào sự im lặng đáng ngờ. Thiết tưởng, vụ đập vỡ kính xe Innova này cũng chỉ là một trong vô số nhưng vụ xâm hại khác. Có khác chăng, chỉ là người bị nghi là xâm hại là một vị trí thức, còn người bị thiệt hại, là người nước ngoài mà thôi!” – luật sư Út nói.

Thực tế, trong quá khứ đã có rất nhiều trường hợp do đỗ xe sai chỗ đã dẫn đến những hậu quả đáng tiếc với “xế hộp”.

Nhiều chiếc xe bị dán kín cửa bởi những tờ giấy với nội dung “cấm đỗ xe tại đây” và bị chỉ trích với những lời lẽ nặng nề về tội vô ý thức do đỗ xe sai quy định. Thậm chí, vì quá tức giận, có người còn mang gậy ra phá xe.

Còn nhớ vào tháng 8/2016, vì đỗ xe sai quy định, người nhà bệnh nhân ở Tp.Hồ Chí Minh đã bị bảo vệ bệnh viện 115 chặn đường hành hung ngay tại chỗ.

Nhiều xe ô tô đỗ sai quy định bị viết bậy tràn lan lên cửa kính. 

Tính riêng Hà Nội thì hiện nay, đã có trên 5,2 triệu xe máy, nửa triệu ô tô. Với lượng xe quá tải và thực trạng ùn tắc giao thông đang ngày một trầm trọng, tình trạng đỗ xe sai quy định càng trở nên phổ biến hơn bao giờ hết. Bởi nếu 60% số xe trên lưu thông thì diện tích chiếm dụng vượt quá 1,34 lần năng lực hệ thống đường phố (khu vực trung tâm là 3,72 lần).

Theo LS Út: Các thành phố lớn, nhất là tại các trung tâm phố cổ thì vị trí dành cho người đi bộ còn chưa đủ, lấy đâu chỗ cho người đậu xe gắn máy, thậm chí xe ô tô. Nhưng nhu cầu đỗ xe gắn máy, ô tô là có thật. Vậy các nhà quản lý nhà nước có đáp ứng được nhu cầu này hay chưa vẫn luôn là bài toán khó giải cho các quốc gia đang phát triển, không riêng gì Việt Nam.

“Nếu phạt thì người vi phạm vẫn có thể chấp nhận việc nộp phạt, vì đó là chuyện chẳng đặng đừng đối với họ. Nhưng nếu đã tạo điều kiện nhưng họ không chọn điều kiện có sẵn thì buộc phải áp dụng chế tài hợp lý để người vi phạm phải “tâm phục, khẩu phục” trước biên bản xử phạt” – LS Út nói.

Ngoài ra, với tình trạng ách tắc giao thông như hiện nay, LS Út cho rằng: Cần phải có những giải pháp triệt để trong việc cho phép có điều kiện đối với những gia đình có nhu cầu sắm xe cơ giới cá nhân được mua sắm phương tiện giao thông.

“Nếu có điều kiện đậu đỗ xe cá nhân thì cứ việc sắm xe. Không nên dùng khoảng trống công cộng để đậu đỗ lâu dài – phục vụ cho quyền lợi cá nhân của mình. Chẳng ai nắm chặt tay cả ngày nên chẳng có nhà nước nào bảo vệ suốt đời cho tài sản của cá nhân nào được, ngay cả công dân của mình hay công dân của nước khác” – LS Út nhấn mạnh.

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang