Bệnh nhân tử vong khi chạy thận ở Hòa Bình: Giải mã tiêu chuẩn AAMI

author 16:22 19/05/2018

(VietQ.vn) - Vài ngày nay, dư luận đang rất quan tâm đến việc xét xử các bên liên quan về vụ 8 người tử vong khi chạy thận ở Bệnh viện Đa khoa Hòa Bình.

Sự kiện: CHÀO MỪNG 60 NĂM THÀNH LẬP NGÀNH TIÊU CHUẨN ĐO LƯỜNG CHẤT LƯỢNG

Phiên xử vụ án bác sĩ Hoàng Công Lương xuất hiện tình tiết nước chưa được kiểm nghiệm chất lượng theo tiêu chuẩn AAMI đã được dùng để chạy thận cho các bệnh nhân.

Vậy tiêu chuẩn AAMI là gì? AAMI có được dùng làm tiêu chuẩn đánh chất lượng nước RO hay không? Có liên quan đến lượng hóa chất lớn tồn dư khiến 8 người tử vong không?

Theo các chuyên gia am hiểu về hệ thống RO cho chạy thận nhân tạo, AAMI là một hệ tiêu chuẩn nước an toàn dành cho hệ thống RO. Khi sản xuất nước RO đạt chuẩn AAMI thì mới đem vào sử dụng cho bệnh nhân. AAMI gồm 23 tiêu chuẩn, bao gồm các tiêu chuẩn về hóa lý và vi sinh (định lượng vi khuẩn và nội độc tố).

Các cơ sở lọc máu sử dụng nước máy với rất nhiều loại hóa chất được thêm vào từ nhà máy nước đều phải tiến hành xử lý để tạo ra nước đạt chuẩn AAMI phục vụ quá trình lọc máu. Ảnh: Soha 

Đặc điểm của AAMI là tiêu chuẩn rất chặt, rất an toàn cho chạy thận, nhưng hạn chế là nếu làm thường xuyên thì rất tốn kém, nên một số quốc gia yêu cầu tiêu chuẩn hoá lý chỉ làm 6 tháng hoặc 1 năm 1 lần, còn tiêu chuẩn vi sinh làm mỗi tháng 1 lần hoặc 3 tháng 1 lần, tùy theo điều kiện từng quốc gia.

Người ta sử dụng AAMI với 2 mục đích: Thứ nhất là đánh giá thiết kế hệ thống RO có đảm bảo sản xuất ra nước RO an toàn hay không. Thứ hai là sử dụng tiêu chuẩn AAMI để kiểm tra định kỳ, giám sát hoạt động của hệ thống RO để đảm bảo hệ thống được vận hành hiệu quả và phát hiện sớm các hiện tượng suy giảm chất lượng theo thiết kế ban đầu để tiến hành duy tu, bảo trì hoặc sửa chữa.

Để đảm bảo an toàn, các tiêu chuẩn của AAMI đều có 2 mức: Mức báo động và mức can thiệp.

Khi các tiêu chuẩn vượt mức báo động nhưng thấp hơn mức can thiệp thì các cơ sở sử dụng hệ thống RO cần có kế hoạch bảo trì, bảo dưỡng để đảm bảo hệ thống RO hoạt động hiệu quả như thiết kế ban đầu. Khi các tiêu chuẩn vượt ngưỡng can thiệp, thì hệ thống RO cần được dừng lại để sửa chữa khẩn cấp. Hầu hết các sửa chữa này có thể diễn ra trong vòng 1 ngày, sau đó hệ thống RO có thể đưa vào sử dụng ngay.

Trong khi đó, theo tiêu chuẩn AAMI, các chỉ số về vi sinh cần 5 - 7 ngày cấy cho vi khuẩn mọc, chính vì thế kết quả AAMI thường được trả sau 10 - 14 ngày. Nếu dừng hệ thống RO để đợi kết quả AAMI thì sẽ gây khó khăn cản trở cho đơn vị điều trị lọc máu trong quá trình điều trị các bệnh nhân suy thận.

Để khắc phục hiện tượng này các hệ thống RO chuẩn được thiết kế với các đặc điểm kỹ thuật giúp người sử dụng có thể duy tu, bảo trì, sửa chữa hệ thống RO một cách an toàn mà không ảnh hưởng đến quá trình điều trị cho bệnh nhân suy thận ở bệnh viện.

Cụ thể, trước khi duy tu, bảo trì, sửa chữa, cần phải ngắt hệ thống RO khỏi hệ thống cung cấp nước cho bệnh nhân, chạy hệ thống để xả tồn dư hoá chất, khoá van nối hệ thống RO với tank/bồn chứa nước thành phẩm hoặc máy chạy thận (tức là không sử dụng nước RO cho bệnh nhân). Trong quá trình chạy xả bỏ nếu đảm bảo được về áp suất, độ dẫn điện, độ thải bỏ của màng đạt hiệu quả giống như trong khuyến cáo là 90 - 99% thì hệ thống RO được mặc nhiên là an toàn và có thể đưa vào sử dụng, sau khi đã kiểm tra hoá chất tồn dư.

Việc kiểm tra hóa chất tồn dư sau duy tu, bảo trì, sửa chữa là vô cùng quan trọng với nguyên tắc sử dụng hoá chất nào để tiệt trùng thì phải có que thử nhanh của hoá chất đó, thử đến khi nào không còn hóa chất tồn dư thì mới được nối vào với máy chạy thận nhân tạo để chạy an toàn. Tất cả những khâu này chỉ cần làm trong ngày, đảm bảo không có biến động trong quy trình điều trị bệnh nhân.

Với những phân tích trên đây có thể thấy, không ai sử dụng AAMI để làm tiêu chuẩn an toàn sau mỗi lần sửa chữa hệ thống RO vì rất tốn thời gian và làm đảo lộn kế hoạch điều trị cho bệnh nhân.

Và cụ thể trong sự cố chạy thận vô cùng nghiêm trọng này, cái gây chết người không nằm ở chuyện AAMI như đã phân tích ở trên, mà nằm ở chính khâu sử dụng hóa chất tiệt trùng - như kết luận của Viện Khoa học Hình sự (Bộ Công an), thể hiện trong cáo trạng truy tố.

8 người tử vong khi chạy thận: Bác sĩ Hoàng Công Lương tiếp tục ra tòa, nguyên giám đốc BV vắng mặt(VietQ.vn) - Liên quan đến vụ 8 người tử vong khi chạy thận tại Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh Hòa Bình, sáng nay bác sĩ Hoàng Công Lương tiếp tục ra tòa. vắng mặt

 Bảo Anh

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang