Vững tin vào nội lực nền kinh tế, vào các giải pháp của Chính phủ

author 15:16 10/03/2020

(VietQ.vn) - Với quyết tâm lớn của Chính phủ, người dân, cộng với khả năng, kinh nghiệm của Việt Nam, dịch bệnh sẽ sớm được kiểm soát, Việt Nam có nhiều cơ sở để trông đợi vào khả năng tăng trưởng kinh tế khả quan.

"Trong phạm vi thẩm quyền, chúng tôi sẽ báo cáo Bộ Tài chính một số giải pháp góp phần giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp ngành chứng khoán, nhà đầu tư, trong đó sẽ cắt giảm một số loại giá dịch vụ chứng khoán và nới lỏng một số quy định về margin áp dụng cho giai đoạn trước mắt".

Vững tin vào nội lực nền kinh tế, vào các giải pháp của Chính phủ

 Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Trần Văn Dũng.

Đây là khẳng định của ông Trần Văn Dũng – Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) về diễn biến hiện tại và một số giải pháp bình ổn thị trường chứng khoán (TTCK) trong thời gian tới.

Nhiều thông tin bất lợi trên toàn cầu

Theo Chủ tịch UBCKNN, nhìn chung, việc thị trường của Việt Nam phiên đầu tuần giảm mạnh là cùng chung với diễn biến của TTCK thế giới. Việc thị trường giảm điểm mạnh trong phiên giao dịch 9/3 là khó tránh khỏi, bởi phiên này trùng với “điểm rơi của nhiều tin xấu hội tụ xuất hiện cùng lúc”. TTCK được ví là hàn thử biểu của nền kinh tế, nên khi có nhiều thông tin bất lợi tới nền kinh tế toàn cầu hay có sự cố bất thường (ở đây là dịch bệnh) thì sẽ phản ứng ngay tức thì.

Về nguyên nhân cụ thể, Thời báo Tài chính dẫn lời ông Trần Văn Dũng cho biết, sau hai ngày nghỉ cuối tuần, TTCK nhiều nước trên thế giới nhận nhiều thông tin tiêu cực làm gia tăng rủi ro cho nền kinh tế, khiến tâm lý giới đầu tư suy giảm và dẫn đến tình trạng các chỉ số giảm mạnh.

Theo đó, các TTCK châu Á mở cửa trước giờ giao dịch của Việt Nam đã đồng loạt giảm mạnh ngay sau khi mở cửa phiên giao dịch. TTCK Mỹ đã có một phiên giảm rất mạnh trong đêm 9/3 (theo giờ Việt Nam).

Giá dầu thế giới giảm mạnh và có thời điểm giảm đến 30% - mức giảm mạnh nhất kể từ năm 1991, chạm tới mức đáy đầu năm 2016 ngay sau khi mở cửa phiên giao dịch đầu tuần. Ngân hàng Goldman Sachs đã dự báo giá dầu Brent năm 2020 sẽ tiếp tục giảm sâu về mức 20 USD/thùng.

Cùng với đó, sáng 9/3, Chính phủ Nhật Bản đã công bố số liệu kinh tế năm 2019, với kết quả xấu hơn dự báo, làm gia tăng lo ngại kinh tế toàn cầu rơi vào suy thoái, đặc biệt trong bối cảnh tác động ngày càng nặng nề của dịch Covid-19.

Đặc biệt hơn, ngày 3/3/2020, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã đưa ra quyết định giảm khẩn cấp 0,5% lãi suất. Theo đó, 65% giới đầu tư nhận định FED sẽ tiếp tục cắt giảm lãi suất ở mức 0,75% trong cuộc họp ngày 17/3. Nếu nhận định này đúng thì đây là mức cắt giảm lịch sử trong nhiều năm qua (giảm 1,25% trong vòng 1 tháng) và đưa lãi suất điều hành về mức 0,25% - 0,50%. Điều này dấy lên lo ngại về suy giảm kinh tế Mỹ và kinh tế toàn cầu. Dòng tiền đầu tư có xu hướng dịch chuyển sang các loại tài sản an toàn như trái phiếu và vàng.

“Còn với Việt Nam, với độ mở cao của nền kinh tế, những thông tin trên không thể không gây ảnh hưởng tiêu cực tới TTCK. Ở TTCK Việt Nam, việc giảm điểm trong phiên đầu tuần có lẽ được nhiều chuyên gia, nhà đầu tư dự báo trước”, ông Dũng nhận định.

Nguyên nhân chính và trực diện nhất là diễn biến phức tạp của dịch bệnh, khi số bệnh nhân dương tính với Covid-19 tại Hà Nội tăng nhanh, sau đó tiếp tục xuất hiện thêm nhiều ca nhiễm mới ở một số tỉnh thành khác trong những ngày cuối tuần. Đây là yếu tố tiêu cực mang tính bất thường, nên tác động tới tâm lý của nhà đầu tư trên thị trường, khiến xuất hiện việc bán tháo và giảm điểm mạnh.

Việt Nam vẫn là điểm sáng

Theo ông Dũng, việc Việt Nam có thêm các ca nhiễm Covid-19 mới là điều bất lợi cho nền kinh tế nói chung và TTCK nói riêng, nhưng với quyết tâm lớn của Chính phủ, người dân, cộng với khả năng, kinh nghiệm của Việt Nam, dịch bệnh này sẽ sớm được kiểm soát.

Nhìn một cách tổng quan, khi Việt Nam kiểm soát được dịch bệnh, thì với nội lực của nền kinh tế Việt Nam, chúng ta vẫn có nhiều cơ sở để trông đợi vào khả năng tăng trưởng kinh tế khả quan. Việt Nam vẫn là điểm sáng khi dịch bệnh sớm muộn cũng sẽ được kiểm soát.

Bên cạnh đó, những tổn thương của doanh nghiệp trong đại dịch lần này là khó tránh khỏi, tuy nhiên, trong trung hạn, gói hỗ trợ tín dụng và tài khóa của Chính phủ chắc chắn sẽ phần nào hỗ trợ các doanh nghiệp sớm vực lại sức sản xuất kinh doanh.

“Chúng tôi tin rằng, với nỗ lực quyết tâm của Nhà nước, sự hợp sức đoàn kết của người dân, dịch bệnh Covid-19 sẽ sớm được đẩy lùi, nền kinh tế nói chung và TTCK nói riêng sẽ ổn định tăng trưởng trở lại. Chính vì vậy, trong bối cảnh hiện nay, chúng tôi mong rằng, các doanh nghiệp, các tổ chức tài chính trung gian và nhà đầu tư cần vững tin vào nội lực của nền kinh tế, vào các giải pháp của Chính phủ và các bộ, ngành, cũng như sức bền của TTCK Việt Nam nhằm góp phần hỗ trợ thị trường lấy lại đà tăng trưởng, đặc biệt là tránh những phiên bán tháo không cần thiết”, ông Dũng nói.

Trước những ảnh hưởng tiêu cực hiện hữu của dịch Covid-19, UBCKNN sẽ tiếp tục điều hành TTCK theo quan điểm: “Tôn trọng sự tự điều chỉnh theo quan hệ cung – cầu của thị trường, hạn chế tối đa các tác động, can thiệp về hành chính và kỹ thuật vào thị trường khi chưa thật sự cần thiết”.

Cùng với đó, UBCKNN và các đơn vị sẽ tăng cường theo dõi giám sát các diễn biến của thị trường để kịp thời đưa thông tin chính thống, minh bạch cho thị trường; trấn an tâm lý nhà đầu tư; xử lý nghiêm những hành vi thao túng, trục lợi do dịch bệnh hoặc tung tin đồn thất thiệt để trục lợi.

Sẽ có giải pháp giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp

Ngày 4/3 vừa qua, UBCKNN cũng đã lần đầu tiên tổ chức họp trực tuyến kết nối hai đầu cầu Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, cùng đại diện lãnh đạo hai Sở GDCK, Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam, đại diện lãnh đạo các công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ,… để họp bàn tìm giải pháp hỗ trợ nhà đầu tư và thanh khoản thị trường vượt qua dịch bệnh.

Nhiều ý kiến đã được chúng tôi ghi nhận, trong đó có những giải pháp có thể báo cáo Bộ Tài chính để triển khai sớm, nhưng cũng có những ý kiến sẽ được sửa đổi, bổ sung trong quá trình hoàn thiện các nghị định, thông tư hướng dẫn Luật Chứng khoán (sửa đổi) sắp tới.

Trong phạm vi thẩm quyền, UBCKNN sẽ báo cáo Bộ Tài chính một số giải pháp góp phần giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp hoạt động trong ngành chứng khoán và cho nhà đầu tư, trong đó có giải pháp cắt giảm một số loại giá dịch vụ chứng khoán và nới lỏng một số quy định về giao dịch ký quỹ (margin) áp dụng cho giai đoạn trước mắt.

Để tiếp tục chủ động điều hành TTCK trong thời gian phức tạp sắp tới, UBCKNN sẽ tiếp tục theo dõi sát diễn biến tình hình kinh tế, chính trị và chứng khoán trong và ngoài nước để kịp thời thông tin đến nhà đầu tư trong và ngoài nước nắm đúng tình hình, bình ổn tâm lý cho nhà đầu tư.

Cùng với đó, tiếp tục triển khai các giải pháp đã đề ra theo kế hoạch, trong đó chú trọng các giải pháp về tuyên truyền, xây dựng kịch bản chủ động tổ chức giao dịch toàn thị trường kể cả trong trường hợp dịch bệnh diễn biến phức tạp theo hướng gia tăng về mức độ giao dịch và giám sát giao dịch trực tuyến.

Cũng như nhiều TTCK thế giới, đặc biệt là khu vực châu Á, TTCK Việt Nam phiên 9/3 đã điều chỉnh giảm mạnh ngay từ đầu và giảm thêm trong phiên giao dịch buổi chiều. Kết thúc phiên giao dịch ngày 9/3, chỉ số VN-Index giảm 55,95 điểm (-6,28%) xuống 835,49 điểm. Số mã giảm điểm lên tới 346, gấp 10 lần so với số mã tăng, trong đó số mã giảm sàn lên tới 104 mã. Trên sàn Hà Nội, diễn biến của chỉ số HNX-Index cũng tương tự khi giảm 7,31 điểm, tương đương 6,43%, xuống 106,34 điểm.

Đây cũng là phiên giảm điểm mạnh nhất của chứng khoán Việt Nam kể từ sự kiện Biển Đông năm 2014, với mức giảm 5,87% của chỉ số VN-Index (phiên 8/5/2014).

“Điểm đáng quan tâm là thanh khoản của thị trường đã tăng khá mạnh, đạt gần 6.500 tỷ đồng trên 2 sàn niêm yết. Điều này chứng tỏ vẫn có dòng tiền mua vào bắt đáy các cổ phiếu có giá trị cơ bản tốt. Bên cạnh đó, nhà đầu tư nước ngoài vẫn tiếp tục xu hướng bán ròng, nhưng giá trị bán ròng trong phiên không quá lớn, khoảng 230 tỷ đồng”, ông Dũng cho biết.

Theo Chinhphu.vn

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang