Vượt khuyết tật bé gái K'ho 8 năm đến trường bằng đôi chân của bố

author 19:00 24/03/2017

(VietQ.vn) - Những tấm gương nghị lực, vượt khuyết tật để vươn lên sống, ước mơ và làm việc như bao người bình thường.

Vượt khuyết tật bé gái K'ho 8 năm đến trường bằng đôi chân của bố

Không có chân và đôi bàn tay cũng không lành lặn là những gì cô bé Đa Cát Ka Niêm (dân tộc K’ho), ở thôn Đạ Nhinh, xã Đạ Tông, huyện Đam Rông, tỉnh Lâm Đồng phải chịu đựng ngay từ khi sinh ra.

Vuot-khuyet-tat-be-gai-kho-8-nam-den-truong-bang-doi-chan-cua-bo
Ảnh: VOV Online

Theo VOV Online, cuộc sống nghèo khó tại một trong những xã còn nghèo khó nhất của tỉnh Lâm Đồng khiến tỷ lệ học sinh bỏ học rất cao. Học sinh ở đây thường nghỉ học theo mùa vụ để giúp bố mẹ thu hoạch mùa màng, lên rừng đào măng, hái đót để kiếm tiền trang trải cuộc sống. Tuy vậy nhưng cô bé K'ho vẫn đến trường đều đặn suốt 8 năm qua bằng đôi chân của bố hay đôi vai của những người bạn cùng lớp.

Ông Ndu Ha Du – bố của Ka Niêm, dù bận rộn việc nương rẫy, nhưng hàng ngày vẫn đưa con đến trường đều đặn.

Bố mẹ Ka Niêm có 11 người con, nhưng đã mất 4 vì bệnh tật. Nhà nghèo, các anh chị của Ka Niêm phải nghỉ học sớm. Còn Ka Niêm với nghị lực phi thường, vượt qua mặc cảm khuyết tật để đến trườnghọc tập. Bây giờ, Đa Cát Ka Niêm đã là học sinh lớp 8A1, Trường THCS Liêng Trang, xã Đạ Tông, huyện Đam Rông.

Em là tấm gương sáng về nghị lực phi thường, đức tính chuyên cần, chăm ngoan trong học tập và rèn luyện.

Ước mơ thành cô giáo của bé gái 9 năm lò cò băng rừng đến lớp

Hồ Thị Dôm (xã Phước Thành, huyện Phước Sơn, Quảng Nam) năm 2015 đang học lớp 9 Trường tiểu học và THCS Phước Thành, huyện Phước Sơn, Quảng Nam.

Báo Tuổi trẻ đưa tin, từ ngày chập chững vỡ lòng học chữ, Dôm đến trường chỉ bằng một chân trái, và cứ thế lò cò băng qua cánh rừng bạt ngàn, qua cả ngọn đồi cao khúc khuỷu với vận tốc chẳng hề thua kém bạn bè lành lặn.

Hằng ngày, cứ đúng 6g45, khi tiếng trống trường vang dội báo hiệu 15 phút sinh hoạt đầu giờ, giữa lúc các học sinh khác hối hả chạy lên những bậc thang từ dưới lòng đường dẫn lên cổng trường thì Dôm đã nhanh nhảu nhảy lò cò từng bước vững vàng tiến về lớp học. Bao năm qua, Dôm luôn được bạn học xem là người có mặt ở phòng học sớm nhất.

Vuot-khuyet-tat-be-gai-kho-8-nam-den-truong-bang-doi-chan-cua-bo

Để có thể đi một đoạn đường dài, Dôm phải siết quai cặp sát vào người thì khi di chuyển em mới không đánh rơi cặp. Bởi đi một chân lắm lúc cơ thể em ngả theo độ nghiêng của dốc núi. Nhà em cách trường bốn cây số nhưng 3/4 quãng đường là sườn đồi nên em tranh thủ dậy sớm và lò cò thật nhanh đến lớp để không trễ giờ học.

Đều đặn suốt 9 năm một mình lò cò băng rừng tìm chữ, kết quả học tập của Dôm luôn nằm trong top 3 ở lớp và số ít học sinh tiêu biểu toàn trường. Nhà cách trường khá xa và đường sá hiểm trở, nhưng dù nắng hay mưa em vẫn đến lớp không sót một buổi.

Dôm nghẹn ngào kể về nguyên nhân cô bé bị cụt một chân với PV báo Tuổi trẻ, khi em mới được 2 tháng tuổi, mẹ em đã vác cuốc đi dọn rẫy thuê kiếm cơm. Một ngày, Dôm bò trên sàn nhà một mình, không may ngã vào lò lửa đang cháy phừng phực làm chân phải bị mất vì bỏng lửa.

Càng lớn, Dôm càng ra sức phấn đấu học tập thật giỏi, với hi vọng cuộc đời sẽ tươi sáng hơn nhờ con chữ. Chia sẻ về ước mơ sau này, Dôm vững tin: “Trở thành cô giáo là ước mơ cháy bỏng theo em từ thuở bé. Em quyết tâm học tập hết mình và tin tưởng một ngày nào đó sẽ đỗ vào trường sư phạm. Khi ra trường em sẽ đem kiến thức về giảng dạy cho học trò nghèo quê mình”.

Chàng sinh viên Sài Gòn cao 80cm, suốt 22 năm đi chân đất đến trường

Vuot-khuyet-tat-be-gai-kho-8-nam-den-truong-bang-doi-chan-cua-bo

Chàng sinh viên "tí hon" Dương Văn Thành sinh ra ở Quảng Trị, đang học năm 3 ngành Hệ thống thông tin, trường Đại học Công nghệ Thông tin (thuộc Đại học Quốc gia TP. HCM).

Sinh ra không được may mắn, từ khi mới lọt lòng mẹ Thành đã bị khuyết tật bẩm sinh. Khi 22 tuổi, Thành chỉ cao 80cm và cân nặng được 30kg.

Thành chia sẻ với Trí thức trẻ rằng anh bị vẹo cột sống và đôi bàn chân cũng bị khuyết tật nên mãi đến năm cấp 2 mới chập chững tập đi từng bước. Bàn chân phải của Thành đã qua 2 lần phẫu thuật chỉnh hình, bàn chân trái cũng đã qua 1 lần phẫu thuật nhưng cho đến nay vẫn chưa thể đi lại bình thường.

"Có lần mẹ thử mua đôi dép bình thường mang cho mình, nhưng khi mang vào thì chân bị bó lại, rất đau vì kích thước bàn chân không đồng đều", chàng sinh viên nhớ lại và tâm sự: "Đi chân không riết rồi cũng quen và cho dù có đi trên đường bê tông hoặc đường cát bỏng rát thế nào mình cũng thấy bình thường do da bàn chân đã chai sần theo năm tháng rồi", Thành nói.

Hồi ấy, nếu không có quyết tâm tập đi bằng chân không, có lẽ chẳng bao giờ chàng "tí hon" đến trường được. Sau nhiều lần đấu tranh tư tưởng vượt bỏ rào cản mặc cảm, thế là Thành đi học, mặc cho ánh mắt nhìn của mọi người, mặc cả những lời xì xầm bàn tán, ngày ngày mẹ đưa đến trường, tan học mẹ lại đón về.

Vuot-khuyet-tat-be-gai-kho-8-nam-den-truong-bang-doi-chan-cua-bo

Hỏi Thành khi bước vào cuộc sống thời sinh viên với bao khó khăn làm sao có thể vượt qua được, nhất là chuyện đi lại trong trường, trong lớp, chuyện bàn ghế quá cao so với mình, rồi những ánh mắt nhìn của mọi người… thì chàng trai trẻ mỉm cười trả lời không một chút đắn đo: "Những ngày đầu vào giảng đường khó khăn thì nhiều lắm. Đây cũng có thể được xem là thử thách lớn lớn thứ 2 trong đời, nhưng mình được sự giúp đỡ của rất nhiều người, bạn bè, thầy cô giáo nên rồi cũng vượt qua được. Mọi người ai cũng yêu thương mình nên cũng không thấy mặc cảm nhiều".

Được biết, ngoài những khiếm khuyết trên cơ thể, Thành còn bị bệnh tim bẩm sinh. Thế nên những lúc trái gió trở trời cơ thể lại đau nhức khó thở vì phần ngực ngày càng phù to hơn.

Hoàng Minh Thái (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang