Vứt hàng ngàn bánh chưng, gà luộc: Mốt khoe lãng phí!

author 13:24 11/02/2014

(VietQ.vn)- Vứt hàng ngàn bánh chưng, gà luộc sau tết như làm "nổi lên cái mốt khoe rằng mình đã lãng phí.... thích chứng tỏ mình “ngồi xổm” trên sự lãng phí…"

PGS.TS Trịnh Hòa Bình - Giám đốc Trung tâm Điều tra Dư luận xã hội (Viện Xã hội học) đã đưa ra những nhận định về văn hóa lối sống của người Việt qua hình ảnh hàng ngàn bánh chưng, gà luộc cả con bị đổ vào thùng rác dịp sau Tết.

Xúc phạm người nghèo

Xung quanh câu chuyện đổ đi hàng hóa cũng có nhiều chuyện phải bàn. Có khi buộc lòng phải đổ đi những thực phẩm biến chất nếu không muốn ảnh hưởng sức khỏe. Tuy nhiên, điều chúng ta nên phê phán ở đây là thói trưởng giả, đua đòi thời thượng và quan trọng hơn khi người ta đổ đi nhiều như vậy thì cần xem lại sự nông nổi trong xây dựng kế hoạch tiêu dùng, kinh doanh sản xuất.

Đó là những câu chuyện ở tầm vĩ mô còn chuyện liên quan tới tính cách con người thì chúng ta lại có thói quen mời nhau ăn thì mời cho “toái loái”, lúc nào cũng lo thiếu, không bao giờ sợ thừa, và thường những bữa như vậy, thức ăn lại thừa ê hề.

Trong những câu chuyện thường ngày, người ta thường kể cho nhau nghe là đã mời, chiêu đãi được nhiều người ăn "ngập răng". Ngay trong lễ lạt cũng phải tìm cách để lập được những kỷ lục khủng ở những loại rượu độc, những thứ lễ vật không thể nào quái đản hơn... Đáng nói, người ta hiện đang xem đó là một trong những tiêu chí để hãnh diện, mà không hề nghĩ tới câu chuyện lãng phí, tốn kém.

Thậm chí trong xã hội còn nổi lên cái mốt khoe rằng mình đã lãng phí, thích chứng tỏ mình ngồi xổm trên sự lãng phí đó. Đáng kể thay là một bộ phận những người lãng phí như vậy lại không dễ dàng, không sẵn sàng làm từ thiện hơn những người biết tiết kiệm.

Thực ra những hành động lãng phí tốn kém như vậy là một sự xúc phạm người nghèo. Điều đó cho thấy một sự phát triển văn hóa không chín chắn, nông nổi và thiếu chiều sâu. Đối ngược với người dân các nước phát triển, họ làm ra nhưng họ chi tiêu tiết kiệm, không hoang phí một cách vô lối, không sĩ diện chạy theo mốt, thời thượng, đua đòi sành điệu nông nổi…

Tiêu dùng vô lối và hội chứng kỷ lục

Vài chục năm trước đây, chúng ta bắt gặp những hình ảnh đổ bỏ của cải trong thước phim tuyên truyền về cuộc khủng hoảng thừa tại các nước tư bản chủ nghĩa. Tuy nhiên theo dòng thời gian, họ đã thay đổi.  Từ người dân tới các tập đoàn kinh tế đã có những phân xử thông minh, căn cơ xuất phát từ tư tưởng tiết kiệm. Một bằng chứng về tiết kiệm trong tiêu dùng của người châu Âu đó là khi ăn xong, các chàng trai hay cô gái thường  sẵn sàng thò tay để vét sạch thức ăn thừa trong bát đĩa của mình mà không chút băn khoăn, hồ nghi sĩ diện hão.

Đối chọi một cách gay gắt với những hình ảnh trên là việc lãng phí đến kệch cỡm của người Việt. Xin kể câu chuyện về đôi trai gái người Việt đi ăn phở, mà có lẽ nhiều người từng biết: Phở ngon quá, cô gái mải vui đã húp hết nước trong bát của mình. Ngay lập tức chàng trai tỏ thái độ không hài lòng và "sửa sai" cho đối phương bằng cách lấy bát của mình san đều nước phở cho bát của bạn gái để chứng tỏ rằng mình là người lịch sử, sành điệu!?

Không chỉ bánh chưng mà xôi, giò thịt ăn không hết cũng phải vứt đi (Ảnh Dân việt)

Người Việt chúng ta trong giai đoạn này có một bộ phận đã trở nên kệch cỡm, tiêu dùng vô lối, không dựa trên cơ sở sức sản xuất, ăn tiêu không phù hợp tiềm năng. Bằng chứng rõ nhất là người ta chạy đua theo các kỉ lục, nổi lên một hội chứng danh hiệu về sản vật, sản phẩm. Cái gì cũng muốn to nhất, dài nhất, khủng nhất từ bánh chưng, bánh dày đến chai rượu … và bây giờ không cần chạy đua người Việt ta cũng "vỗ ngực" vì đạt được danh hiệu uống bia nhiều nhất Đông Nam Á!

Gần đây một trong những thông tin đang được dư luận trầm trồ đó là việc nghiên cứu, đầu tư để cho ra giống “gà chín cựa” và người ta cũng đã nghĩ đến lúc nào sẽ có “ngựa chín hồng mao”. Rồi có một thời cách đây vài thập niên thì các tỉnh chúng ta thi nhau là phải có nhà máy đường, nhà máy bia, nhà máy thuốc lá và xem đấy là 3 mặt kích hoạt cho tăng trưởng kinh tế.

Từ những câu chuyện trên cho thấy một bình diện, một chân tướng đang hiển hiện đó là người Việt Nam sính hình thức, chạy đua theo các thứ xa sỉ. Nó cũng gần gũi với câu chuyện mà người Hà nội vứt cả ngàn chiếc bánh chưng, gà nguyên con vào thùng rác, hàng đống những hoa quả, thực phẩm khác...

Đã tới lúc, người Việt phải quay lại chân giá trị của mình, phải đứng trên đôi chân của mình, phải nhìn lại năng lực sản xuất, nhìn lại xuất phát điểm, văn hóa của mình chứ không phải tạm thời được thế dương dương tự đắc như trọc phú mà rất dễ đoạn tuyệt với quá khứ đói nghèo, lạc hậu. Cần phải nhìn sang những người láng giềng châu Á của chúng ta để rút bài học. Ví như người Nhật, ngay cả khi họ giàu có rồi nhưng ý thức tinh thần tiết kiệm vẫn được coi trọng…

Và còn những lãng phí khác...

Ngoài ra người Việt còn đang lãng phí về thời gian, nguyên liệu, tài nguyên thiên nhiên….chỉ nhìn thấy cái trước mắt mà không nhìn thấy bề sâu lâu dài. Đặc biệt về lãng phí tài nguyên, không chỉ người dân chung chung, mà ngay cả cán bộ lãnh đao tham mưu của chúng ta cũng thế. Mặc dù chủ trương không xuất khẩu nguyên liệu thô mà phải chuyển sang xuất khẩu hàng hóa tinh luyện có giá trị, nhưng thực tế lại vẫn chưa làm được, như vậy còn mắc thêm bệnh nói không đi đôi với làm.

Đón đọc bài cuối: "Vứt ngàn bánh chưng, gà luộc: Đừng vội phê phán"

Hoàng Vũ (ghi)

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang