WHO cảnh báo dịch COVID-19 chưa đến 'hồi kết'

author 06:41 01/07/2020

(VietQ.vn) - Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết 6 tháng kể từ khi virus SARS-CoV-2 bùng phát tại Trung Quốc, dịch bệnh “chưa gần đến hồi kết" và thậm chí "đang gia tăng trên toàn cầu".

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 chưa thể kết thúc sớm, trong bối cảnh số ca tử vong trên toàn cầu đã vượt ngưỡng nửa triệu người và các ca nhiễm mới tại Mỹ, khu vực Mỹ Latinh vẫn tăng mạnh.

Phát biểu tại một cuộc họp báo trực tuyến, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết 6 tháng kể từ khi virus SARS-CoV-2 bùng phát tại Trung Quốc, dịch bệnh “chưa gần đến hồi kết" và thậm chí "đang gia tăng trên toàn cầu" dù nhiều nước đã đạt được một số kết quả nhất định trong việc ngăn chặn dịch bệnh.

 Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus.

Tuy nhiên, ông Ghebreyesus nhấn mạnh "điều tồi tệ nhất vẫn chưa xảy ra", song "chúng ta không nên mất hy vọng". Ông cũng cho rằng bên cạnh những điều tồi tệ, đại dịch cũng đem lại cho nhân loại cả điều tốt, như lòng nhân ái và tình đoàn kết.

Ông kêu gọi thế giới cần chuẩn bị cho cuộc chiến lâu dài chống dịch trong thời gian tới với tinh thần đoàn kết, kiên cường, kiên nhẫn, nhân ái và bao dung. Tổng giám đốc WHO nhấn mạnh việc truy dấu tiếp xúc những người nhiễm bệnh là yếu tố quan trọng nhất trong cuộc chiến chống COVID-19 và không có lý do nào có thể biện hộ cho các quốc gia không làm được điều này.

Số liệu được biên soạn bởi Đại học Johns Hopkin cho hay, virus corona đã lây nhiễm cho hơn 10,1 triệu người trên thế giới và khiến hơn 502.000 người tử vong. Còn theo dữ liệu của WHO, số lượng người nhiễm mới tăng hơn 23%, tương đương 189.077 người (tính đến 29/6).

5 cách để các nước bảo vệ người dân trước đại dịch

Theo trang thông tin điện tử của Liên Hợp Quốc, ông Tedros đã nêu ra năm cách bảo vệ tính mạng của người dân trước đại dịch COVID-19. Quan trọng nhất, các quốc gia phải cho người dân quyền tự bảo vệ mình bằng cách ban hành các yêu cầu giãn cách xã hội và các biện pháp y tế công cộng khác.

Thứ hai, các chính phủ phải tiếp tục kìm hãm sự lây lan của dịch bệnh, đảm bảo việc truy vết và cách ly những người tiếp xúc với các ca nhiễm COVID-19. Trong đó, ông Tedros nhấn mạnh "nếu bất kỳ quốc gia nào nói rằng truy vết những người tiếp xúc là khó khăn, đó là một lời biện hộ không thỏa đáng".

Thứ ba, các nước cũng phải ưu tiên phát hiện sớm ca bệnh và đưa ra các biện pháp chăm sóc y tế phù hợp. Đặc biệt, các chính phủ cần quan tâm đặc biệt đến các nhóm người có nguy cơ cao như người cao tuổi hay người sống trong các cơ sở bảo trợ xã hội.
Hai biện pháp khác bao gồm tăng cường nghiên cứu và chia sẻ những thông tin xác thực về COVID-19.

Thảo Nguyên (Theo CNBC)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang