WHO theo dõi chặt chẽ 10 biến chủng COVID-19

author 06:04 05/05/2021

(VietQ.vn) - Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đang theo dõi nghiêm ngặt 10 biến chủng COVID-19 đáng lo ngại trên phạm vi toàn cầu.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết, cơ quan này đang theo dõi nghiêm ngặt 10 biến chủng COVID-19 mà cơ quan này cho là “đáng quan tâm” hoặc “đáng lo ngại” trên phạm vi toàn cầu. Trong số này có 2 biến chủng phát hiện đầu tiên ở Mỹ và một biến chủng đột biến kép đang gây sóng gió ở Ấn Độ. WHO xem 10 biến chủng nói trên là nguy cơ đối với sức khoẻ cộng đồng trên toàn cầu.

Các biến chủng COVID-19 mới xuất hiện hàng ngày do virus liên tục biến đổi, nhưng chỉ có một số biến chủng được WHO đưa vào danh sách theo dõi, với tư cách những biến chủng “đáng quan tâm” hoặc “đáng lo ngại”. Các biến chủng thuộc diện “đáng lo ngại” là những loại đột biến, có khả năng lây lan nhanh hơn, dễ gây tử vong hơn, và có tính kháng lại cao hơn các loại vaccine và phương pháp điều trị hiện có.

WHO đã phân loại 3 biến chủng sau là biến chủng “đáng lo ngại”: biến chủng B.1.1.7 phát hiện đầu tiên ở Anh và hiện là biến chủng phổ biến nhất ở Mỹ; biến chủng B.1.351 phát hiện đầu tiên ở Nam Phi; và biến chủng P.1 phát hiện đầu tiên ở Brazil. Biến chủng đột biến kép B.1617 phát hiện đầu tiên ở Ấn Độ được WHO phân loại là “đáng quan tâm”.

Bà Maria Van Kerkhove, chuyên gia thuộc WHO cho biết cần nghiên cứu thêm để thực sự hiểu rõ về biến chủng này. “Sự thật là có các số biến chủng virus mới đã và đang được phát hiện trên khắp thế giới, tất cả đều cần được đánh giá kỹ lưỡng”, bà Van Kerkhove nói.

WHO đang theo dõi nghiêm ngặt 10 biến chủng COVID-19 mà cơ quan này cho là “đáng quan tâm” hoặc “đáng lo ngại” trên phạm vi toàn cầu. Ảnh minh họa

Những biến chủng khác được phân loại “đáng quan tâm” bao gồm B.1525 phát hiện đầu tiên ở Anh và Nigeria; B.1427/B/1429 phát hiện đầu tiên ở Mỹ; P.2 phát hiện đầu tiên ở Brazil; P.3 phát hiện đầu tiên ở Nhật Bản và Philippines; S477N phát hiện đầu tiên ở Mỹ; và B.1.616 phát hiện đầu tiên ở Pháp.

Bà Van Kerkhove nói rằng việc phân loại các biến chủng được quyết định ít nhất một phần bởi năng lực giải mã trình tự gen, mà năng lực này tuỳ thuộc vào từng quốc gia. Cũng theo bà Van Kerkhove, WHO cũng đang dựa vào các nhà dịch tễ học tại các quốc gia, xem họ như “tai mắt” của WHO để hiểu rõ hơn về tình hình ở thực địa và nhận diện những biến chủng nguy hiểm mới.

Liên quan tới vấn đề phòng chống COVID-19, trước đó, WHO đã phê chuẩn vaccine Moderna do tập đoàn Moderna của Mỹ nghiên cứu phát triển là vaccine COVID-19 khẩn cấp. Với quyết định trên, vaccine Moderna trở thành vaccine thứ 5 được WHO phê chuẩn và khuyến nghị sử dụng để chích ngừa COVID-19.

Động thái này của WHO sẽ giúp các quốc gia chưa thể sản xuất vaccine COVID-19 có thể tiếp cận nguồn vaccine để nhập khẩu và tiêm cho người dân. Vaccine Moderna cũng sẽ được cung cấp thông qua chương trình phân phối vaccine toàn cầu COVAX của WHO.

Đội ngũ chuyên gia WHO đã nhanh chóng tiến hành các qui trình đánh giá đối với vaccine Moderna, cũng như các loại vaccine khác, trong bối cảnh vaccine được xem như niềm hy vọng của thế giới trước đại dịch COVID-19.

Nhóm chuyên gia tư vấn chiến lược về tiêm chủng của WHO (SAGE) cũng đã có đánh giá tích cực về tính an toàn và hiệu quả của vaccine này, trong bối cảnh vaccine là niềm hy vọng của thế giới trước đại dịch Covid-19. Sau hai tháng theo dõi, SAGE đánh giá độ hiệu quả của vaccine COVID-19 do Moderna phát triển dựa trên công nghệ mRNA có hiệu quả đạt mức 94,1%. Về bảo quản, vaccine Moderna được bảo ôn dạng đông lạnh trong lọ nhỏ đa liều ở nhiệt độ từ -25 tới -15 độ C, song cũng có thể bảo ôn trong tủ lạnh 30 ngày ở nhiệt độ từ 2-8 độ C.

Bảo An

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang