Xài hàng hiệu giả cho... oai?

author 05:50 18/05/2012

"Hàng phếch" hay "fake" là tên gọi ám chỉ các loại hàng nhái, bắt chước các thương hiệu nổi tiếng trên thế giới. Trong khi trào lưu sử dụng mặt hàng này đang nở rộ thì chất lượng của chúng đến giờ vẫn còn là dấu hỏi lớn.

Nhan nhản hàng nhái

Nhiều người yêu thích thời trang mê mẩn mẫu mã, kiểu dáng của hàng hiệu, nhưng lại không có đủ tiền, hoặc "xót ruột" khi bỏ cả đống tiền đổi lấy một chiếc túi, đồng hồ hay một bộ váy, áo “mốt” nhất. "Giải pháp là mua hàng fake cao cấp hoặc fake 1, fake 2, 3 (hàng nhái nhiều cấp độ), vừa rẻ hơn hàng chục lần mà vẫn đẹp", một "tín đồ" hàng fake khẳng định. 
 
Mặc dù các thương hiệu lớn cũng đã chính thức phân phối tại Việt Nam nhưng chưa bao giờ hàng nhái lại phát triển tràn lan như hiện nay. Trên những “con đường thời trang” như Chùa Bộc, Tôn Đức Thắng, Tây Sơn, Phố Huế, Bà Triệu… hay nhiều khu chợ Ngã Tư Sở, chợ Hôm… vẫn có rất nhiều cửa hiệu bày bán hàng giả công khai. 
 
Lực lượng chức năng thiêu hủy hàng giả, hàng nhái kém chất lượng
Lực lượng chức năng thiêu hủy hàng giả, hàng nhái kém chất lượng
 
Theo lời giới thiệu của người bán hàng “fake”, mặt hàng này có rất nhiều cấp độ, giá “chát” nhất là loại hàng 1:1 giống hàng “xịn” đến 99%. Mặt hàng này có giá lên đến 10–20 triệu đồng cho dòng túi xách Hermes, LV, loại thứ hai là “super fake” có giá mềm hơn từ 2–3 triệu đồng/sản phẩm, mức giá khoảng 2-3 triệu đồng/chiếc, các loại khác xếp thứ tự fake 1, 2, 3 thì giá giảm dần bình quân 500.000đ/sản phẩm cho mỗi cấp độ.
 
Nhiều cửa hàng còn chuyên bán hàng “nhái” các hãng thời trang cao cấp từ nước ngoài nhập vào, giới “dân chơi”, ca sĩ, người mẫu đặt mua hàng thường xuyên, cứ catalogue chính hãng ra mẫu nào, khách đặt là shop sẽ có hàng mang về ngay. “Có những chiếc túi hiệu giá đến nửa tỉ đồng, Việt Nam mấy người dám xài, vậy mà đi ra đường thấy sinh viên, học sinh, bà bán hàng ngoài chợ, nhân viên công sở ai cũng xài túi xách, thắt lưng, quần áo hàng hiệu. Không dùng đồ nhái thì tiền đâu mà mua cho đủ”, một nhân viên bán hàng trên phố Tôn Đức Thắng “bật mí”.
 
Trào lưu mua hàng fake còn đặc biệt sôi nổi trên các diễn đàn mạng. Nhiều topic rao bán các mặt hàng thời trang “nhái” đều quảng cáo, liên tục cập nhật những mẫu “hot” nhất, các bộ sưu tập mới nhất của các thương hiệu thời trang thế giới. Người bán thì đua nhau lập những đề tài bàn luận nóng sốt như làm thế nào phân biệt hàng fake loại một với loại 2, 3, 4, hay dòng sản phẩm nào fake giống nhất, dòng nào khó giống nhất. Không như việc mua nhầm hàng giả, trào lưu fake cao cấp nhận được sự đồng thuận của người mua lẫn người bán. 
 
Trên thị trường hàng fake, túi là sản phẩm được ưa chuộng nhất, trong đó phổ biến là Louis Vuitton. Túi xách fake của Hermès cũng được nhiều người "ngưỡng mộ" nhưng nhu cầu ít hơn do giá khá “chát”, dòng “phếch” 1 cũng có giá khoảng 3 triệu đồng còn dòng “cao cấp” có giá trên 10 triệu đồng. "Ngoài ra, trên thị trường còn xuất hiện những sản phẩm như đồng hồ, điện thoại di động. Đồng hồ dỏm khác với túi xách ở chỗ được quảng cáo là fake "siêu cấp" nhưng giá "rẻ như cho", chỉ vài trăm nghìn đồng, dù mang mác Rolex, Longines hay Tissot. 
 
Lắc đầu với hàng Việt “xịn” 
 
Trong khi đó, trên thị trường đã xuất hiện rất nhiều nhãn hiệu hàng Việt Nam cao cấp như Sanciaro, Manhattan, Viettien Smartcasual, Mattana, An Phước, Jemma, Gosto, Nino Maxx…Tuy nhiên, dù chất lượng tốt nhưng nhiều người tiêu dùng vẫn chưa quen với việc bỏ hàng triệu đồng mua hàng thương hiệu Việt. Nhân viên bán hàng tại trung tâm Parkson cho biết, rất nhiều khách hàng ưng ý với những món hàng túi xách hay quần áo thời trang cao cấp của Việt Nam. Thế nhưng, khi xem lại thấy có giá “tiền triệu”, ai nấy đều… lắc đầu. 
 
Lí do là vì nhiều khách hàng có suy nghĩ đã bỏ đến “tiền triệu” mà mua hàng sản xuất trong nước thì không “oai”, thà mua hàng “phếch” hay hàng thời trang “ngoại” nhưng giá bình dân như HM, Zara, Mango hay Charles & Keith còn hơn. Nhiều khách vào siêu thị chọn hàng, khen mẫu đẹp, khen giá rẻ hơn hàng hiệu khác nhưng đến lúc ra quầy tính tiền, xem trên nhãn có chữ xuất xứ công ty Việt Nam cũng ngay lập tức quay lại trả hàng. 
 
Cẩn trọng khi sử dụng hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ
Cẩn trọng khi sử dụng hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ
 
Hiện nay, một số nhãn hiệu Việt Nam như: Vera, WOW, Sanciaro, Manhatta, Vee Sandy, Sanding, F house, An Phước, Thái Tuấn, Nhabeco, Pharon, M10… về chất lượng có thể tự hào không thua kém Louise Vuiton, Esprit, Scada, Mango, Bosinia, Gucci, Piere Cardin…Tuy nhiên, nhiều người vẫn chọn thương hiệu ngoại thay vì thương hiệu nội.
 
Chị Khách Linh, một "tín đồ" thời trang hàng hiệu, cho biết nếu xem chất liệu, giá cả, mẫu mã… thì hàng nội có khi không thua hàng ngoại. Nhưng nếu một người mặc chiếc áo có logo của LV, Moschino, DG, Chanel… người ta sẽ biết ngay là đang xài đồ hiệu; còn logo hình đầu sư tử của Sanciaro (Việt Tiến), hay chữ A cách điệu của An Phước, thì người đối diện sẽ... không biết đó là gì.
 
Phương Trang
Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang