Xăng dầu phải lãi nên không thể giảm giá ngay

author 06:56 05/09/2013

“Lẽ ra, Petrolimex được lãi tới 1.200 tỷ đồng nhưng lại chỉ lãi có 388 tỷ đồng… Nếu đem gửi tiết kiệm thì lãi suất còn lớn hơn”, ông Võ Văn Quyền, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương đánh giá.

Đáng lẽ Petrolimex lãi 1200 tỷ đồng?

Tại cuộc họp báo cuối chiều qua, 3/9, Vụ trưởng Võ Văn Quyền nói: “Trong 6 tháng đầu năm, Petrolimex nhập 4,4 triệu m3 xăng dầu. Nếu nhân với lợi nhuận định mức theo quy định của Nghị định 84 là 300 đồng/lít thì sẽ lãi 1.200 tỷ đồng. Lẽ ra Petrolimex được lãi 1.200 tỷ đồng nhưng thực tế, Petrolimex lại chỉ lãi có 388 tỷ đồng xăng dầu”.

“Tính ra, tỷ suất lợi nhuận xăng dầu chỉ là 2,82%. Nếu dùng số tiền này gửi lãi suất ngân hàng 7% thì số tiền lãi thu được tốt hơn. Đó là về mặt tài chính”, ông Quyền nhấn mạnh.

Tập đoàn xăng dầu kinh doanh lãi thực bao nhiêu? Ảnh minh họa<br>
Tập đoàn xăng dầu kinh doanh lãi thực bao nhiêu? Ảnh minh họa

Tuy nhiên, theo ông Quyền, về mặt xã hội thì Petrolimex ngoài kinh doanh theo cơ chế thị trường, còn phải đảm bảo sự chia sẻ và trách nhiệm trước pháp luật không để đứt nguồn hàng. Chính vì vậy, đáng lẽ Petrolimex lãi theo quy định là 1.200 tỷ đồng thì chỉ lãi 388 tỷ đồng”- ông Quyền lặp lại.

Để minh chứng rõ nét hơn cho nhận định này, ông Quyền đề nghị báo chí nên “search” (tìm kiếm) các thông tin công ty chứng khoán, công ty sữa mà so sánh tỷ suất lợi nhuận của ngành xăng dầu, mới thấy khách quan hơn.

Vị đại diện Bộ Công Thương cho biết: “Có nhà khoa học đặt câu hỏi tại sao lúc bảo lỗ nhưng khi bố cáo lại là lãi? Hiện nay, Petrolimex là công ty cổ phần nên theo luật chứng khoán, phải báo cáo tài chính hợp nhất 6 tháng, 1 năm. Báo cáo đó đều được kiểm toán, phải công khai minh bạch.

Trước đó, Petrolimex công bố, 6 tháng đầu năm, lãi hợp nhất trước thuế toàn Tập đoàn là 898 tỷ đồng. Lãi hợp nhất sau thuế là 687 tỷ đồng, tỷ suất lợi nhuận trên vốn đạt 4,7%.

Ông Trần Ngọc Năm, Phó Tổng Giám đốc Petrolimex khẳng định riêng lợi nhuận xăng dầu của Tập đoàn là thấp. Với mức lãi đạt 388,22 tỷ đồng, mỗi lít xăng dầu chỉ lãi bình quân 94 đồng/lít, kg, bằng khoảng 31% so với lợi nhuận định mức.

“Kinh doanh xăng dầu cũng phải có lãi”


Chia sẻ với VietnamNet sáng 4/9, đại diện của SaigonPetro cũng thẳng thắn nói: kết quả kinh doanh xăng dầu 6 tháng đầu năm không đến nỗi là lỗ. Có lúc lãi, có lúc lỗ nhưng tính chung là có lãi. Có điều, lãi của SaigonPetro và nhiều DN xăng dầu khác không thể bằng Petrolimex. Tập đoàn này có lợi thế lớn sở hữu hệ thống bán lẻ xăng dầu. Các doanh nghiệp đầu mối còn lại phải lo cạnh tranh thù lao nên lãi thấp hơn.

Vị chuyên gia kinh doanh xăng dầu này chỉ hé mở, lãi của SaigonPetro tính bình quân chưa đạt tới 100 đồng/lít, kết quả chung chỉ lãi vài chục tỷ đồng. Nếu tính đủ lợi nhuận định mức 300 đồng/lít thì lợi nhuận “đáng lẽ ra” theo cách nói của ông Quyền, sẽ đạt khoảng 300 tỷ đồng. Tỷ suất lợi nhuận 3-4%/năm.

Tuy nhiên, theo ông, mặc dù Nhà nước cho lãi 300 đồng/lít nhưng các DN xăng dầu thực chất không được hưởng đủ mức lãi này. Vì riêng trả thù lao cho đại lý, “bét” nhất thời điểm này cũng phải 500 đồng/lít, cộng chi phí quản lý, vận tải, hao hụt…, DN hầu như không bao giờ được hưởng trọn lãi 300 đồng.

Bày tỏ về quan điểm của người tiêu dùng luôn “thành kiến” với chuyện lỗ lãi xăng dầu, ông nhấn mạnh: “Dù sao, là DNNN thì khi kinh doanh, cũng phải đảm bảo có lãi chứ, không thể bắt họ lỗ được!”.

“Tuy nhiên, cách so sánh tỷ suất lợi nhuận trên vốn của ngành xăng dầu, với những ngành khác như chứng khoán, sữa là… không hợp lý. Vì lẽ, các ngành dịch vụ thường có vốn đầu tư ít hơn nhiều”, ông bày tỏ.

“Để đảm bảo hiệu quả kinh doanh thực sự thì mức lãi của một DN ít nhất cũng phải bằng, cao hơn lãi suất ngân hàng”, ông nói.

Việc điều chỉnh giá xăng dầu phải theo lộ trình quy định. Ảnh minh họa<br>
Việc điều chỉnh giá xăng dầu phải theo lộ trình quy định. Ảnh minh họa

Giá không thể giảm tức thời

Câu chuyện lãi lỗ của ngành xăng dầu thường vấp phải cái nhìn không thiện cảm của người tiêu dùng. Không phải vì “định kiến” mà bởi, cơ chế điều hành giá hiện nay vẫn chưa thực sự minh bạch, sát với giá thế giới.

Đại diện Bộ Công Thương đã thừa nhận độ trễ của giá thế giới và giá xăng dầu Việt Nam. Vì thế, ông Võ Văn Quyền lặp lại khá nhiều lần: “Đừng hiểu theo thế giới thì giảm là giảm tức thì”.

Ông nhấn mạnh: “Kinh doanh xăng dầu theo Nghị định 84 đã nêu rõ là theo cơ chế thị trường. Về nguyên tắc, giá xăng dầu trong nước là theo giá thế giới nhưng không có nghĩa, giá thế giới tăng là giá trong nước tăng ngay, giá thế giới giảm thì giá trong nước giảm ngay.”

“Nếu theo kiểu tăng ngay, giảm ngay sát giá thế giới thì vừa qua, giá xăng dầu trong nước đã tăng lên rất nhiều lần, vì có lúc, giá xăng thành phẩm lên tới 119 USD/thùng”.

Cập nhật của Hiệp hội xăng dầu Việt Nam cho hay, tính bình quân 30 ngày đến 2/9, một lít xăng đang lỗ 336 đồng, dầu diezen lỗ 507 đồng/lít, dầu hỏa lỗ cao nhất là 1.088 đồng/lít, dầu madut lỗ 71 đồng/lít.

Tuy nhiên, đại diện Bộ Công Thương khẳng định mức lỗ như vậy là chưa tính đến việc sử dụng Quỹ bình ổn giá. Nếu tính từ đợt điều chỉnh giá xăng dầu gần đây nhất hôm 22/8, xăng dầu lỗ nhưng Liên bộ chưa tăng giá vì sẽ ảnh hưởng tác động nhiều thứ, cần phải theo dõi thêm.

Theo đó, nếu tính thêm việc sử dụng Quỹ bình ổn 300 đồng/lít xăng, 400 đồng/lít dầu diezen, 800 đồng/lít dầu hỏa thì mặt hàng xăng chỉ còn lỗ 36 đồng/lít, dầu diezen lỗ 107 đồng/lít, dầu hỏa lỗ 288 đồng/lít.

Ông khẳng định, việc điều hành giá xăng dầu sẽ vẫn kiên định theo Nghị định 84. “Nhà nước chưa bao giờ từ bỏ quyền quản lý giá. Theo thị trường nhưng không phải danh nghiệp được giao toàn quyền về giá. Câu chuyện không phải là giá hôm nay bao nhiêu, giá ngày mai bao nhiêu mà quan trọng là tạo cho doanh nghiệp có sức sống, sức cạnh tranh và 10 năm sau Nhà nước có thể rút dần việc can thiệp vào thị trường này.

Theo Vietnamnet

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang