Xăng giảm, hàng hóa thiết yếu không giảm

author 09:30 24/08/2013

(VietQ.vn) - Các mặt hàng thiết yếu như thực phẩm, hàng hóa gia dụng... giá không có chiều hướng giảm, trong khi giá xăng dầu đã được điều chỉnh giảm xuống.

Giá xăng giảm nhỏ giọt không đủ lực kéo giá hàng hóa giảm theo

Mỗi lần giá xăng tăng, các mặt hàng, dịch vụ từ thực phẩm, cước vận tải, giá điện nước, nhà cho thuê nhà... đều đẩy giá lên. Điều này được các chuyên gia kinh tế cho rằng, đó là chiều thuận và là xu hướng của giá vì xăng dầu là yếu tố đầu vào và đầu ra rất quan trọng liên quan đến hầu hết các sản phẩm, dịch vụ, hàng hóa trên thị trường.

Giá xăng dầu giảm không đủ lực để kéo giá hàng hóa thiết yếu giảm theo, dù đã tăng cùng giá xăng trước đó. Ảnh minh họa
Giá xăng dầu giảm không đủ lực để kéo giá hàng hóa thiết yếu giảm theo, dù đã tăng cùng giá xăng trước đó. Ảnh minh họa

Trước khi tăng giá xăng dầu, thường các doanh nghiệp đầu mối "hát" bài lỗ lãi và phán quyết cuối cùng là ở liên bộ Công Thương - Tài Chính. Hai cơ quan này sẽ quyết định việc người tiêu dùng được giảm tiền hoặc phải trả tiền bao nhiêu. 

Điều đó cho thấy, mỗi lần tăng giá xăng dầu, các phương án giá cả hàng hóa đều có sự tính toán chặt chẽ của cơ quan chức năng. Thế nhưng, một câu hỏi đặt ra là, tại sao trước khi tăng giá xăng dầu, các cơ quan chức năng và doanh nghiệp có tính toán đến việc thiết lập mặt bằng giá mới. Rồi khi xăng dầu giảm giá, các cước dịch vụ, hàng hóa... lại không được tính toán để thiết lập mặt bằng giá giảm ngay? Thậm chí, có những hàng hóa, dịch vụ chỉ có "té giá" tăng theo giá xăng, mà không thấy có giảm xuống hoặc có giảm thì cũng vài ba tháng sau mới chỉnh dần dần.

Theo Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam, tính đến ngày 21-8, giá cơ sở bình quân 30 ngày, xăng A92 là 24.357 đồng/lít trong khi giá bán lẻ là 24.570 đồng/lít. Vậy DN lãi 216 đồng/lít.

Trên thị trường hiện nay, giá cả nhiều hàng hóa vẫn đứng ở mức cao. Mặt bằng giá cao đó được lập từ sau khi giá xăng dầu được điều chỉnh tăng vào ngày 17/7/2013 vừa qua. Hầu hết các tiểu thương tại các chợ ở Hà Nội cho rằng, sau khi xăng dầu tăng giá 1 - 2 ngày, giá cả hàng hóa đồng loạt điều chỉnh ít nhiều.

Trong lần giảm giá xăng vừa qua, mức giảm thấp hơn nhiều so với mức tăng trước đó. Chính vì thế, hiệu ứng giảm giá xăng lần này không đủ lực để kéo giá cả hàng hóa xuống.

Tại các chợ ở Hà Nội như Thành Công, Nghĩa Tân, Cầu Giấy, Ngã Tư Sở, chợ Xanh - Định Công, chợ Phùng Khoang, chợ Hôm, chợ Đại La, Minh Khai, Trương Định... giá cả hàng hóa vẫn giữa ở mức cao. Hiện giá thịt lợn sấn các loại vẫn ở mức 80.000- 85.000 đồng/kg; thịt thăn nạc vẫn ở mức 90.000- 95.000 đồng/kg; thịt bò bắp 230.000 đồng/kg; bò philê 250.000 đồng/kg; Cá trắm, cá chép vẫn ở mức 60.000 đồng/kg, tôm sú loại 30 con/kg vẫn ở mức 350.000 đồng/kg; tôm chân trắng 250.000 đồng/kg. Đặc biệt là giá các loại rau xanh vẫn cao ngất ngưởng sau tăng giá xăng, điện, gas và sau bão: giá cải xanh, cải ngọt 30.000 đồng/kg; cải bắp 20.000 đồng/kg; cà chua 25.000 đồng/kg; quả mướp 20.000 đồng/kg; dưa chuột 20.000 đồng/kg; rau muống 8.000 đồng/bó; mồng tơi 7.000 đồng/bó, rau ngót 7.000 đồng/bó...

Phải minh bạch cho người dân biết

Trên thực tế, quyết định mới đây của liên bộ Công Thương và Tài Chính khiến không ít người dân và các chuyên gia kinh tế không đồng tình. Thậm chí, không ít chuyên gia đã lên tiếng, đòi liên bộ phải công khai minh bạch, tại sao vừa cho điều chỉnh giảm giá xăng vừa cho doanh nghiệp trích quỹ bình ổn giá. Một mặt, liên bộ "giảm tiền" cho người tiêu dùng khi mua xăng, nhưng mặt khác liên bộ lại "lấy tiền" của người tiêu dùng từ quỹ bình ổn giá.

Nhiều mặt hàng như thực phẩm, cước vận tải, nhà ở... giá cả đắt đỏ trong khi thu nhập của người dân gặp khó khăn. Ảnh minh họa
Nhiều mặt hàng như thực phẩm, cước vận tải, nhà ở... giá cả đắt đỏ trong khi thu nhập của người dân gặp khó khăn. Ảnh minh họa

Nhận định về thực tế đó, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh nói trên báo Pháp luật TP. Hồ Chí Minh, cho rằng, nếu doanh nghiệp được sử dụng thêm 300 đồng/lít từ quỹ bình ổn giá thì thực chất họ không hề giảm giá bán chút nào. Như vậy, quyết định giảm giá lần này chỉ có tính chất tâm lý, trấn an người dân. Vì đến một lúc nào đó, quỹ bình ổn giá hết thì người dân lại phải gánh khoản đó.

"Phía liên bộ Công Thương - Tài chính có giải thích rõ ràng với người dân. Tại sao giảm giá xăng 300 đồng/lít đồng thời lại cho doanh nghiệp sử dụng quỹ bình ổn tương đương với mức giảm giá? Vì từ trước mỗi lần nói về quyết định giảm giá, cơ quan quản lý đều cho rằng hài hòa lợi ích doanh nghiệp - người dân. Nhưng rõ ràng lần này, doanh nghiệp không hề chia sẻ lợi ích gì với người dân cả" - ông Doanh nói.

TS Nguyễn Ngọc Sơn, Trường ĐH Kinh tế - Luật TP. HCM lại cho rằng, quyết định giảm giá xăng dầu mà liên bộ đưa ra thực chất không phải giảm giá. Mặc dù số tiền của người dân để mua một lít xăng có giảm nhưng doanh nghiệp đang lấy tiền "tiết kiệm" của người dân để bù vào. Nếu quỹ dương thì coi như tiền trước đây dân đã đóng, trường hợp quỹ âm thì người dân cũng vẫn phải tiếp tục đóng để bù. Suy cho cùng doanh nghiệp không mất gì.

"Tôi cho rằng tính minh bạch của chúng ta có vấn đề. Người tiêu dùng đằng nào cũng trả giá đó, chỉ có điều lấy tiền tiết kiệm từ trước đây hay sau này để trả vào thôi. Vì quỹ bình ổn giá không phải từ Nhà nước bỏ vào" - ông Sơn nhận định.

Chủ tịch Hội Siêu thị Hà Nội, ông Vũ Vinh Phú cho rằng: “Ở thị trường Việt Nam từ xưa đến nay thiết lập mặt bằng giá mới cao rất nhanh ngay sau khi có sự điều chỉnh tăng giá của những mặt hàng nguyên liệu thiết yếu. Nhưng việc giảm giá do những mặt hàng này giảm lại rất chậm. Thậm chí, sau nhiều lần lịch sử lặp lại, người tiêu dùng đã biết tỏng những kiểu điều giá quen thuộc giảm ít tăng nhiều thì người tiêu dùng cũng không còn quá trông chờ vào chuyện giảm giá nữa”.

Theo Bộ Tài chính, tình hình trích lập, sử dụng và số dư quỹ bình ổn từ ngày 1-1-2013 đến hết ngày 30-6 như sau: Số dư quỹ đến ngày 1-1-2013 là 756,383 tỉ đồng. Tổng số trích quỹ bình ổn giá đến ngày 30-6 là 2.231,452 tỉ đồng. Nhưng tổng số sử dụng quỹ đến ngày 30-6 lại lên đến 2.932,368 tỉ đồng. Như vậy, trong sáu tháng đầu năm, việc sử dụng quỹ đã vượt mức trích lập hơn 700 tỉ đồng. Tuy nhiên, do số dư quỹ từ đầu năm còn nên hiện số dư quỹ tại các DN còn hơn 55 tỉ đồng.

Tuy nhiên, tính đến ngày 20-5, chỉ có bốn DN trong tổng số 12 DN có dư quỹ. Còn lại đa số các DN kinh doanh xăng dầu khác đều âm quỹ. Hiện mức trích quỹ bình ổn giá đối với xăng là 300 đồng/lít và sử dụng quỹ cũng ở mức 300 đồng/lít.

Nguyễn Nam (t/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang