Xăng tăng, cước vận tải..."té nước theo mưa"

author 17:45 29/08/2012

(VietQ.vn) - Đại diện Hiệp hội vận tải cho biết, doanh nghiệp nào chưa điều chỉnh giá cước trước đó sẽ cộng dồn vào lần này để tăng. Hiệp hội đã thông báo cho các doanh nghiệp tính kĩ mức giá tăng ở mức hợp lý.

Ngay sau khi tăng giá xăng thêm 6.500 đồng/lít, đại diện một số hãng taxi đã lên tiếng khẳng định, giá cước taxi không điều chỉnh sau khi giá xăng tăng. Nếu có điều chỉnh giá cước thì cũng phải sau đợt nghỉ lễ ngày 2/9 để đảm bảo đi lại và an sinh xã hội.

Theo đại diện hãng taxi Trung Việt, việc cân nhắc không tăng giá cước lần này hoàn toàn vì lợi ích của khách hàng. Hơn nữa, việc tăng cước cũng rất phức tạp, mất thời gian vì mức tăng cụ thể do các hãng quyết định, sau đó đăng ký với các cơ quan quản lý và lập trình lại giá cước mới, kiểm định lại đồng hồ mất nhiều thời gian, nếu áp dụng giá mới thì cũng phải mất vài ngày mới xong thủ tục.
 
Ông Lã Xuân Toản, Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra Hiệp hội vận tải Hà Nội bày tỏ, nghành vận tải liên tục phải vật lộn trong cơn bão giá nhiên liệu trong thời gian qua. Việc tăng cước là điều rất khó khăn do cơ chế chính sách và kinh doanh vận tải hoạt động còn nhỏ lẻ.
 
Theo ông Lý Trường Sơn, Trưởng phòng kế hoạch Công ty Quản lý Bến xe Hà Nội, hiện tại đã có 12 đơn vị kinh doanh vận tải tuyến cố định trên 3 bến xe Giáp Bát, Mỹ Đình, Gia Lâm đã có sự điều chỉnh giá vé dao động từ 4 – 30% sau 3 lần điều chỉnh xăng dầu trong tháng 8.
 
Còn ông Nguyễn Mạnh Hùng - Chủ tịch Hiệp hội vận tải ôtô Việt Nam, đợt tăng giá xăng vào chiều ngày 28/8 không tác động nhiều đến giá cước vì đa số các đơn vị vận tải đều đã có sự tăng cước sau khi giá xăng dầu tăng vào thời điểm ngày 13/8. Bên cạnh đó, giá xăng dầu điều chỉnh lên xuống liên tục trong thời gian vừa qua nên các doanh nghiệp không thể nào tăng cước ngay. Việc nâng, giảm giá cước vận tải là một việc làm rất vất vả của các doanh nghiệp khi phải tính toán lại giá thành, đăng ký giá với cơ quan Nhà nước, phát hành vé, niêm yết giá cước.
 
Doanh nghiệp vận tải vẫn giữ nguyên giá cước thời điểm này
Doanh nghiệp vận tải đang rục rịch chuẩn bị tăng giá cước trong thời gian tới
Ông Hùng nhẩm tính: “Từ đầu năm đến nay, giá xăng dầu đã có 6 lần tăng với tổng mức tăng là 5.400 đồng/lít đối với xăng và 3.150 đồng/lít đối với dầu diezen. Trong khi đó, chiều giảm giá cũng là 5 lần giảm, trong đó xăng là 3.200 đồng/lít và tổng mức giảm của dầu diezen là 2.000 đồng/lít. Từ đầu tháng 8, giá xăng tăng tới 11%, còn giá dầu diesel tăng trên 7%. Vì thế, các doanh nghiệp vận tải đã tăng giá cước trong khoảng 3-5% so với giá cước hiện tại để bù lại chi phí xăng dầu”.
 
Hiệp hội vận tải ôtô Việt Nam cho rằng: Những đơn vị vận tải nào chưa điều chỉnh giá cước trong thời điểm trước ngày 28/8 thì sẽ cộng dồn vào đợt tăng giá xăng tiếp này để tăng cước.
 
Đánh giá về việc giá xăng dầu liên tục tăng trong tháng 8 vừa qua, ông Hùng nhận định: Hiện nay, mỗi lít xăng theo tính toán của Bộ Tài Chính đã bao gồm các loại phí tiêu thụ đặc biệt, phí môi trường, thuế VAT, thuế nhập khẩu xăng dầu, quỹ bình ổn giá chiếm tới gần 30% giá, tương đương 8.000 đồng.
 
Trong bối cảnh cơ quan chức năng đang phải thực hiện nhiều biện pháp cân đối ngân sách, ông Hùng kiến nghị, cơ quan quản lý Nhà nước cần giảm thuế nhập khẩu xăng dầu nhằm hạ giá cước vận tải sẽ giúp các hoạt động khác giảm chi phí phát sinh đồng thời thu thuế ngành khác.
 
Theo ông Hùng, để các doanh nghiệp vận tải và các đơn vị khác không gặp khó, tránh việc chạy theo cơ chế giá biến động bất thường, các doanh nghiệp xăng dầu cần có dự báo, từ 3 tháng đến 6 tháng, từ đó có cân đối, đưa các khung tăng giảm. Giá vận tải phải ổn định, trong một chu kì ít nhất là 3 tháng. Hiệp hội đã thông báo cho các doanh nghiệp tính toán kĩ tổng thể chi phí vận tải. Còn trước mắt, các doanh nghiệp vẫn giữ nguyên giá cước như cũ.
 
Trong đó, riêng Petrolimex là đơn vị có thị phần bán lẻ xăng dầu lớn nhất nước, chiếm khoảng 55% thị phần. Đại diện một trong bốn DN đầu mối này cho biết, nguyên nhân xin tăng giá xăng dầu là do giá cơ sở cao hơn giá bán lẻ nên doanh nghiệp đang bị lỗ và DN cũng không đề ra một mức giá tăng cụ thể nào. Giá xăng dầu trong nước tăng trong bối cảnh giá xăng dầu thành phẩm trong 30 ngày qua và cả giá dầu thô trên thế giới vẫn tiếp tục tăng cao, khiến các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu rơi vào khó khăn.
 
Vũ Phong
 
Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang