Xăng tăng giá: Thêm một lần khó

author 10:57 29/03/2013

(VietQ.vn) - Thời buổi kinh tế khó khăn, việc xăng tăng giá lên mức cao chưa từng có 24.580 đồng/lít đã khiến nhiều người dân hoang mang, bức xúc.

Xăng tăng và phản ứng dây chuyền?

Từ 8 giờ tối qua, các cây xăng đã niêm yết mức giá bán lẻ xăng dầu mới, cụ thể xăng RON 92 tăng từ 23.150 đồng/lit lên 24.580 đồng/lít; dầu diesel tăng 362 đồng, lên 21.912 đồng; dầu hỏa và mazút tăng lần lượt 480 đồng và 807 đồng một lít, kg.

Trước tình trạng này, nhiều người dân đã bộc lộ sự bức xúc bởi giá xăng tăng không chỉ ảnh hưởng trực tiếp tới vấn đề đi lại mà nó sẽ còn là khởi nguồn để các mặt hàng đồng loạt tăng giá. Trong thời buổi kinh tế khó khăn, túi tiền của người dân vốn đã eo hẹp nay càng phải cố gắng thắt chặt, xà xẻo để đảm bảo việc chi tiêu cho những nhu cầu khác.

Chị Phương Linh (Nguyễn Khánh Toàn, Cầu Giấy) chia sẻ rằng chiều qua đi làm về, chị đã định tạt qua cây xăng để đổ nhưng do đúng lúc tắc đường nên chị lại thôi, nghĩ bụng để sáng mai đi làm tiện đường thì đổ luôn. Thế nhưng lúc tối xem truyền hình, chị ngã ngửa khi xăng đã tăng thêm 1.430 đồng/lit.

Chị bày tỏ: “Mặc dù tôi chỉ đi xe số, mức độ hao xăng không bằng các loại xe ga nhưng do nhu cầu đi lại hằng ngày rất nhiều nên có cảm giác như xe “uống” xăng, đổ bao nhiêu cũng không đủ. Mỗi tháng tôi phải chi 500.000 – 700.000 đồng cho chi phí đổ xăng. Việc kiếm tiền ngày càng khó khăn, giờ xăng tăng, nhu cầu đi lại thì không thể cắt giảm, cứ đà này chẳng mấy mà chết đói”.

Song điều khiến chị Linh băn khoăn hơn cả đó là giá xăng tăng sẽ kéo theo một phản ứng dây chuyền khi hàng loạt các sản phẩm dịch vụ khác: rau, thịt, hàng hóa… cũng đồng loạt tăng giá. “Nếu chỉ riêng một mặt hàng tăng giá, người dân chúng tôi có thể ki cóp, cắt xén chi tiêu nhưng nếu tất cả các mặt hàng đều ồ ạt tăng theo thì không thể nhịn đói, nhịn khát và đi bộ đi làm được”, chị than thở.

Người dân lo ngại giá xăng tăng sẽ đẩy theo hàng loạt các mặt hàng khác "ăn theo" cùng tăng giá
Người dân lo ngại giá xăng tăng sẽ đẩy theo hàng loạt các mặt hàng khác "ăn theo" cùng tăng giá

Với công nhân, người lao động hay sinh viên, việc giá xăng tăng sẽ làm cuộc sống của họ thêm phần khốn khổ hơn.

Nguyễn Hồng (sinh viên năm 3, ĐH Kinh tế Quốc dân) chia sẻ: “Ngoài giờ học trên lớp, em còn đi phát tờ rơi. Công việc này thu nhập chỉ tạm ổn nhưng chi phí đi lại rất cao. Giờ xăng tăng giá, có lẽ em phải chuyển sang công việc khác mức thu khá hơn và ít phải đi lại hơn”.

Hồng cũng rất lo lắng vì rất có thể chủ nhà trọ sẽ “ăn theo” việc xăng tăng giá để đẩy cao giá phòng, giá nước và các khoản phụ thu khác: “Lần trước điện tăng giá, chủ nhà đã vin cớ để tăng các khoản thu lên mấy lần. Giờ đến lượt giá xăng, không biết chủ nhà còn lạm thu “vô tội vạ” như vậy không nữa”.

Cộng đồng mạng sôi sục

Chủ đề xăng tăng giá lên mức cao đỉnh điểm nhất từ trước đến nay cũng đang làm “nóng” hàng loạt các diễn đàn và mạng xã hội. Không khó để bắt gặp những lời than thở: “Xăng, sao vừa tăng giá mấy hôm lại tăng”, “xăng lại tăng giá”, “vẫn điệp khúc giá xăng tăng”,…

Mỗi chủ đề đưa ra đều thu hút rất nhiều bình luận, trong đó đa phần các thành viên đua nhau vào kể khổ.

Diễn đàn Lamchame ồn ào bởi hàng loạt các bày tỏ: “Xăng tăng, vàng lên, giá điện, nước, thực phẩm.........tăng. Thế mà chả thấy thu nhập tăng. Đến chết thôi”, “Đề tài hot đây. Xăng tăng lại khổ em rồi, có lẽ em phải thanh lý con tay ga đi để kiếm con wave thôi các mẹ ạ”, “Xăng ơi là xăng, xăng ở các doanh nghiệp lớn và còn được Nhà nước trợ giá nữa ạ, nhưng lúc nào cũng kêu lỗ hoặc giá thấp hơn nước ngoài, nỏ hiểu luôn”…

Một thành viên Facebook tên Harry Le (Chrollo Lucilfer) thì đưa ra hẳn những phân tích rất cụ thể: “Tính như này đi, thùng xăng xe máy nói chung khoảng 3 lít rưỡi. Mỗi lít xăng mất thêm 1.430 đồng, đổ đầy bình mất thêm 5.000 đồng.
Với tần suất đi lại của sinh viên và viên chức thì tuần đổ xăng tối thiểu 3 lần = 15.000 đồng. Như vậy một tháng mỗi người tự nhiên mất thêm 60.000 đồng. Với một số người 60.000 đồng/tháng không là gì nhưng với nhiều người khác thì là cả một vấn đề lớn.

Nhưng chuyện không chỉ có thế. Nhìn theo một khía cạnh khác, thay vì đổ xăng là làm từ thiện, tính riêng 2 triệu dân ở Hà Nội này mỗi người chúng ta đóng góp 60.000 đồng/tháng cho một quỹ từ thiện X. Như vậy mỗi tháng quỹ đã có tổng cộng là 120.000.000.000 đồng (120 tỉ đồng), nhân với dân số VN chắc còn nhiều nữa.

Tiếc là 120 tỉ của quỹ X này không tới tay người nghèo, mà hàng tháng vào túi một nhóm lợi ích, sau đó lần lượt theo nhiều con đường tới những chỗ ăn chơi và những thú hoan lạc khác”.

Cộng đồng mạng đưa ra nhiều cách hài hước để đối phó giá xăng tăng
Cộng đồng mạng đưa ra nhiều cách hài hước để đối phó giá xăng tăng

Cộng đồng mạng còn sôi nổi đưa ra những giải pháp hài hước để đối phó với giá xăng tăng như chuyển sang đi bộ, xe đạp hoặc xe đạp điện để vừa tăng cường sức khỏe vừa bảo vệ môi trường mà lại không phải phụ thuộc hay nơm nớp lo sợ mỗi lần xăng tăng giá.

Lam Phong 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang