Xây dựng hệ thống cảnh báo tránh nguy cơ gian lận xuất xứ

author 06:27 10/07/2019

(VietQ.vn) - Tham gia các Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới cho Việt Nam lợi thế cao về ưu đãi thuế quan, nhưng cùng với đó là tình trạng gian lận xuất xứ gia tăng.

Cùng với quá trình toàn cầu hóa và hội nhập, tham gia ký kết nhiều Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới và hưởng ưu đãi thuế, căng thẳng thương mại Mỹ - Trung thì tình trạng gian lận thương mại, giả xuất xứ để hưởng ưu đãi cũng xuất hiện nhiều hơn. Đây là cảnh báo của Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh tại cuộc họp triển khai thực hiện Đề án "Tăng cường quản lý nhà nước về chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ" ngày 9/7/2019.

Triển khai thực hiện Đề án "Tăng cường quản lý nhà nước về chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ" 

Theo Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương), các vụ việc điều tra chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam đang có xu hướng gia tăng. Sản phẩm bị điều tra chủ yếu là các mặt hàng: Sắt thép, sợi, đồ điện tử, đồ gỗ... Hầu hết các vụ đều đi đến kết luận là có tồn tại hành vi lẩn tránh và sau đó bị áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại. Một số mặt hàng xuất khẩu khác cũng đứng trước nguy cơ bị điều tra chống lẩn tránh phòng vệ thương mại.

Ông Lê Triệu Dũng- Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại cho biết, thời gian qua Bộ Công Thương đã phối hợp với các Bộ, ngành để phòng chống lẩn tránh phòng vệ thương mại. Đặc biệt, Bộ Công Thương thường xuyên xây dựng hệ thống cảnh báo đối với các mặt hàng có nguy cơ bị điều tra để gửi Bộ Tài chính và Tổng cục Hải quan.

Khi có thông tin về gian lận xuất xứ, Bộ thường xuyên yêu cầu siết chặt việc cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) và phối hợp kiểm tra đối với một số mặt hàng như: lốp ô tô, pin mặt trời và chỉ đạo Tổng cục Quản lý thị trường xử lý nghiêm các vi phạm.

Cũng theo ông Lê Triệu Dũng, Hoa Kỳ và EU là những thị trường dễ phát sinh các trường hợp gian lận thương mại. Mặc dù các đơn vị thuộc Bộ đã nỗ lực cảnh báo, nhưng nguy cơ lẩn tránh phòng vệ thương mại vẫn gia tăng. Hành vi lẩn tránh rất phổ biến, đa dạng trong thương mại quốc tế với quy mô khác nhau như doanh nghiệp chuyển toàn bộ quy mô hay chuyển một phần công đoạn sản xuất sang Việt Nam.

Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường Trần Hữu Linh cho hay, hiện nay trên thị trường tồn tại khá phổ biến hiện tượng gắn mác "made in Vietnam" nhưng không sản xuất ở Việt Nam. Các mặt hàng chủ yếu là rau củ, quả, hàng dệt may, giày dép, đồ chơi trẻ em... Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng trên là do xu hướng người Việt chuộng hàng Việt nhiều hơn, đặc biệt là chế tài xử lý chưa nghiêm.

 
Một bất cập hiện nay là chế tài xử phạt chưa mang tính chất răn đe như làm giả C/O chỉ bị phạt tối đa 40 triệu đồng, sử dụng C/O giả cũng chỉ bị phạt tối đa 50 triệu đồng.
 

Để xử lý hiệu quả hơn các vi phạm về hành vi lẩn tránh, gian lận xuất xứ, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh chỉ đạo Cục Phòng vệ thương mại thành lập Tổ thường trực Đề án, sớm hoàn thiện kế hoạch hành động, phối hợp với các bộ, ngành liên quan để triển khai, trình Bộ trưởng kế hoạch hành động của Bộ Công Thương trước ngày 15/7 tới; trong đó tập trung vào nhóm mặt hàng xuất khẩu như: gỗ, sản phẩm từ gỗ, dệt may, da giày, thép, nhôm…

Bộ trưởng cũng đề nghị các tổ chức cấp C/O (chứng nhận xuất xứ), cơ quan Hải quan siết chặt việc cấp C/O, tăng cường kiểm tra đối với các doanh nghiệp có lượng xuất khẩu tăng đột biến.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cũng lưu ý phải tập trung đấu tranh với gian lận xuất xứ, làm giả hoàn toàn xuất xứ của sản phẩm, hàng hóa Việt Nam, cụ thể là việc đối tác chuyển đổi để có thể gắn xuất xứ hàng Việt Nam; đồng thời xác định những nhóm mặt hàng xuất khẩu đột biến để có cơ chế giám sát đặc biệt khi xuất sang các thị trường như Mỹ, EU…

Lê Kim Liên

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang