Xây dựng môi trường kinh doanh bình đẳng cho doanh nghiệp

author 05:59 09/03/2021

(VietQ.vn) - Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI cho rằng định hướng chính sách không phải là tăng số lượng, mà cần nâng cấp chất lượng, quy mô doanh nghiệp, bằng cách xây dựng thể chế, môi trường kinh doanh an toàn, bình đẳng, thuận lợi.

Từ chỗ bị kìm hãm, không cho phát triển, đến nay, khu vực kinh tế tư nhân đã được thừa nhận vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế và được xác định là một động lực quan trọng của nền kinh tế. Nhiều tập đoàn kinh tế tư nhân trở thành mũi nhọn tại một số lĩnh vực đầu tư trong nước, đồng thời đã phát triển thành công những sản phẩm, công trình mang tầm vóc khu vực và thế giới, giúp thăng hạng vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Bước sang giai đoạn 2021-2025, câu chuyện kiến tạo môi trường, thể chế cho khối doanh nghiệp tư nhân Việt Nam càng ngày càng trở nên cấp bách.

Bên trong nhà máy VinFast tại Hải Phòng.  

Theo TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), nếu gọi doanh nghiệp nội là “đàn rồng Việt” thì chúng ta không chỉ dọn ổ đón “đại bàng FDI” mà cần mở cửa, hội nhập cho doanh nghiệp Việt tham gia điệu tango giữa đàn rồng Việt và đại bàng ngoại, mang lại lợi ích cho cả hai bên.

Dẫn thực tế các dự án nước ngoài tại nhiều địa phương được đánh giá cao, còn doanh nghiệp nội ví như "bụt chùa nhà không thiêng" dù mang lại giá trị, công ăn việc làm, ông Lộc cho rằng, cần xây dựng, nâng niu để các doanh nghiệp dân tộc, doanh nhân dân tộc trở thành yếu tố dẫn dắt nền kinh tế, đảm bảo sự tự chủ của kinh tế Việt Nam.

Thực tế, khu vực kinh tế tư nhân đã là động lực quan trọng của nền kinh tế, và phải ngày càng trở nên quan trọng hơn. Với lực lượng kinh tế tư nhân đông đảo, không phải chỉ có 8 trăm nghìn doanh nghiệp, mà là trên 6 triệu, bao gồm các hộ kinh doanh, tuy nhiên, Việt Nam chưa có nhiều doanh nghiệp lớn và mạnh. Do đó, ông Lộc cho rằng, định hướng chính sách không phải tăng số lượng, mà nâng cấp chất lượng, quy mô doanh nghiệp, bằng cách xây dựng thể chế, môi trường kinh doanh an toàn, bình đẳng, thuận lợi.

Bên cạnh đó, TS Nguyễn Đình Cung, Nguyên Viện trưởng CIEM, Thường trực Tổ Biên tập của Tiểu ban Kinh tế - Xã hội cũng cho rằng: Trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 10 năm (2021-2030), phát triển kinh tế tư nhân thực sự là một động lực quan trọng của nền kinh tế. Theo đó, cần tập trung vào các vấn đề cốt lõi: Phát triển nhanh và bền vững dựa chủ yếu vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; Đổi mới tư duy và hành động, chủ động nắm bắt kịp thời, tận dụng hiệu quả các cơ hội của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư gắn với quá trình hội nhập quốc tế để cơ cấu lại nền kinh tế, phát triển kinh tế số, xã hội số; nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh…

Ngoài ra, các chuyên gia kinh tế cũng cho biết, cần khuyến khích hình thành, phát triển những tập đoàn kinh tế tư nhân lớn, tiềm lực mạnh, có khả năng cạnh tranh trong khu vực và quốc tế; đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2030 có ít nhất 2 triệu doanh nghiệp với tỉ trọng đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân vào GDP đạt 60%-70%.

Phát triển kinh tế tư nhân trong thời đại số (VietQ.vn) - Những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội to lớn trong hơn 30 năm đổi mới của đất nước ta có một phần đóng góp không nhỏ của khu vực kinh tế tư nhân.

Mai Phương

 

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang