Xây dựng thành phố bền vững tại Việt Nam: Cần nhiều hơn kinh nghiệm từ quốc tế

author 16:01 12/12/2017

(VietQ.vn) - Để hoàn thành mục tiêu xây dựng thành phố bền vững và thông minh, Việt Nam cần tích cực học hỏi những kinh nghiệm từ quốc tế.

Trên nhiều diễn đàn quốc tế cũng như chính sách, chương trình hành động của các quốc gia, vấn đề phát triển bền vững luôn nổi lên như một trong những mối quan tâm hàng đầu của toàn nhân loại. Ở Việt Nam, phát triển bền vững là một trong những nội dung cơ bản để thực hiện đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế, đồng thời cũng là mục tiêu quan trọng hàng đầu mà nền kinh tế hướng tới.

Đối với phát triển đô thị bền vững, trong quá trình xây dựng và vận hành, không thể thiếu đi những bài học kinh nghiệm từ những quốc gia đang có những thành tựu nổi bật. Việc học hỏi được những kinh nghiệm này sẽ đẩy nhanh quá trình phát xây dựng đô thị bền vững, tiết kiệm được kinh phí, nguồn lực. Đây cũng chính là những nội dung mà Hội thảo “Tuần lễ Đan Mạch - Các giải pháp thành phố bền vững” hướng đến.

Hội thảo “Tuần lễ Đan Mạch – Các giải pháp thành phố bền vững” hướng đến.

Theo bà Charlotte Laursen, Đại sứ Đan Mạch tại Việt Nam, vấn đề phát triển đô thị bền vững, thông minh không chỉ là mối quan tâm của riêng Việt Nam bởi trên thế giới, rất nhiều quốc gia cũng đã có cho riêng mình những chính sách, chương trình hành động về vấn đề này.

“Không chỉ Việt Nam, Đan Mạch mà rất nhiều các quốc gia hiện nay đang quan tâm đến vấn đề phát triển bền vững nhất là đối với phạm vi đô thị. Hầu hết các nước đều có cho mình khung ý tưởng, những quy hoạch cần thiết và chuẩn bị những điều kiện tốt nhất để bắt tay vào xây dựng một đô thị bền vững”, bà Charlotte Laursen nói.

Bà Charlotte Laursen, Đại sứ Đan Mạch tại Việt Nam hứa sẽ giúp đỡ Việt Nam trong quá trình phát triển thành phố bền vững. 

Cũng theo bà Charlotte Laursen, Việt Nam đang đứng trước những cơ hội rất lớn để thay đổi, bứt phá trong mục tiêu phát triển bền vững. Tuy nhiên, yếu tố mà Việt Nam đang cần chính là kinh nghiệm của quốc tế, của những quốc gia từng có thành công trước đó.

Cùng quan điểm trên, ông Mogen Bjorn Nielsen, Giám đốc Kỹ thuật và Môi trường thành phố Aarhus cũng cho rằng nếu muốn tiến nhanh đến mục tiêu bền vững, việc học hỏi kinh nghiệm từ các quốc gia khác là điều nên làm. Giám đốc Kỹ thuật và Môi trường thành phố Aarhus cũng lấy ví dụ điển hình về việc Đan Mạch đã áp dụng các giải pháp, chính sách quy hoạch hợp lý khi phát triển thành phố Aarhus thành một thành phố thông minh, bền vững.

Ông Mogen Bjorn Nielsen trao đổi kinh nghiệm về phát triển thành phố Aarhus (Đan Mạch) bền vững.

Từ kinh nghiệm và những nghiên cứu của bản thân, ông Mogen Bjorn Nielsen cũng cho rằng những vấn đề mấu chốt của việc xây dựng, phát triển đô thị thông minh, thành phố bền vững là vấn đề quy hoạch. Quy hoạch phải đảm bảo tính bền vững về các mặt; sinh thái, xã hội và kinh tế. Trong đó, cũng cần phải chú ý đặc biệt tới những vấn đề như quy hoạch giao thông, sử dụng năng lượng sạch, tiết kiệm, vấn đề khai thác và sử dụng nguồn nước…

Liên quan tới vấn đề này, ông Tiến sĩ Nguyễn Trúc Anh, Viện trưởng Viện Quy hoạch Đô thị Hà Nội cho rằng có nhiều thách thức lớn đối với Việt Nam trong vấn đề phát triển bền vững nói chung và phát triển đô thị thông minh, bền vững nói riêng. Ông Nguyễn Trúc Anh lấy minh chứng từ việc quy hoạch thành phố Hà Nội hiện vẫn đang trong quá trình hoàn thiện những ý tưởng mới để biến “Thủ đô ngàn năm văn hiến” trở thành một thành phố bền vững, người dân được hưởng những điều kiện tốt nhất.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Trúc Anh, quy hoạch hạ tầng giao thông đô thị đóng vai trò quan trọng trong xây dựng thành phố bền vững.

Tuy nhiên, mọi thứ không hề dễ dàng bởi nếu muốn phát triển Hà Nội thành một thành phố thực sự thông minh, bền vững, các vấn đề liên quan đến quy hoạch cần phải tính toán một cách chi tiết, hợp lý. Trong đó, đặc biệt là vấn đề quy hoạch giao thông đô thị, sắp xếp hệ thống hạ tầng giao thông, cơ sở vật chất kỹ thuật và các vấn đề liên quan đến môi trường, cảnh quan đô thị.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Trúc Anh, để giải quyết các vấn đề nêu trên, thời gian tới, Viện quy hoạch Đô thị Hà Nội cùng các đơn vị liên quan sẽ tính toán, nghiên cứu một cách kỹ càng về hướng thay đổi quy hoạch thành phố Hà Nội theo mục tiêu thông minh, bền vững. Tiến sĩ cũng nêu một số giải pháp cụ thể là thay đổi quy hoạch, sắp xếp mạng lưới giao thông tiện lợi, quy hoạch trồng cây xanh mặt nước hợp lý, sắp xếp, phát triển hệ thống chuỗi đô thị vệ tinh…

Phong Lâm

Quý 1/2018: Hà Nội khởi công thành phố thông minh với số vốn 4 tỷ USD(VietQ.vn) - Hà Nội sẽ xây dựng một thành phố thông minh hiện đại nhất khu vực Đông Nam Á với tổng số vốn lên tới 4 tỷ USD.
Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang