Xây dựng thương hiệu không đốt cháy giai đoạn

author 18:10 16/08/2012

(VietQ.vn) – Trong giai đoạn kinh tế thế giới đang xuống dốc, liệu mô hình của các doanh nghiệp Việt Nam có đủ thích nghi để sống sót và phát triển bền vững?

Sự kiện: Bệnh ung thư và cách phòng tránh

Hơn 200 lãnh đạo các doanh nghiệp Việt Nam đã cùng nghĩ ra những giải pháp để xây dựng thương hiệu Việt Nam phát triển tại hội nghị “Trật tự thế giới mới đã được xác lập. Các thương hiệu Việt Nam đã sẵn sàng?” diễn ra sáng 16/8 tại Hà Nội.

Tham gia hội thảo, các diễn giả đều nhận định, tình hình khủng hoảng tại Châu Âu và sự suy thoái kinh tế đang diễn ra với tốc độ chóng mặt, các nền kinh tế Châu Á đóng vai trò chèo lái sự tăng trưởng bền vững của nền kinh tế toàn cầu. Mặc dù Châu Á được kỳ vọng sẽ là thị trường bán lẻ béo bở cho các sản phẩm tiêu dùng, nhưng hiện nay vẫn có quá ít thương hiệu đến từ Châu Á nằm trong danh sách các thương hiệu hàng đầu thế giới.

Cần thay đổi chiến lược kinh doanh

Trong điều kiện kinh tế như hiện nay, các doanh nghiệp muốn phát triển bền vững cần suy nghĩ về tiềm lực, vị trí của mình không chỉ trong thị trường truyền thống, kinh doanh khuôn mẫu mà cần phải tiếp cận thị trường thế giới, tiến hành xúc tiến thương mại, mở rộng sản xuất.

Ông Lawrence Chong - Giám đốc điều hành Consulus, nhận xét: “Các Công ty châu Á không thể sở hữu nền kinh tế của chính nước mình trong tương lai, nếu không thay đổi chiến lược kinh doanh vì tình hình suy thoái vẫn sẽ luôn diễn ra”.

Một nghiên cứu mới đây về các công ty ở châu Á chỉ ra rằng, những công ty dành thời gian tư duy nghiên cứu sẽ giành được nhiều lợi nhuận hơn so với những công ty chỉ chú trọng vào lợi ích kinh doanh. Mô hình kinh doanh chủ yếu tại các công ty ở Châu Á hiện nay là công ty gia đình. Do vậy, những người giỏi sẽ không có động lực để làm việc, vì nếu có làm việc tốt họ cũng khó có thể trở thành người điều hành của công ty đó.

Cần xây dựng, phát triển thương hiệu theo chiều sâu.
Cần xây dựng, phát triển thương hiệu theo chiều sâu.

Theo ông Lawrence Chong, Việt Nam có một lợi thế trong phát triển kinh doanh là đồ lưu niệm đang phát triển mạnh, đội ngũ nhân công trẻ trung, dễ tiếp thu các nền văn hóa tiên tiến. Tuy nhiên, vấn đề mà các doanh nghiệp Việt Nam đang gặp phải là thiếu cơ sở hạ tầng, chưa tạo được niềm tin trước các nhà đầu tư, không sẵn sàng mở rộng học hỏi.

Tại hội nghị, đa số doanh nhân đều cho rằng, thách thức lớn hiện nay mà các doanh nghiệp Việt Nam gặp phải đó là không dám nghĩ lớn, họ cần phải quyết tâm, nghĩ đến chiến lược kinh doanh ấn tượng để thay đổi, quan trọng hơn là họ phải tự tin bản thân mình có thể làm được.

Xây dựng thương hiệu theo chiều sâu

Trong nền kinh tế hiện nay, xây dựng thương hiệu đang là vấn đề được các doanh nghiệp chú trọng hàng đầu. Khi có được thương hiệu tốt, được nhiều người biết đến thì họ sẽ có nhiều cơ hội để tồn tại hơn.

Bà Phạm Thị Thanh Hà - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Truyền thông TP. Hà Nội, nhận định lãnh đạo các doanh nghiệp cần phải tiến hành xúc tiến thương mại theo chiều sâu. Trước đây các doanh nghiệp Việt Nam cũng tiếp cận nhiều thị trường, hội chợ mà không có chọn lọc. Nhưng hiện tại họ cần phải lựa chọn mặt hàng nào là lợi thế, chọn những khu vực có tiềm năng để đưa hàng hóa đến theo chiều sâu, tiếp cận khách hàng một cách nhanh nhất.

Bà Hà cũng cho biết, các doanh nghiệp Việt Nam cần phải quảng bá thương hiệu đến từng nhóm đối tượng khác nhau. Các doanh nghiệp lớn thì họ có nhiều điều kiện để phát triển, còn các doanh nghiệp vừa và nhỏ chưa có nhiều vốn để đầu tư phát triển thương hiệu.

Để phát triển nhân rộng công việc kinh doanh và xây dựng thương hiệu, các công ty thường tìm kiếm các nhà đầu tư. Tuy nhiên doanh nghiệp Việt Nam đang gặp phải một thách thức lớn. “Các công ty Việt Nam vẫn còn yếu về năng lực quản lý, nếu muốn thu hút nhà đầu tư nước ngoài, họ cần phải xây dựng được đội ngũ nhân lực cấp cao và tạo lòng tin về năng lực quản lý trước nhà đầu tư”, bà Helena Pham - Giám đốc cấp cao Consulus, chia sẻ.

Việc xây dựng doanh nghiệp là một quy trình dài và liên tục. Bà Vũ Hạnh Nga - Tổng giám đốc Công ty dịch vụ Đỉnh cao mới, chia sẻ về tầm quan trọng của việc xây dựng doanh nghiệp bài bản, có hệ thống. “Muốn xây dựng một thương hiệu không thể đốt cháy giai đoạn. Với đội ngũ cổ đông chiến lược, người lãnh đạo sẽ tận dụng được thế mạnh của mỗi cổ đông để phát triển doanh nghiệp”.

Với bà Mai Trang Thanh - Chủ tịch đại diện Honeywell Việt Nam, lại nhấn mạnh cách thức mà các doanh nghiệp nên xây dựng và tái cấu trúc để hướng tới phát triển bền vững. “Các doanh nghiệp Việt Nam cần phải xây dựng hệ thống nội bộ nhằm tạo ra một văn hóa mạnh và đội ngũ lãnh đạo từ chính nội bộ doanh nghiệp. Chỉ như vậy họ mới đạt được sự phát triển bền vững trong giai đoạn nền kinh tế khủng hoảng có tính toàn cầu như hiện nay”.

Thu Huyền

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang