Xây dựng thương hiệu Việt xứng tầm

author 06:38 31/12/2020

(VietQ.vn) - Xuất khẩu hàng hóa Việt Nam ra nước ngoài với sản lượng rất lớn, chất lượng sản phẩm tốt, thế nhưng thực tế giá trị mà doanh nghiệp Việt thu về lại không nhiều.

Năm 2020, theo đánh giá của tổ chức tư vấn về định giá thương hiệu quốc gia Brand Finance, thương hiệu quốc gia Việt Nam được định giá 319 tỷ USD, tăng 29% so với năm 2019. Như vậy, trong bốn năm trở lại đây, thứ hạng của thương hiệu quốc gia Việt Nam liên tục được cải thiện, tăng chín bậc lên vị trí thứ 33 trong Tốp 100 thương hiệu quốc gia giá trị nhất thế giới và nằm trong nhóm thương hiệu mạnh.

Có được kết quả trên là nhờ những nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh, thúc đẩy hỗ trợ kinh tế, cải cách thể chế của Chính phủ trong nhiều năm qua giúp cho thương hiệu sản phẩm và doanh nghiệp Việt Nam ngày càng phát triển. Theo bà Lương Hà – chuyên gia tư vấn thương hiệu địa phương và phát triển du lịch, trên thế giới có nhiều đặc sản mà chỉ cần nhắc đến người ta lập tức liên tưởng ngay đến nơi sản xuất ra chúng (vùng, miền hoặc cả quốc gia) như: rượu vang Bordeaux (Pháp), vịt quay Bắc Kinh (Trung Quốc), thịt bò Kobe (Nhật), sô- cô-la Thụy Sĩ, xì gà Cuba...

Sản phẩm nổi tiếng sẽ có khả năng kéo theo sự quan tâm của công chúng đến nơi sản sinh ra nó, khiến người ta yêu mến tất cả những gì thuộc về nơi này. Đây cũng chính là gợi ý cho việc dùng các sản phẩm có sẵn tiếng tăm để xây dựng thương hiệu quốc gia.

Đã đến lúc các doanh nghiệp cần phải nhìn nhận và dành sự quan tâm đúng mức cho việc xây dựng, giữ vững và phát triển thương hiệu quốc gia. Ảnh minh họa. 

Tuy nhiên, điều trăn trở hiện nay là vẫn còn nhiều doanh nghiệp Việt Nam chưa nhận thức đúng vai trò và tầm quan trọng của thương hiệu, chưa xây dựng được thương hiệu. Dù Việt Nam đang là nước có thế mạnh, đứng đầu về xuất khẩu nông sản, thủy sản với các sản phẩm chủ lực như gạo, cà phê, hồ tiêu,... nhưng lại chưa có một thương hiệu nông sản xứng tầm để cạnh tranh quốc tế.

Xuất khẩu hàng hóa Việt Nam ra nước ngoài với sản lượng rất lớn, chất lượng sản phẩm rất tốt, thế nhưng thực tế giá trị mà doanh nghiệp Việt thu về lại không nhiều. Nguyên nhân là sản phẩm của doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu phần lớn dưới dạng thô, sơ chế, chủ yếu xuất khẩu qua trung gian hoặc qua một thương hiệu của đối tác thương mại khác ở nước ngoài. Hệ quả là bản thân người tiêu dùng nước ngoài cũng không biết đó là sản phẩm của Việt Nam. Nhiều doanh nghiệp lo tốn kém, lãng phí, cho rằng xây dựng thương hiệu chỉ phù hợp với những doanh nghiệp lớn. Tư duy này khiến nhiều thương hiệu Việt Nam bị lép vế, yếu thế hơn so thương hiệu nước ngoài có sản phẩm cùng hình thức, chất lượng và giá cả.

Một khảo sát của Bộ Công thương cũng cho thấy hơn 20% số doanh nghiệp được khảo sát có sự đầu tư xây dựng thương hiệu, 80% số doanh nghiệp chưa quan tâm, không coi đây là một công cụ kinh doanh đúng nghĩa, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Đã đến lúc các doanh nghiệp cần phải nhìn nhận và dành sự quan tâm đúng mức cho việc xây dựng, giữ vững và phát triển thương hiệu quốc gia. Đây là việc làm cấp bách và cần có kế hoạch lâu dài, nhất quán trong chính sách của Nhà nước, cần sự đồng thuận và nỗ lực của cả cộng đồng doanh nghiệp nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh và thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa Việt Nam ra thị trường thế giới.

Cùng với đó, cần có những hướng dẫn và hỗ trợ hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp bảo hộ và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ liên quan đến các mặt hàng xuất khẩu tiềm năng. Hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng thương hiệu, quảng bá thương hiệu trong nước cũng như quốc tế để doanh nghiệp tiếp tục đầu tư nâng cao chất lượng và năng lực cạnh tranh, tăng xuất khẩu. Với những thành công của mỗi sản phẩm, doanh nghiệp sẽ góp phần tăng giá trị cho thương hiệu quốc gia Việt Nam, giúp hàng Việt Nam khẳng định uy tín và vị thế trên trường quốc tế...

Thương hiệu chiếu sáng Rạng Đông đạt giải thưởng Hiệu suất năng lượng cao nhất năm 2020(VietQ.vn) - Sáng 22/12 tại Hà Nội, Bộ Công Thương phối hợp với Hội Khoa học và Công nghệ sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả Việt Nam tổ chức trao giải thưởng sản phẩm hiệu suất năng lượng cao nhất năm 2020.

Thanh Tùng

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang