Xây dựng tiêu chuẩn vận hành đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông

author 14:47 09/09/2015

(VietQ.vn) - 4 tuyến đường sắt đô thị tại Hà Nội và TP.HCM đang xây dựng và sẽ đưa vào khai thác trong thời gian tới trong khi chưa hề có hệ thống Tiêu chuẩn/Quy chuẩn.

Hiện trên cả nước đang có 4 tuyến đường sắt đô thị tại Hà Nội và TP.HCM đang trong giai đoạn xây dựng và sẽ đưa vào khai thác trong thời gian tới. Tuy nhiên, hệ thống Tiêu chuẩn/Quy chuẩn về đường sắt đô thị nói chung và Tiêu chuẩn/Quy chuẩn về vận hành, bảo trì đường sắt đô thị của Việt Nam nói riêng còn chưa có. Đây là một trong những nội dung tại buổi hội thảo xây dựng quy định kỹ thuật chung và tiêu chuẩn vận hành bảo trì đường sắt đô thị do Cục Đường sắt Việt Nam (ĐSVN) phối hợp với Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) tổ chức sáng nay (9/9). 

Ông Khương Thế Duy - Phó Cục trưởng Cục ĐSVN cho biết: Theo chiến lược phát triển GTVT đường sắt Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2050, chúng ta sẽ tiến hành Quy hoạch xây dựng hệ thống đường sắt đô thị (ĐSĐT) tại 2 thành phố lớn với 8 tuyến tại Hà Nội và 8 tuyến tại TP Hồ Chí Minh. Rõ ràng sự phát triển hệ thống đường sắt đô thị sẽ góp phần hiện đại hóa hệ thống vận tải hành khách công cộng, làm giảm sự ùn tắc giao thông trong đô thị. Hơn nữa với những kinh nghiệm phát triển của các nước đi trước sẽ là những bài học bổ ích cho việc quy hoạch không gian ngầm và hệ thống ĐSĐT ở các Thành phố lớn của Việt Nam.

Tiêu chuẩn đường sắt đô thị

Các đại biểu cho rằng kinh nghiệm của các chuyên gia trong nước về lĩnh vực đường sắt đô thị còn thiếu

Hiện nay, TP. Hà Nội đang triển khai xây dựng 02 tuyến đường sắt đô thị là: Tuyến số 2A, Cát Linh - Hà Đông (Trung Quốc) và Tuyến số 3 (giai đoạn 1), Nhổn - Ga Hà Nội (Pháp). Thành phố HCM đang triển khai xây dựng 02 tuyến đường sắt đô thị là: Tuyến số 1, Bến Thanh - Suối Tiên (Nhật) và của Tuyến số 2 (giai đoạn 1), Bến Thành - Tham Lương.

“Dự kiến các dự án trên sẽ được hoàn thành và đưa vào vận hành khai thác thương mại trong thời gian sắp tới. Tuy nhiên, hiện nay hệ thống Tiêu chuẩn/Quy chuẩn về đường sắt đô thị nói chung và Tiêu chuẩn/Quy chuẩn về vận hành, bảo trì đường sắt đô thị của Việt Nam nói riêng còn chưa có nên rất cần phải bổ sung, hoàn thiện cho phù hợp với đòi hỏi của thực tiễn”, ông Duy nói.

Trong khi đó, kinh nghiệm của các chuyên gia trong nước về lĩnh vực ĐSĐT còn thiếu; kinh phí cho hoạt động xây dựng Tiêu chuẩn/Quy chuẩn còn hạn chế, trong khi công tác này lại đòi hỏi cao về chất lượng đầu ra nên chưa khuyến khích người có năng lực, trình độ chuyên môn sâu tham gia.

“Với phương thức thảo luận là thẳng thắn, khách quan, xây dựng và cầu thị, thông qua Hội thảo này chúng tôi hy vọng sẽ tranh thủ được trí tuệ của các nhà khoa học, kinh nghiệm của các nhà quản lý, các chuyên gia trong lĩnh vực Đường sắt và ĐSĐT, để cùng xây dựng một bộ Tiêu chuẩn/Quy chuẩn chất lượng có thể phục vụ đắc lực cho công tác của mỗi cá nhân/đơn vị cũng như đóng góp chung cho sự phát triển của ngành đường sắt trong tương lai”, ông Duy nhấn mạnh.

Tại Hội thảo, đại diện của Bộ Đất đai, Hạ Tầng, Giao thông và Du lịch Nhật Bản (MLIT) bày tỏ mong muốn Dự án xây dựng quy định kỹ thuật chung và tiêu chuẩn vận hành bảo trì ĐSĐT sẽ đóng góp vào sự phát triển của ngành Đường sắt Việt Nam. 

“Song song với việc xây dựng ĐSĐT và vận hành an toàn, chúng ta với vị trị là cơ quan quan lý nhà nước cần phải xây dựng quy định kỹ thuật chung và tiêu chuẩn để đảm bảo cho việc vận hành bảo trì đường sắt đô thị. Nhật Bản có nhiều kinh nghiệm trong việc vận hành ĐSĐT nên chúng tôi hy vọng có thể áp dụng những kinh nghiệm này đóng góp một phần cho sự phát triển ĐS đô thị của VN” - Đại diện Bộ MLIT nhấn mạnh.

Thay mặt JICA, Trưởng đoàn nghiên cứu Dự án A. Kawasaki đã đưa ra nội dung sơ lược về dự thảo quy định kỹ thuật chung và tiêu chuẩn vận hành bảo trì ĐSĐT. Các cơ quan đơn vị liên quan sẽ tiếp tục thu thập ý kiến và sửa chữa để đưa ra dự thảo cuối cùng vào tháng 11 tới đây.

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang