Xây dựng, phát triển 786 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn, chất lượng

author 06:36 25/10/2020

(VietQ.vn) - Đến nay, thành phố Hà Nội đã xây dựng và phát triển được 786 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn, trong đó có 253 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn được xác nhận theo tiêu chí của Bộ NN&PTNT.

Phát biểu tại Hội nghị Tổng kết Chương trình phối hợp phát triển chuỗi cung ứng nông lâm thủy sản an toàn giai đoạn 2015 – 2020, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Văn Sửu cho biết, từ năm 2015 đến nay, cùng chung tay với thành phố Hà Nội, 21 tỉnh, thành phố trong Ban điều phối chuỗi cung cấp rau, thịt an toàn đã tích cực tham mưu cho UBND các tỉnh, thành phố rà soát, quy hoạch phát triển nông nghiệp đến năm 2020, tầm nhìn 2030. Đồng thời triển khai thực hiện công tác phát triển các vùng chuyên canh rau tập trung, tăng tỷ lệ vùng rau đạt theo tiêu chuẩn GAP, quy hoạch vùng chăn nuôi, giết mổ tập trung, vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, theo hướng hữu cơ.

Công tác bảo đảm an toàn thực phẩm nông, lâm, thủy sản có nhiều chuyển biến tích cực, nhiều chuỗi giá trị nông, lâm, thủy sản đã được triển khai có hiệu quả, tạo ra những sản phẩm thực phẩm an toàn cho tiêu dùng Thủ đô và xuất khẩu.

Hội nghị tổng kết đánh giá lần này cũng chính là bước tiền đề quan trọng để thống nhất các giải pháp cho giai đoạn 2021 - 2025 để đạt được mục tiêu nâng cao hiệu quả sản xuất của nông nghiệp Thủ đô, là trung tâm kết nối đầu tư chế biến sâu nông sản, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, cung cấp nhiều hơn nữa nông sản an toàn đến tay người tiêu dùng, bảo đảm sức khỏe cho người dân Thủ đô.

Để phát huy tiềm năng, thế mạnh của nông nghiệp Hà Nội nói chung cũng như công tác kết nối, tiêu thụ nông sản, UBND Thành phố tiếp tục chỉ đạo các Sở, ngành tập trung các nguồn lực cho tổ chức sản xuất theo hướng xây dựng chuỗi giá trị từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ, từng bước xây dựng thương hiệu nông sản. Đồng thời, tiếp tục kêu gọi các doanh nghiệp có tiềm lực về vốn, xúc tiến, kết nối đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, đặc biệt lĩnh vực chế biến sâu nông sản, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, để đẩy mạnh sản xuất theo tín hiệu thị trường, xúc tiến xuất khẩu chính ngạch sản phẩm nông nghiệp.

Ảnh minh họa 

Tại Hội nghị, ông Tạ Văn Tường, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, trong 5 năm qua, Sở NN&PTNT Hà Nội và 21 tỉnh, thành phố trong Ban điều phối chuỗi cung cấp rau thịt an toàn cho thành phố Hà Nội tích cực, chủ động trong công tác kết nối sản xuất, quản lý chất lượng và phát triển chuỗi cung ứng thực phẩm nông lâm thủy sản.

Tính đến nay đã xây dựng và phát triển được 786 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn, trong đó có 253 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn được xác nhận theo tiêu chí của Bộ NN&PTNT. Một số địa phương cũng có số chuỗi phát triển tăng nhanh, điển hình như: Hà Nội năm 2015 có 29 chuỗi, đến năm 2020 có 141 chuỗi (tăng 486%); Sơn La từ 28 chuỗi lên 144 chuỗi từ năm 2013 đến năm 2016; Hà Nam năm 2015 có 13 chuỗi đến năm 2020 tăng lên 21 chuỗi... Đồng thời sản phẩm được chứng nhận theo chuỗi tăng từ 580 tấn năm 2015 lên 2.250 tấn năm 2019.

Thực hiện Chương trình chuỗi cung cấp rau thịt cho thành phố Hà Nội, Sở NN&PTNT và các tỉnh, thành tăng cường nâng cao năng lực kiểm soát, quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm các sản phẩm nông lâm thủy sản tiêu thụ trên địa bàn thành phố Hà Nội theo chuỗi cung cấp thực phẩm an toàn, trọng tâm là rau, thịt. Phối hợp thường xuyên trao đổi kinh nghiệm công tác quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm tham quan các mô hình chuỗi kết nối các doanh nghiệp tiêu thụ thực phẩm nông lâm thủy sản tại các tỉnh như: Hải Phòng, Lâm Đồng, Hà Nam, Yên Bái, Thái Bình, Đà Nẵng...

Với những kết quả đạt được, trong thời gian tới Hà Nội và 21 tỉnh, thành phố cần tiếp tục thực hiện kết nối tiêu thụ theo chuỗi. Nâng cao nhận thức của người sản xuất và tiêu dùng, mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng sản phẩm và kết nối chặt chẽ hơn nữa. Trong đó tập trung vào các giải pháp trọng tâm như: Đẩy mạnh thông tin tuyên truyền, có cơ chế chính sách về tiêu chuẩn, quy chuẩn và tổ chức thực hiện phù hợp với tình hình, yêu cầu của thực tế.

Với nền tảng 5 năm qua, Hà Nội và các tỉnh, thành phố cần rút ra bài học kinh nghiệm để đưa ra các giải pháp hiệu quả. Đồng thời kiểm soát vật tư đầu vào, các loại cây-con giống cũng như quy trình canh tác, cơ sở phân phối và tổ chức có hệ thống chặt chẽ. Rà soát các trung tâm, phòng xét nghiệm chất lượng nông lâm thủy hải sản để đảm bảo chất lượng, đáp ứng được nhu cầu thực phẩm của Thủ đô Hà Nội.

Bảo Linh

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang