Xây nhà máy điện hạt nhân - những quy định ngặt nghèo

author 07:04 01/09/2014

(VietQ.vn) - Bộ KH&CN sắp ban hành Thông tư quy định những điều kiện ngặt nghèo khi xây nhà máy điện hạt nhân.

Thông tư quy định các yêu cầu đối với phân tích an toàn tất định và phân tích an toàn xác suất cho nhà máy điện hạt nhân yêu cầu phân tích an toàn nhà máy điện hạt nhân (NMĐHN) phải được tiến hành theo cả hai phương pháp phân tích an toàn tất định và phân tích an toàn xác suất, nhằm đánh giá an toàn nhà máy cho các trạng thái khác nhau.

Phân tích an toàn NMĐHN cần được thực hiện ở tất cả các trạng thái được xem xét trong thiết kế, bao gồm vận hành bình thường, trạng thái bất thường, sự cố trong cơ sở thiết kế, sự cố ngoài thiết kế và sự cố nghiêm trọng.

Xây nhà máy điện hạt nhân phải tuân theo những quy định ngặt nghèo

Xây nhà máy điện hạt nhân phải tuân theo những quy định ngặt nghèo. Ảnh minh họa

Phân tích an toàn NMĐHN phải xác định tần suất xảy ra sự cố khởi phát giả định, thông số vật lý và thủy nhiệt của hệ thống chính, tình trạng của các lớp rào chắn vật lý và hậu quả phóng xạ sinh ra.

Phân tích an toàn phải bao gồm sự cố phát sinh từ các nguy hại bên trong, nguy hại bên ngoài và quá trình có thể gây hư hỏng các lớp giam giữ chất phóng xạ hoặc gây tăng nguy cơ rò rỉ phóng xạ ra môi trường.

Lựa chọn phân tích các sự cố và diễn biến sự cố trên cơ sở phương pháp tiếp cận có tính hệ thống và logic. Phải cung cấp đầy đủ luận chứng cho việc xác định tất cả các kịch bản sự cố liên quan tới an toàn.

Yêu cầu cụ thể đối với phạm vi thực hiện phân tích an toàn xác suất, bao gồm: Phải thực hiện phân tích an toàn xác suất mức 1 và mức 2; Thực hiện phân tích tại tất cả các chế độ vận hành, trạng thái NMĐHN đối với lò phản ứng và bể chứa nhiên liệu; Phân tích sự cố khởi phát bao gồm sự cố bên trong nhà máy, lỗi do con người, các nguy hại bên trong và bên ngoài.

Phạm vi và mức độ chi tiết của phân tích an toàn phải tương ứng với mức độ rủi ro bức xạ và tần suất xảy ra sự cố.

Các mối nguy hại bên ngoài tại địa điểm cụ thể mà có tần suất xảy ra thấp nhưng có thể dẫn tới nóng chảy vùng hoạt phải được tính đến trong phân tích sự cố nghiêm trọng.

Phân tích an toàn trong thiết kế NMĐHN

Xác định cơ sở thiết kế cho các hạng mục quan trọng về an toàn, sự liên kết của chúng với sự cố khởi phát và chuỗi sự cố. Phân tích an toàn phải chứng minh được thiết kế đã đáp ứng nguyên lý bảo vệ theo chiều sâu. Phân tích an toàn phải luận chứng được việc áp dụng các giả định tính toán, phương pháp, độ bất định và mức độ bảo thủ trong thiết kế.

Rà soát và cập nhật kết quả phân tích an toàn theo thiết kế đầy đủ khi nhà máy đi vào hoạt động và định kỳ 10 năm một lần, cùng với việc sử dụng những tiến bộ khoa học và kỹ thuật trong các phương pháp phân tích an toàn, phản hồi kinh nghiệm vận hành và những kết quả nghiên cứu liên quan.

Áp dụng chương trình bảo đảm chất lượng phù hợp trong phân tích an toàn. Phải dẫn chiếu, lập hồ sơ tất cả các dữ liệu được sử dụng. Hồ sơ toàn bộ quá trình phân tích phải đủ thông tin để phục vụ đánh giá độc lập quy định tại Điều 12 của Thông tư này.

Kết quả của phân tích an toàn tất định bao gồm: Thiết lập và xác nhận cơ sở thiết kế cho tất cả các hạng mục quan trọng về an toàn; Lựa chọn các sự cố khởi phát giả định dựa trên đặc điểm của địa điểm và thiết kế NMĐHN; Phân tích và đánh giá chuỗi các sự kiện phát sinh từ sự cố khởi phát giả định để xác định đáp ứng các yêu cầu định lượng; So sánh các kết quả phân tích với tiêu chí chấp nhận được quy định tại Chương III của Thông tư này; Luận chứng rằng việc quản lý các trạng thái bất thường và sự cố trong cơ sở thiết kế nhờ kích hoạt tự động hệ thống an toàn kết hợp với thao tác của nhân viên vận hành theo quy định là phù hợp với quy trình vận hành và các tiêu chí chấp nhận; Luận chứng rằng việc quản lý các sự cố ngoài thiết kế nhờ kích hoạt tự động hệ thống an toàn và sử dụng các tính năng an toàn cụ thể cùng với các hành động dự kiến ​​của nhân viên vận hành là phù hợp với quy trình vận hành và tiêu chí chấp nhận.

Kết quả của phân tích an toàn xác suất bao gồm:

Luận chứng rằng thiết kế an toàn NMĐHN đạt cân bằng, bảo đảm: Không có sự cố khởi phát giả định đóng góp quá lớn hoặc đóng góp bất định đáng kể tới tổng thể rủi ro; Các lớp bảo vệ theo chiều sâu phải độc lập tối đa ở mức có thể đạt được trong thực tế; Luận chứng việc ngăn chặn xảy ra hiệu ứng thăng giáng đột ngột; So sánh kết quả phân tích với các tiêu chí chấp nhận được quy định tại Chương III của Thông tư này.

Yêu cầu riêng đối với phân tích an toàn tất định: Khi thực hiện phân tích an toàn tất định theo các tiêu chí quy định tại Mục 1 Chương III của Thông tư này, phải bảo đảm đủ độ dự trữ an toàn giữa giá trị tính toán của các thông số quan trọng và giá trị ngưỡng dẫn tới phát tán phóng xạ.

Phân tích an toàn tất định cho mục đích thiết kế phải bảo đảm tính bảo thủ trong đó có tính tới bất định trong mô hình. Phân tích các sự cố ngoài thiết kế không yêu cầu bảo thủ như phân tích các sự cố trong thiết kế. Phân tích an toàn phải chứng minh việc tuân thủ các tiêu chí chấp nhận và có đủ độ dự trữ an toàn ngay cả trong trường hợp phân tích an toàn sử dụng phương pháp mô phỏng tốt nhất.

Thiết lập các tiêu chí chấp nhận cho luận chứng an toàn. Các tiêu chí này đủ để đáp ứng mục tiêu an toàn cơ bản, bảo đảm không gây ra mức nguy hại không chấp nhận được đối với con người, môi trường và phù hợp với các yêu cầu được nêu tại Chương III của Thông tư này.

Tiêu chí chấp nhận cần được thiết lập cho toàn bộ các trạng thái vận hành và sự cố. Các tiêu chí này phải bảo đảm đủ duy trì mức độ bảo vệ theo chiều sâu, ngăn chặn phát tán phóng xạ vượt mức cho phép.

Tiêu chí chấp nhận được thiết lập dựa trên các yếu tố: đặc điểm sự cố, đặc biệt là tần suất xảy ra sự cố khởi phát giả định; loại công nghệ lò phản ứng; các điều kiện nhà máy. Áp dụng tiêu chí nghiêm ngặt hơn đối với sự cố có tần suất xảy ra lớn hơn. Xác định rõ phạm vi và các điều kiện áp dụng của mỗi tiêu chí.

Tiêu chí chấp nhận về ảnh hưởng phóng xạ

Liều bức xạ đối với nhân viên nhà máy và dân chúng tại các trạng thái vận hành trong suốt vòng đời nhà máy phải tuân thủ nguyên lý ALARA. Giới hạn liều đối với một người dân là 0,1 mSv/nhà máy.năm.

Tất cả các sự cố trong cơ sở thiết kế không được gây ra tác động về phóng xạ tại địa điểm hoặc ngoài địa điểm và không cần đến bất kỳ biện pháp ứng phó nào ngoài địa điểm. Giới hạn liều đối với người dân do sự cố trong cơ sở thiết kế (không tính tới việc hấp thụ chất phóng xạ qua đường ăn uống) là 5 mSv/năm.

Sự cố ngoài thiết kế có thể dẫn tới phát tán lượng lớn phóng xạ ra môi trường phải được loại trừ trong thực tế.

Với các sự cố ngoài thiết kế mà không thể loại trừ trong thực tế, phải có các biện pháp hạn chế phát tán sau khoảng thời gian và trong một phạm vi nhất định để có đủ thời gian triển khai các biện pháp bảo vệ dân chúng.

Việc phát tán chất phóng xạ từ sự cố nghiêm trọng không được phép gây ra các hậu quả sau: Ảnh hưởng cấp tính tới sức khỏe của dân chúng trong khu vực lân cận NMĐHN; Hạn chế việc sử dụng đất và nước trong thời gian dài trên diện rộng. Theo đó, giới hạn phát tán Cs-137 ra ngoài môi trường là 30 TBq. Sau ba tháng kể từ thời điểm xảy ra sự cố, tổ hợp các đồng vị phóng xạ khác đồng vị của Cesi lắng đọng xuống không được gây ra mối nguy hại lớn hơn nguy hại do phát tán Cs-137 với giới hạn được đề cập tại Điểm này.

Cần luận chứng các đặc tính nội tại của thiết kế, hệ thống an toàn được kích hoạt tự động kết hợp với hành động của nhân viên vận hành là đủ hiệu quả để bảo đảm: Sự cố không đưa nhà máy tới trạng thái nghiêm trọng hơn và không xảy ra thêm sai hỏng độc lập; Không làm mất khả năng vận hành của hệ thống an toàn hoặc tính năng an toàn cần thiết để giảm thiểu hậu quả của sự cố; Hệ thống được sử dụng để giảm thiểu hậu quả sự cố phải có khả năng chịu tải cực đại, ứng suất và điều kiện môi trường tương ứng với sự cố được phân tích; Áp suất trong các hệ thống ở vòng sơ cấp và thứ cấp phải không vượt quá giới hạn thiết kế đối với từng trạng thái nhất định của nhà máy; Sự cố khởi phát giả định có thể dẫn đến hư hại lớp vỏ của một số thanh nhiên liệu nhưng vẫn đáp ứng được tiêu chí chấp nhận về ảnh hưởng phóng xạ quy định tại Điều 13 của Thông tư này; Với tất cả các sự cố trong cơ sở thiết kế, phải duy trì dạng hình học đáp ứng khả năng làm mát và tính toàn vẹn của cấu trúc vùng hoạt; Sự cố được xem xét trong thiết kế không được phép gây ra mức nhiệt độ, áp suất, chênh lệch áp suất hoặc các tải khác tới boong-ke lò vượt quá giá trị được sử dụng làm cơ sở thiết kế boong-ke lò.

Mai Linh


Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang