Xảy ra sự cố với 'cỗ máy nhìn ngược quá khứ' của NASA

authorNgọc Nga 08:00 09/05/2018

(VietQ.vn) - "Cỗ máy nhìn ngược quá khứ" của NASA vừa mới vấp phải sự cố kỹ thuật, đây không phải là lần đầu tiên thiết bị gặp phải sự cố.

Báo Vnexpress dẫn nguồn tin từ Tech Time, Greg Robinson, giám đốc chương trình JWST của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) tiết lộ đinh ốc và gioăng rơi ra từ bộ phận kính chống nắng của kính viễn vọng không gian James Webb (JWST) trong buổi thuyết trình diễn ra tại Viện Nghiên cứu Vũ trụ Quốc gia hôm 3/5. Kính chống nắng lớn bằng một sân tennis được thiết kế để bảo vệ kính viễn vọng trước ánh sáng và nhiệt độ cao.

Xảy ra sự cố với 'cỗ máy nhìn ngược quá khứ' của NASA

Kính viễn vọng không gian James Webb tại cơ sở thử nghiệm. Ảnh: Tech Times. 

Theo Robinson, các phần cứng rơi ra có vai trò tăng độ chắc chắn cho kính viễn vọng, nhưng không liên quan tới chức năng quang học của thiết bị. Thử nghiệm dao động âm và va chạm cơ học định kỳ đánh giá khả năng chống chịu môi trường khắc nghiệt trong vũ trụ của kính viễn vọng. "Ngay lúc này chúng tôi tin rằng tất cả phần cứng này, tức những đinh ốc và gioăng ở đây, đến từ kính chống nắng. Chúng tôi đang xem xét tác động và kế hoạch sửa chữa", Robinson nói.

Đây không phải lần đầu tiên kính viễn vọng không gian James Webb trải qua sự cố trước ngày phóng. Trước đó, kính chống nắng của thiết bị từng bị rách và các van ở động cơ đẩy bị rò rỉ. Những sự cố trên buộc NASA phải lùi lịch phóng từ thời gian dự kiến ban đầu là năm 2019.

Robinson tin chắc chương trình vẫn theo đúng tiến độ cho lịch phóng vào năm 2020. Ông giải thích sự cố này không ảnh hưởng tới tiến độ bởi lịch trình đặt ra bao gồm thời gian tiến hành sửa chữa. Trong thông báo hồi tháng 3, NASA cho biết kính viễn vọng không gian James Webb cần nhiều thời gian hơn để hoàn thiện hệ thống cuối cùng và vượt qua các thử nghiệm để đảm bảo phi vụ thành công.

Tiết lộ kế hoạch tìm kiếm 'ngôi nhà' mới cho nhân loại của NASA(VietQ.vn) - Tiếp tục sứ mệnh khám phá ra nhiều hành tinh mới, NASA đã quyết định phóng vệ tinh TESS nhắm đến một quỹ đạo bất thường và sẽ kéo dài tới tận Mặt Trăng.

Theo báo Khoa học và Phát triển, về cấu tạo, JWST có một gương chính ghép từ 18 tấm gương hình lục giác có đường kính 6,5m. JWST được chia làm hai phần: Một phần hướng về phía Mặt trời có nhiệm vụ cung cấp năng lượng cho thiết bị và một phần giữ các bộ phận của kính hoạt động ở nhiệt độ tối ưu là -2200C - đủ lạnh để giảm thiểu ảnh hưởng của lượng nhiệt mà JWST sản sinh ra trong quá trình hoạt động. Ngoài ra, siêu kính viễn vọng còn được trang bị 3 máy thu hình hồng ngoại nhạy nhất trong lịch sử.

Kính viễn vọng siêu cấp này sẽ được gấp gọn trong một khoang kín tựa như một con nhộng rồi đặt ở tầng trên cùng của tên lửa đẩy. Khi đã ở quỹ đạo, JWST sẽ được bung ra để trở về đúng hình dạng của nó.

NASA mô tả JWST như một cỗ máy thời gian, có thể giúp chúng ta nhìn về quá khứ 13,5 tỷ năm trước - tức là khoảng 200 triệu năm sau vụ nổ Big Bang.

Giải thích cơ chế của quá trình này, ông Jonathan Gardner - Phó Giám đốc dự án chế tạo JWST - cho biết: “Ánh sáng cần có thời gian để di chuyển từ một nơi nào đó đến Trái đất. Nếu chúng ta nhìn càng xa vào vũ trụ, khoảng thời gian ánh sáng di chuyển từ nơi xuất phát đến đây càng dài. Nếu nhìn đủ xa, chúng ta có thể chứng kiến quá khứ của vũ trụ, nhìn ngược về thời điểm vũ trụ trẻ hơn bây giờ rất nhiều, thậm chí là thời điểm của vụ nổ Big Bang cách đây 13 tỷ năm”.

Ngọc Nga (T/h)

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang