Xây trạm thu phí trên đại lộ Thăng Long là trái luật!

author 08:39 09/02/2014

Vừa qua, UBND thành phố Hà Nội đã họp bàn về đề án thí điểm hệ thống giao thông trên Đại lộ Thăng Long, đáng chú ý buổi họp lại đặt ra vấn đề tổ chức thu phí trên Đại lộ này nhằm hoàn vốn đầu tư cho ngân sách Nhà nước.

Nội dung trên sẽ không trở thành đề tài gay gắt nếu không phải vào tháng 6 năm 2012, Bộ Giao thông vận tải đã ban hành Nghị định số 18/2012/NĐ-CP về việc thu phí giao thông đường bộ hàng năm. Như vậy, nếu ý tưởng trên của UBND thành phố Hà Nội được đưa vào thực thi sẽ đồng nghĩa với việc “phí chồng phí” trên cùng một tuyến đường và nếu nói theo một cách nặng nề thì đây là tình cảnh “một cổ hai tròng” đối với người sử dụng phương tiện giao thông.

Trao đổi với phóng viên, Luật sư Trương Anh Tú Đoàn luật sư thành phố Hà Nội cho biết: Theo Điều 5, Nghị định 18/2012/NĐ-CP quy định về quỹ bảo trì đường bộ thì “Phí sử dụng đường bộ được thu hàng năm trên đầu phương tiện giao thông cơ giới đường bộ…”. Điều này có nghĩa, phí sử dụng đường bộ sẽ được thu hàng năm đối với ô tô và mô tô và số tiền phí sẽ được phân bổ như sau: “1. Phí sử dụng đường bộ thu được đối với mô tô tại địa phương nào bổ sung vào Quỹ của địa phương đó; 2. Phí sử dụng đường bộ thu được đối với ô tô phân chia cho Quỹ trung ương 65%, cho các Quỹ địa phương 35%.” Như vậy, toàn bộ nguồn thu đối với mô tô và 35% đối với ô tô sẽ được bổ sung cho ngân sách địa phương.

Đề ra mục đích thu hồi vốn đầu tư cho ngân sách, UBND thành phố Hà Nội đã lên ý tưởng lập trạm thu phí trên Đại lộ Thăng Long trong khi đã thu phí cả năm. Nếu mới nghe mục đích này có vẻ rất hợp lý nhưng sự hợp lý đó lại chỉ đứng từ phía Nhà nước để nhìn nhận mà không đặt vào hoàn cảnh của người dân để đánh giá.

Đại lộ Thăng Long được xây dựng bằng nguồn ngân sách của Nhà nước, trong khi hàng năm Nhà nước đều thu thuế của nhân dân, nguồn thu ấy phải sử dụng vào việc xây dựng hạ tầng cơ sở. Vậy mục đích thu hồi lại ngân sách có nên đặt ra hay không? Nếu nói rằng, thu phí để bảo trì, quản lý thì đã có 100% phí thu của mô tô và 35% phí thu đối với ô tô được quy định trong Nghị Định 18/2012, có lẽ khoản thu này còn quá ít để bảo trì, quản lý một con đường? Trong khi đó, GPD đầu người của Việt Nam chỉ bằng khoảng 1960 USD (thuộc nhóm nước có thu nhập trung bình thấp) nhưng người dân lại phải gánh hàng loạt các chi phí thuộc loại đắt đỏ nhất thế giới như: chi phí về sữa, ô tô, thực phẩm…và bây giờ là việc bị thu hai lần phí trên cùng một tuyến đường.

Mặt khác, ngày 28/12/2012, Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản 2250/TTg-KTN đồng ý xử lý, sắp xếp lại các trạm thu phí đường bộ khi Quỹ bảo trì đường bộ đi vào hoạt động. Theo đó sẽ xóa bỏ, dừng thu từ ngày 01 tháng 01 năm 2013 đối với các trạm thu phí sử dụng đường bộ nộp ngân sách nhà nước, các trạm thu phí sử dụng đường bộ trả nợ vay. Đại lộ Thăng Long được xây dựng bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước do đó theo văn bản này, các trạm thu phí trên Đại lộ này phải bị xóa bỏ nhưng dường như Hà Nội đang đi trái với chủ trương trên của chính phủ.

Hơn thế nữa, Luật Thủ đô cho phép “Các đoạn tuyến quốc lộ đi qua địa bàn Thủ đô được giao cho Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội tổ chức quản lý, bảo trì theo quy hoạch, trừ đường cao tốc và một số tuyến quốc lộ đã được phê duyệt quy hoạch là đường cao tốc, Quốc lộ 1, Đường Hồ Chí Minh, đường vành đai ngoài cùng” nhưng không quy định là Hà Nội có “đặc quyền” được thu hai lần phí. Với vị thế đặc biệt là Thủ Đô của một nước, là trung tâm kinh tế - chính trị - xã hội, Hà Nội cần phải có sự quản lý đặc biệt hơn so với các tỉnh thành khác nhưng đó không phải là sự quản lý khác biệt, làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích chính đáng của người dân. Việc thu hai lần phí trên Đại lộ Thăng Long có thể thu hồi được ngân sách nhà nước nhưng lại gây ra những tác động tiêu cực đến sự phát triển kinh tế - xã hội. Chính vì vậy, ý tưởng lập trạm thu phí trên Đại lộ Thăng Long trong khi đã thu phí hàng năm là một ý tưởng không hợp lý và có dấu hiệu vi phạm pháp luật.

Theo Xaydung.vn

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang