Xe cứu hộ biến tướng thành 'xe vua': Sao không ai quản lý?

author 16:16 09/09/2015

Thừa nhận kẽ hở của xe cứu hộ biến tướng thành xe tải chở hàng để đi vào giờ cao điểm, nhưng các cơ quan chức năng cho biết, chưa có quy định quản lý. Có điều lạ là trước đây có quy định quản lý, bỗng dưng lại bị bãi bỏ, do đó chủ doanh nghiệp dùng xe cứu hộ tha hồ lách luật...

Xe cứu hộ hoạt động trá hình có nguyên nhân từ kẽ hở của pháp luật (Trong ảnh: Xe cứu hộ của Cty Phương Anh chở xe BMW mới trên đường Nguyễn Văn Cừ - Hà Nội)

Nhập nhèm để trục lợi

Để làm rõ hiện tượng xe vận chuyển ô tô mới sản xuất trá hình dưới hình thức xe cứu hộ, ngày 8/9, phóng viên tìm đến trụ sở Cty Vận tải Phú Sơn (đơn vị có loại xe hình thức giống xe cứu hộ chở xe Toyota Fortuner vào giờ cao điểm nêu trên Tiền Phong số 151).

Ông Đỗ Ngọc Nhung, GĐ công ty này đưa ra giấy phép kinh doanh vận tải của công ty và giấy kiểm định phương tiện ghi rõ loại “ô tô kéo, chở xe” với hình ảnh xe được kiểm định có gắn đèn màu ưu tiên trên nóc xe. 

Ông Nhung cho rằng, với các giấy tờ nêu trên, công ty ông có thể dùng xe để vận chuyển ô tô mới sản xuất, xe bị tai nạn hay xe bị lỗi kỹ thuật mà không vi phạm luật. “Trường hợp chở xe bị tai nạn, xe chúng tôi có chức năng xe cứu hộ; trường hợp chở xe mới, đây là xe tải bình thường”- ông Nhung nói.

Thậm chí, ông Nhung còn cho rằng, không chỉ chở xe mới, một số đơn vị hiện nay còn dùng xe cứu hộ để chở các hàng hóa như dây cáp điện, máy móc công trình.

Phóng viên Tiền Phong đặt câu hỏi: Làm sao để phân biệt hai chức năng trên khi xe lưu thông? Ông Nhung cho hay: Nếu chở xe mới, xe hoạt động như xe tải, lái xe tắt chế độ đèn màu, không được đi vào giờ cấm. Tuy nhiên, ông này cũng thừa nhận: “Đôi khi” lái xe của ông bật đèn màu và đi vào phố cấm và đã bị phạt.

Phóng viên đề nghị cung cấp một số biên bản xử phạt, ông Nhung từ chối.

Cũng là doanh nghiệp dùng dòng xe cứu hộ để chở ô tô mới xuất xưởng cho Cty Honda Việt Nam và nhiều hãng xe châu Âu nhập khẩu khác ở Hà Nội, ông Bùi Văn Hảo - GĐ Cty Vận tải Phương Anh thừa nhận: Xe của Cty Phương Anh vừa có chức năng cứu hộ, vừa chở xe mới xuất xưởng. 

“Khi dùng xe cứu hộ chở xe mới, xe cứu hộ trở thành là xe tải, công an có quyền phạt. Tuy nhiên, hiện nay không có quy định nào phân biệt chức năng quản lý của hai loại xe trên” - ông Hảo nói. Trả lời câu hỏi, xe của Cty Phương Anh có bị phạt nhiều không với chiếc đèn màu trên nóc, ông này cho biết, thỉnh thoảng mới bị.

“Để kinh doanh, doanh nghiệp chúng tôi đi vào làn giữa, không lấn làn; đến ngã tư, đi lúc đèn xanh và vàng, không vượt đèn đỏ” - ông Hảo nói.

Tham gia vận chuyển xe mới sản xuất vào trung tâm Hà Nội bằng loại xe “tranh tối tranh sáng” này còn có Cty Cổ phần Vận tải và Thương mại Veam (thành viên của Tổng Cty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam). Trao đổi qua điện thoại, một vị lãnh đạo đơn vị này cho biết: “Chúng tôi cũng có ý kiến như đại diện Công ty Vận tải Phú Sơn”.

Vì sao quy định từng có bị bãi bỏ? 

Qua trao đổi với ông Đỗ Ngọc Nhung được biết, Cục Đăng kiểm Việt Nam hiện nay cho phép nhập khẩu loại xe có chức năng ô tô kéo, chở xe (như một xe tải) nhưng có đèn ưu tiên lắp sẵn trên nóc xe.

Theo ông Nhung, các xe có đèn ưu tiên này sau khi được đăng kiểm, đăng ký không chịu sự quản lý nào về hoạt động vận tải; không phân biệt là xe tải hay xe cứu hộ. Lãnh đạo Cục Đăng kiểm cũng cho rằng, Cục này chỉ quản lý về chứng nhận kỹ thuật với loại xe cứu hộ, không cấp phép cho xe hoạt động.

Trong khi đó, ông Hoàng Văn Mạnh, Phó phòng Vận tải, Sở GTVT Hà Nội xác nhận: Hiện Sở GTVT không cấp phép, cấp phù hiệu đối với xe cứu hộ.

Cụ thể, ông Mạnh cho biết, theo quy định của Bộ GTVT, hiện Sở chỉ cấp phép với các xe tải lớn (container, xe đầu kéo); xe cứu hộ thuộc xe tải nhỏ, chưa thuộc diện quản lý. Điều đó có nghĩa, lực lượng chức năng trên đường không có cơ sở để xác định đâu là xe tải, đâu là xe thực hiện chức năng cứu hộ thực sự.

Trong quá trình tìm hiểu vấn đề, phóng viên nhận thấy: Thông tư số 18 năm 2013 của Bộ GTVT (quy định về tổ chức, quản lý hoạt động kinh doanh vận tải bằng ô tô và dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ) có quy định chi tiết đối với loại hình xe cứu hộ.

Cụ thể, văn bản này định nghĩa: Dịch vụ cứu hộ vận tải đường bộ là dịch vụ trong đó tổ chức, cá nhân thực hiện dịch vụ cứu hộ phương tiện khi phương tiện giao thông đường bộ bị tai nạn hoặc gặp sự cố kỹ thuật trên đường.

Về quản lý, văn bản này quy định: Tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ cứu hộ vận tải đường bộ thông báo bằng văn bản cho Sở GTVT địa phương các nội dung, như: Địa chỉ, số điện thoại liên hệ và bản sao giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.

Tuy nhiên, Thông tư này sau đó được thay thế bằng Thông tư số 63/2014. Cũng quy định tổng thể về tổ chức, quản lý hoạt động kinh doanh vận tải bằng ô tô và dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ nhưng đã loại bỏ hoàn toàn các quy định về quản lý xe cứu hộ như trên.

“Nếu xe cứu hộ dùng để chở xe mới phải bỏ các loại đèn ưu tiên để tránh nhầm lẫn khi chạy vào thành phố. Chúng tôi sẵn sàng chấp nhận nếu nhà nước có quy định và áp dụng cho tất cả các hãng vận chuyển”.

Một đại diện công ty vận chuyển xe mới chia sẻ

Theo Tiền phong


 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang