Xe máy chạy xăng đang gây hại lớn tới môi trường của Việt Nam

author 09:57 17/03/2021

(VietQ.vn) - Tờ Nikkei Asia (Nhật Bản) nhận định xe máy chạy xăng là nguồn phát thải carbon lớn, phổ biến và gây nguy hại đặc biệt tới môi trường Việt Nam.

Tờ Nikkei Asia dẫn số liệu của Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia cho hay, Việt Nam hiện đang có khoảng 50 triệu xe máy - cao gấp 5 lần Nhật Bản. Doanh số bán xe máy đã giảm 17% vào năm 2020 trong bối cảnh đại dịch, nhưng vẫn đạt khoảng 2,71 triệu chiếc.

Nền kinh tế Việt Nam liên tục tăng trưởng, cho phép một số người sở hữu hai xe máy: một để đi lại và một để đi chơi. Ngoài ra, xe máy là phương tiện phổ biến nhất Việt Nam bởi sự linh hoạt của nó và đặc biệt thích hợp để di chuyển vào các con phố nhỏ hẹp.

"Ô tô vẫn là mặt hàng xa xỉ phải chịu thuế cao, khiến nhiều người không thể tiếp cận được. Chỉ có khoảng 400.000 chiếc xe bốn bánh được bán vào năm 2020", Nikkei Asia nhận định.

Người tiêu dùng Việt Nam cũng không thường xuyên nâng cấp xe máy lên các mẫu xe mới, mà chạy một chiếc xe trong thời gian dài, đồng nghĩa với việc đường phố tràn ngập những chiếc xe máy xả thải hàng giờ. Tỷ trọng xe điện hoặc xe hybrid thân thiện với môi trường tham gia vào thị trường vẫn còn thấp.

Việc thiếu các phương tiện giao thông công cộng, đa số người Việt Nam phải dựa vào xe máy để di chuyển. - Ảnh: Nikkei/Atsushi Tomiyama  

Ông Hồ Quốc Bằng, một chuyên gia môi trường tại Đại học Quốc gia TP.HCM, đã chỉ ra xe máy và các phương tiện giao thông khác là nguyên nhân gây ra 99% lượng khí thải carbon dioxide của thành phố. Ông Bằng cũng lo ngại về ô nhiễm không khí từ khí thải và bụi lốp.

Các tuyến đường sắt trên cao tại Hà Nội và TP.HCM có thể sẽ bắt đầu hoạt động vào đầu năm nay. Nhưng cũng chưa chắc điều đó đã khiến mọi người bỏ đi xe máy. "Nếu phải đi bộ hàng trăm mét đến ga tàu thì thà chọn xe máy", một nhân viên văn phòng sống tại Hà Nội cho Nikkei biết.

Văn hóa xe máy đã ăn sâu vào cuộc sống hàng ngày ở Việt Nam. Việc sản xuất xe đạp điện hoặc đánh thuế nặng đối với các mẫu xe đã lỗi thời sẽ là điều cần phải làm. Các "nhà máy phát thải khí nhà kính hai bánh" này là một vấn đề thậm chí còn cấp bách hơn các nhà máy đốt than.

Liên quan tới vấn đề ô nhiễm môi trường do khí thải phương tiện giao thông, đặc biệt là xe máy, Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết, toàn quốc hiện có hơn 50 triệu xe máy đang lưu hành (Hà Nội 5,7 triệu xe, TP HCM 8,1 triệu xe), chiếm 95% số lượng xe cơ giới và thải ra 80 - 90% khí CO, HC, 50% lượng NOx trong tổng lượng phát thải xe cơ giới.

Cũng theo Cục Đăng kiểm Việt Nam, hiện nay việc kiểm soát khí thải chỉ áp dụng đối với các xe sản xuất và nhập khẩu mới. Trong khi nhiều người dân không quan tâm đến việc bảo dưỡng xe đang hoạt động, khiến phương tiện nhanh xuống cấp, ảnh hưởng chất lượng không khí.  

Về giải pháp kiểm soát khí thải xe máy, ngoài trung tâm đăng kiểm, các cơ sở bảo dưỡng và sửa chữa xe có thể tham gia vào việc kiểm định khí thải xe máy theo hình thức xã hội hóa đầu tư. Cơ quan nhà nước sẽ giám sát hoạt động của cơ sở kiểm định, cấp chứng nhận khí thải.

"Thời gian kiểm tra mỗi xe máy chỉ 2-3 phút, nếu phương tiện không đạt tiêu chuẩn khí thải thì chủ xe sẽ phải khắc phục, kiểm tra lại để được cấp giấy chứng nhận. Chu kỳ kiểm tra xe máy được một số nước đang áp dụng là một năm", ông Đặng Trần Khanh, Phó phòng Kiểm định xe cơ giới (Cục Đăng kiểm Việt Nam) cho hay.

Theo Báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia của Bộ Tài nguyên Môi trường, Năm 2011 - 2015, bệnh hô hấp ngày càng phổ biến, tỷ lệ mắc gia tăng. Các tác nhân gây bệnh đáng kể là khói bụi do khí thải từ các loại xe và bụi mịn trong không khí. Quá trình đốt nhiên liệu xăng, dầu diesel từ động cơ khi phương tiện giao thông vận hành sản sinh ra cacbon monoxit (CO), oxit nito (NOx), lưu huỳnh dioxit (SO2), hơi xăng dầu (Cn Hm, VOCs ), bụi PM10, bụi đường (TSP)... Xe máy chủ yếu phát thải các chất CO, VOC, TSP. Còn ôtô sinh ra SO2, NO2. 

Bảo An

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang