Xe ôm, sửa chữa xe đạp cũng phải đăng ký mới được kinh doanh?

author 18:11 26/02/2015

(VietQ.vn) - Có 6 văn bản của 4 tỉnh gồm: Thừa Thiên Huế, Bình Dương, Quảng Bình, Đắc Lắc và Nghệ An tự đặt ra điều kiện kinh doanh đối với một số ngành nghề kinh doanh như: sửa chữa ôtô, môtô, xe đạp,... là không đúng thẩm quyền.

Theo tin tức mới nhất từ báo VnExpress, trong đợt rà soát vừa kết thúc cuối tháng 1/2015, Bộ Tư pháp cho biết đã thẩm tra gần 530 văn bản, được 16 bộ ngành và 52 địa phương ban hành. Qua đó, cơ quan này cũng chỉ ra hàng loạt quy định trái luật, sai thẩm quyền.

Cụ thể, có 9 trong số 249 văn bản mà các bộ đặt ra và 20 quy định do địa phương soạn thảo bị cho là “sai thẩm quyền”. Trong số này, Bộ Tư pháp khẳng định, cơ quan ngang Bộ, hội đồng nhân dân, ủy ban nhân dân các cấp không được quy định về ngành, nghề kinh doanh có điều kiện và điều kiện kinh doanh.

Bộ này dẫn chứng, các nghề như biểu diễn ca Huế; sửa chữa ôtô, mô tô, xe đạp; kinh doanh vận tải khách du lịch bằng xe điện bốn bánh, hàng hóa bằng xe thô sơ, xe gắn máy... cũng được các tỉnh như Thừa Thiên Huế, Bình Dương, Quảng Bình, Đắk Lắk, Nghệ An tự đặt điều kiện kinh doanh.

 Địa phương tự đặt ra điều kiện kinh doanh đối với nghề sửa chữa ôtô, môtô, xe đạp là sai quy định

 Địa phương tự đặt ra điều kiện kinh doanh đối với nghề sửa chữa ôtô, môtô, xe đạp là sai quy định. Ảnh minh họa

Theo Bộ Tư pháp, Luật Doanh nghiệp năm 2005, Nghị định số 102/2010 đã khẳng định: bộ, cơ quan ngang bộ, HĐND, UBND các cấp không được quy định về ngành nghề kinh doanh có điều kiện và điều kiện kinh doanh; Ngành nghề kinh doanh có điều kiện và điều kiện kinh doanh áp dụng theo các quy định của các luật, pháp lệnh, nghị định chuyên ngành hoặc quyết định có liên quan của Thủ tướng Chính phủ, theo thông tin từ báo Vneconomy. 

Do đó, Bộ Tư pháp cho rằng, một số bộ và UBND cấp tỉnh ban hành văn bản quy định về ngành, nghề kinh doanh có điều kiện và điều kiện kinh doanh là trái thẩm quyền, vi phạm quy định pháp luật của Quốc hội, Chính phủ. “Đây là biểu hiện của sự vi phạm trật tự, kỷ cương hành chính, cần phải được chấn chỉnh, xử lý kịp thời”, Bộ Tư pháp khẳng định.

Bộ Tư pháp cho biết, lý do khiến nhiều địa phương tự đặt ra “luật lệ” riêng cho mình xuất phát từ việc các bộ, ngành địa phương chưa quán triệt đúng và đầy đủ về các quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2005 và Nghị định số 102/2010 của Chính phủ; công tác phổ biến pháp luật, quán triệt các quy định về ngành, nghề kinh doanh có điều kiện và điều kiện kinh doanh, nhất là quy định thế nào là điều kiện kinh doanh, ở nhiều bộ, ngành, địa phương chưa tốt dẫn tới việc hiểu và áp dụng không đúng...

Thái Hà


 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang