Xem xét khởi tố vụ giả giấy tờ kiểm định sản phẩm vật tư thủy sản

authorLan Ninh 13:19 26/08/2016

(VietQ.vn) - Trên 800 sản phẩm dù không hề được kiểm định chất lượng nhưng vẫn có mặt trong danh sách chính thức các sản phẩm được phép lưu hành hợp pháp

Theo tin tức trên báo Công an TP HCMPhó Thủ tướng Trương Hòa Bình có ý kiến chỉ đạo đề nghị xem xét, điều tra vụ việc vi phạm pháp luật tại Trung tâm Khảo nghiệm, kiểm nghiệm, kiểm định nuôi trồng thủy sản thuộc Tổng cục Thủy sản.

Tổng cục Thủy sản kiểm định khống hơn 800 sản phẩm. Ảnh: Tiền Phong

 

 Phó Thủ tướng giao Bộ Công an chỉ đạo đơn vị chức năng của Bộ kiểm tra, đánh giá các tài liệu, chứng cứ về vụ việc vi phạm pháp luật tại Trung tâm Khảo nghiệm, kiểm nghiệm, kiểm định nuôi trồng thủy sản; nếu có dấu hiệu tội phạm thì quyết định khởi tố, điều tra để xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật. Báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 30/9/2016 về việc xác định có căn cứ khởi tố hoặc không có căn cứ khởi tố.

Làm giả hơn 800 giấy kiểm định thủy sản: Cần xử lý nghiêm kẻ 'đầu trò'(VietQ.vn) - Theo luật sư Đặng Văn Cường, hành vi làm giả hơn 800 giấy kiểm định thủy sản cần phải được xử lý nghiêm, đặc biệt người giữ vai trò chỉ đạo để trục lợi.

Trong quá trình Bộ Công an xử lý vụ việc nói trên, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo tiếp tục thanh tra làm rõ các sản phẩm thủy sản, sản phẩm xử lý cải tạo môi trường nuôi trồng thủy sản đưa vào danh mục được phép lưu hành trên thị trường, trái quy định của pháp luật, có bao nhiêu sản phẩm thực tế lưu hành, bao nhiêu sản phẩm chưa lưu hành; giám định chất lượng các sản phẩm, xác định hậu quả và chuyển kết luận giám định đến Bộ Công an.

 

Tờ Vietnamnet đưa tin, Tổng cục Thủy sản đã điều tra xác minh vụ việc và ra kết luận cho thấy: Năm 2013, Giám đốc Trung tâm lúc đó là ông Bùi Đức Quý, đã cấu kết với các cán bộ là ông Nguyễn Huy Bàn, bà Đỗ Thị Hà, ông Phạm Hồng Quân, bà Vũ Thị Thu, bà Nguyễn Thị Hà, ông Nguyễn Văn Dũng và ông Lê Tuấn Anh (lúc đó là Phó Phòng Hành chính quản trị - Tổng Cục thủy sản) làm giả công văn và ban hành công văn trái luật để đưa tên các sản phẩm không đủ tiêu chuẩn vào bản phụ lục sản phẩm đã được cấp phép lưu hành.

Với 3 bản phụ lục được ký khống, hơn 2 năm qua, hơn 800 sản phẩm trong lĩnh vực thủy sản đã vô tư lưu hành trên thị trường mà không bị cơ quan chức năng nào phát hiện.

Kết luận xác minh cho biết, các đối tượng trên đã cố ý thực hiện hành vi vi phạm pháp luật và thực hiện hành vi vi phạm với mục đích vụ lợi. Trong quá trình thực hiện hành vi trên, bà Vũ Thị Thu đã chuyển tiền 2 lần cho ông Bùi Đức Quý với tổng số tiền là 912 triệu đồng. Ông Dũng cũng chuyển tiền vào tài khoản của ông Phạm Văn Hoà - người quen của bà Thu 3 lần với tổng số tiền là 976 triệu đồng. Số tiền này được tính trả cho ông Quý 5 triệu đồng/sản phẩm nhận làm cho doanh nghiệp.

Xử lý các sai phạm trên, các cá nhân bị tố cáo và các cá nhân được phát hiện trong quá trình xác minh tố cáo được yêu cầu thực hiện tự kiểm điểm trách nhiệm cá nhân tại đơn vị công tác và trước hội đồng kỷ luật công chức, viên chức của Tổng cục Thuỷ sản.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cũng yêu cầu thu hồi 5 văn bản trái pháp luật trên và tham mưu ban hành quyết định thu hồi số tiền thu lợi bất hợp pháp trong quá trình giải quyết tố cáo. Đồng thời, đề nghị Văn phòng Tổng cục Thuỷ sản tham mưu Tổng cục trưởng về quy trình, tổ chức thực hiện xử lý, kỷ luật về chính quyền, về đảng đối với 8 cán bộ liên quan.

Trung tâm Khảo nghiệm, Kiểm nghiệm và Kiểm định Nuôi trồng thuỷ sản cũng được giao rà soát quy chế, quy trình tổ chức thực hiện. Đồng thời, đề xuất hướng xử lý đối với toàn bộ sản phẩm thức ăn thuỷ sản, chất xử lý cải tạo môi trường được được thông báo đáp ứng nhưng chưa có tên trong các danh mục được phép lưu hành tại Việt Nam theo quy định hiện hành.

Ninh Lan (T/h)

 

 

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang