Xét tuyển ĐH 2015 nguyện vọng 1: Có cần đăng ký hết 4 nguyện vọng?

author 06:47 09/08/2015

(VietQ.vn) - Theo Cục Khảo thí, các thí sinh không cần thiết đăng ký cả 4 ngành khi xét tuyển ĐH 2015 theo nguyện vọng 1.

Theo quy định tuyển sinh ĐH 2015, xét tuyển nguyện vọng 1 ngành được ưu tiên theo thứ tự từ 1 đến 4. Khi nhận được ĐKXT với 4 nguyện vọng của em, nếu điểm thi của em đủ để trúng tuyển cả 4 ngành, em sẽ trúng tuyển vào nguyện vọng 1. Nếu em không trúng tuyển vào ngành số 1, trường sẽ xét nguyện vọng vào ngành số 2 của em; nguyện vọng vào ngành số 2 của em cũng được xét bình đẳng cùng với các thí sinh đã đăng ký ngành đó là số 1. Và tương tự như vậy đối với ngành số 3, số 4.

Vậy có nên đăng ký cả 4 ngành khi xét tuyển nguyện vọng 1 hay không?

Xét tuyển nguyện vọng 1 vào ĐH năm 2015: Có nên đăng ký cả 4 nguyện vọng
Xét tuyển nguyện vọng 1 vào ĐH năm 2015: Có nên đăng ký cả 4 nguyện vọng

 

Trả lời câu hỏi này, Đại diện Cục Khảo thí, Bộ GD-ĐT khẳng định, không nhất thiết phải đăng ký cả 4 nguyện vọng; mà có thể chỉ đăng ký từ 1 đến 3 nguyện vọng cũng được.

Nếu đăng ký nhiều nguyện vọng vào 1 trường thì cơ hội các em đỗ vào trường đó cao hơn. Nhưng rất có thể, em đó sẽ phải học ngành mình chưa thật sự yêu thích.

Vì vậy, Đại diện Cục Khảo thí khuyên thí sinh phải cân nhắc giữa việc có cần bằng mọi giá vào trường đó không, hay là có thể học trường khác có điểm chuẩn dự kiến thấp hơn nhưng vẫn được học ngành mình yêu thích.

Đối với xét tuyển nguyện vọng I, thí sinh chỉ có thể đăng ký vào 1 trường, như vậy không thể xảy ra trường hợp em đó trúng tuyển vào cả hai trường đều xét tuyển bằng kết quả thi THPT (chỉ có thể trúng tuyển thêm vào các trường tuyển sinh riêng, xét tuyển bằng kết quả học tập). Còn khi đăng ký xét tuyển nguyện vọng bổ sung (nếu em trượt nguyện vọng I) thí sinh được phép đăng ký xét tuyển vào tối đa 3 trường và em đó có thể trúng tuyển vào cả 3 trường.

Quy định xét 4 nguyện vọng trong một trường theo thứ tự ưu tiên từ 1 đến 4 như sau: Nếu thí sinh có mức điểm có thể trúng tuyển vào nhiều ngành, chỉ được xét vào ngành có thứ tự ưu tiên cao nhất; Nếu thí sinh không trúng tuyển nguyện vọng 1, sẽ được chuyển sang nguyện vọng 2 và xét bình đẳng với các thí sinh đăng ký nguyện vọng 1 vào ngành đó và tương tự như vậy đối với các nguyện vọng 3, 4.

Các nguyện vọng 1, 2, 3, 4 trong một trường được xét đồng thời (thực hiện bằng phần mềm xét tuyển do Bộ GDĐT cung cấp hoặc phần mềm do trường xây dựng với thuật toán do Bộ GD-ĐT cung cấp). Trong 4 nguyện vọng, thí sinh có thể đăng ký đồng thời cả ngành đại học và cao đẳng (nếu trường có đào tạo cao đẳng).

Theo Cục Khảo thí, điểm đầu tiên thí sinh cần cân nhắc là lựa chọn ngành, trường phù hợp để đảm bảo khả năng trúng tuyển là cao nhất: căn cứ vào kết quả thi của mình, thí sinh có thể tham khảo điểm trúng tuyển vào các ngành của trường ở những năm trước để quyết định chọn trường, ngành phù hợp. Hiện nay có hơn 400 trường ĐH, CĐ trong cả nước, một ngành chuyên môn có thể đào tạo ở nhiều trường với mức điểm xét tuyển rất khác nhau, nên các thí sinh có nhiều cơ hội để lựa chọn được ngành yêu thích của mình.

Điểm thứ hai mà thí sinh cần phải cân nhắc là khi đưa ra quyết định rút hồ sơ để nộp vào trường khác hay quyết tâm “bám trụ“, nhất là khi điểm thi của mình không thực sự vượt trội trong số thí sinh cùng đăng ký vào ngành.

Nếu thí sinh có thể chọn được nhiều ngành phù hợp với nguyện vọng của mình trong một trường thì sẽ dễ dàng hơn trong quyết định “rút“ hồ sơ hay “bám trụ“ và cơ hội trúng tuyển của thí sinh sẽ lớn hơn rất nhiều.

Thu Hà


Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang