Đang xét xử vụ án 'chai nước Number 1 có con ruồi trị giá 500 triệu đồng'

author 10:15 17/12/2015

(VietQ.vn) - Sáng nay, TAND tỉnh Tiền Giang chính thức xét xử vụ án Võ Văn Minh cưỡng đoạt tài sản của Công ty Tân Hiệp Phát. Phiên tòa đang thu hút sự quan tâm rất lớn từ dư luận bởi những tranh cãi về các vấn đề pháp lý xung quanh vụ việc.

Đổi chai nước có ruồi lấy 500 triệu đồng

Báo Tuổi Trẻ đưa tin, ông Võ Văn Minh là người bán bún riêu kèm nước giải khát tại ngã ba An Cư (xã An Cư, huyện Cái Bè, Tiền Giang). Ngày 3-12-2014, tại quán của mình, ông Minh phát hiện chai nước Number One loại chai 350ml của Công ty Tân Hiệp Phát có ruồi nên nảy sinh ý định dùng chai nước này để đe dọa, yêu cầu Công ty Tân Hiệp Phát giao tiền cho mình.

Ngày 5-12-2014, ông Minh đã điện thoại cho Công ty Tân Hiệp Phát yêu cầu đưa 1 tỉ đồng để đổi lấy sự im lặng. Nếu không sẽ đưa vụ việc lên chương trình 60 giây, đăng tải lên báo và in 5.000 tờ rơi nêu nội dung chai Number One có ruồi nhằm hạ uy tín của công ty này.

Đại diện Công ty Tân Hiệp Phát đã ba lần đến thương lượng với ông Minh nhưng ông vẫn không thay đổi ý định “đổi tiền lấy sự im lặng” nên Công ty Tân Hiệp Phát đã đưa cho ông Minh 500 triệu 
đồng vì lo sợ uy tín bị ảnh hưởng. Ngày 27-1-2015, đích thân bà Trần Ngọc Bích - giám đốc Công ty Tân Hiệp Phát - đã phân công ba cán bộ của mình đem 500 triệu đồng đến một quán cà phê trên địa bàn xã Hậu Thành, huyện Cái Bè giao cho ông Minh. Sau khi nhận tiền (có ký giấy biên nhận) từ phía đại diện của Công ty Tân Hiệp Phát, ông Minh bị Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Tiền Giang bắt giữ.

Trực tiếp phiên tòa

7g40. Bị cáo Võ Văn Minh được dẫn giải đến tòa, thần sắc của Võ Văn Minh tốt. Cha và mẹ của Võ Văn Minh cũng đã có mặt tại phiên tòa rất sớm.

xét xử vụ chai nước 500 triệu đồng của Tân Hiệp PhátBị cáo Võ Văn Minh

Đúng 8h, ông Võ Trung Hiếu, thẩm phán chủ tọa phiên tòa đã công bố quyết định đưa vụ án ra xét xử và làm thủ tục khai mạc phiên tòa. Giữ quyền công tố tại phiên tòa này là 2 kiểm sát viên Võ Hồng Phương và Võ Hải Phương.

Trước khi công bố quyết định đưa vụ án ra xét xử thì chai nước ngọt hiệu Number One màu vàng, vật chứng của vụ án cũng đã được đưa đến phiên tòa. Đại diện bị hại là Công ty TNHH Tân Hiệp Phát cũng đã có mặt tại phiên tòa.

Vào 8h45, tại phiên tòa, luật sư đề nghị triệu tập điều tra viên Trần Đình Tâm, bởi ông Tâm tiếp nhận đơn tố cáo của Tân Hiệp Phát, đồng thời, ông Tâm cũng là điều tra viên chính.

Luật sư Phạm Hoài Nam, bào chữa miễn phí cho Võ Văn Minh cho rằng điều tra viên có dấu hiệu không vô tư khách quan trong điều tra vụ án. Luật sư Nam cũng đề nghị triệu tập luật sư Nguyễn Trung Trực, luật sư này tham gia bảo vệ Tân Hiệp Phát đã tham gia buổi hỏi cung Võ Văn Minh. Đây là điều làm bất lợi cho Võ Văn Minh và có dấu hiệu làm lộ bí mật điều tra vụ án.

Các nhân viên của Tân Hiệp Phát tiếp xúc với Võ Văn Minh trong lời khai được xác định là bị hại, nhưng trong quyết định đưa vụ án ra xét xử thì những người này không còn là bị hại nữa mà trở thành nhân chứng. Luật sư Nam cũng cho rằng vụ án có dấu hiệu của việc thương lượng dân sự chứ không phải là hình sự.

Trước rất nhiều những tranh cãi xung quanh vụ việc, theo VTC News dẫn lời Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp cho rằng, vụ việc ông Minh tống tiền Tân Hiệp Phát thông qua chai nước có ruồi là một vụ việc gây nhiều tranh cãi trên cả khía cạnh pháp lý, áp dụng pháp luật và cả câu chuyện đạo đức trong kinh doanh.

"Nếu Tân Hiệp Phát có sản phẩm không đảm bảo chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm thì thiệt hại trước tiên sẽ là mất uy tín, ảnh hưởng tới hoạt động kinh doanh của công ty, sau đó mới là câu chuyện trách nhiệm pháp lý. Đối với vụ án cưỡng đoạt tài sản mà ông Minh là bị cáo, còn công ty Tân Hiệp Phát là bên bị hại lại là một câu chuyện độc lập" - Luật sư Cường phân tích.

Theo ông Cường, việc chai nước có “ruồi” chỉ là cái cớ. Nếu ông Minh báo sự việc có con ruồi trong chai nước cho Hội bảo vệ người tiêu dùng, cho các cơ quan truyền thông, hay cho doanh nghiệp để làm rõ nguyên nhân, vì mục đích tốt cho sức khỏe của cá nhân, sức khỏe của cộng đồng thì còn đáng phải khen thưởng nếu con ruồi đó xuất phát từ lỗi trong quy trình sản xuất. Khi DN có sản phẩm lỗi, gây thiệt hại tới sức khỏe, tài sản của NTD thì họ có quyền yêu cầu công ty phải bồi thường thiệt hại.

Luật pháp hiện hành cũng nghiêm cấm việc chuyển dịch quyền sở hữu tài sản một cách trái pháp luật. Hành vi gian dối, lén lút, đe dọa hoặc uy hiếp tinh thần người khác nhằm chuyển giao quyền sở hữu tài sản từ chủ thể này, sang chủ thể khác là những hành vi trái pháp luật.

Nhưng ở đây, ông Minh không lựa chọn hành vi ứng xử theo quy định pháp luật mà lại có hành vi đe dọa, uy hiếp doanh nghiệp nhằm chiếm đoạt tài sản và thực tế đã chiếm đoạt thành công 500 triệu đồng. Hành vi này thỏa mãn các dấu hiệu cấu thành tội cưỡng đoạt tài sản theo quy định tại Điều 135 Bộ luật hình sự.

Kim Oanh (T/h)

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang