Xin được ấn đền Trần cũng đừng mong sẽ 'thăng quan tiến chức'

author 06:26 22/02/2016

(VietQ.vn) - Lễ khai ấn đền Trần có ý nghĩa cầu cho quốc thái dân an, giáo dục truyền thống yêu nước. Nhưng nhiều người lầm tưởng xin ấn để “thăng quan tiến chức”.

Lễ khai ấn đền Trần (Nam Định) năm nay diễn ra vào 23h đêm ngày 21/2. Từ chiều cùng ngày đã có hàng nghìn du khách về lễ bái sớm khiến các đền chính Thiên Trường, Cố Trạch, Trùng Hoa chật như nêm.

Lễ khai ấn đền Trần

4h chiều đền Trần đã đông nghẹt người đến làm lễ và chờ xin ấn

Theo ghi chép từ một số tài liệu, lễ khai ấn đền Trần là một tập tục có từ thế kỷ XIII, của triều đại nhà Trần - triều đại phong kiến kéo dài và hùng mạnh nhất trong lịch sử phong kiến Việt Nam với chiến công hiển hách ba lần đánh tan quân Nguyên Mông - đạo quân xâm lược được mệnh danh là “bách chiến bách thắng”.

Sau khi đánh thắng quân Nguyên Mông lần thứ nhất, ngày 14 tháng Giêng, tại phủ Thiên Trường (nơi phát tích của nhà Trần), vua Trần Thái Tông đã mở tiệc chiêu đãi và thưởng công, phong tước cho các quan, quân có công trong việc đánh giặc. Kể từ đó, cứ vào ngày này, các vua Trần lại tổ chức nghi thức khai ấn để tế lễ trời đất, Tổ tiên; phong chức tước cho những người có công, đồng thời mở đầu cho một năm làm việc mới của bộ máy chính quyền nhà Trần.

Sau này trên nền phủ Thiên Trường, nhân dân đã xây dựng khu di tích đền Trần để thờ 14 vị vua Trần, Trần Hưng Đạo cùng các quan văn, võ, đồng thời duy trì nghi thức khai ấn để tưởng nhớ công đức của các vua Trần, giáo dục con cháu truyền thống yêu nước chống giặc ngoại xâm, bảo vệ non sông xã tắc.

xin ấn đền Trần

Nhiều người chen nhau xin ấn đền Trần hòng thăng quan tiến chức

Tuy nhiên, không phải ai về xin ấn đền Trần cũng hiểu được hết ý nghĩa của nghi lễ này. Bản chất của bốn chữ “Tích phúc vô cương” trên ấn là nhà Trần ban cho con cháu cái phúc, dạy con cháu, bách gia trăm họ phải biết giữ gìn phẩm chất đạo đức, tích phúc thật tốt, phúc đức càng dầy thì được hưởng lộc càng bền vững. Đấy là ý nghĩa giáo dục sâu sắc nhất của việc ban ấn.

Thế nhưng, ngày nay nhiều người đi lễ đền Trần đã không hiểu rõ những ý nghĩa đó. Vẫn còn một số lầm tưởng rằng, xin ấn để cầu “thăng quan, tiến chức”. Một phần vì điều này mà nhiều năm qua thường xảy ra cảnh chen lấn, dẫm đạp lên nhau để xin được ấn tại đền Trần, làm méo mó đi hình ảnh cũng như những ý nghĩa tốt đẹp của lễ hội.

Viết Cường


Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang