Xin hãy công tâm với Bộ trưởng Y tế!

author 06:39 18/11/2014

(VietQ.vn) - Trong năm qua, Bộ trưởng Bộ Y tế đã có nhiều nỗ lực trong công tác quản lý và điều hành ngành của mình. Do đó, việc Bộ trưởng Tiến nhận được nhiều phiếu tín nhiệm thấp cần phải có cái nhìn thật khách quan, đa chiều.

Sau khi kết quả lấy phiếu tín nhiệm được công bố, nhiều người đã tỏ ra khá bất ngờ khi biết Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến là người có nhiều nhất phiếu tín nhiệm thấp.

Lí do là trong năm qua, Bộ trưởng Tiến đã thật sự có nhiều chuyển biến tích cực trong công tác điều hành. Về kết quả này, Đại biểu Đỗ Mạnh Hùng (Đoàn Thái Nguyên) đã chia sẻ: “Ở đây, chúng ta phải nói rõ với nhau rằng, các đồng chí phụ trách ở lĩnh vực có tín nhiệm thấp chưa cố gắng, nhưng có thể nói rằng các lĩnh vực đó đều đòi hỏi một sự đầu tư, có những khó khăn nhất định như y tế”.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến. Ảnh Vietnamnet

Cũng nói về Bộ trưởng Tiến, Trung tướng Nguyễn Quốc Thước đánh giá cao công tác điều hành, quản lý của Bộ trưởng trong năm qua. Còn nguyên nhân khiến Bộ trưởng ngành y vẫn bị nhiều phiếu tín nhiệm thấp, tướng Thước nhận định: “Hiện nay, trí tuệ và sức khỏe là hai nhu cầu cơ bản nhất, được quan tâm nhiều nhất trong cuộc sống của người dân. Con người ngày càng quan tâm đến sức khỏe thì họ lại càng “khó tính” hơn với ngành y. Sự cố gắng của Bộ trưởng Tiến trong năm vừa rồi rất đáng khích lệ nhưng so với nhu cầu hiện nay thì chưa thể đáp ứng ngay được”.

Qủa vậy, ngành y là ngành rất rộng và có nhiều vấn đề phức tạp. Cuộc sống của con người thì luôn đi kèm với ốm đau, bệnh tật. Trong khi đó, mỗi xã, phường có một trung tâm y tế; mỗi quận huyện; mỗi tỉnh đều có bệnh viện; trung ương thì không kể xiết và còn hàng nghìn các bệnh viện tư nhân... Ở những nơi đó thì lại có biết bao nhiêu y bác sỹ.

Từng ấy con người tuy “đầu vào” phải đáp ứng được về khả năng, bằng cấp. Có nghĩa là bề nổi, có thể kiểm tra, quản lý. Nhưng còn nhân cách của mỗi y bác sỹ thì làm gì có máy móc, giấy tờ nào có thể chứng minh, đo đạc.

Nếu dân không nói, nếu họ không để xảy ra sai phạm thì khó có thể biết bác sỹ nào có lương tâm, bác sỹ nào là sâu mọt?

Làm lãnh đạo ai cũng muốn ngành của mình tốt lên, không ai thích suốt ngày bị dân kêu ca, “ném đá”. Nhưng quản lý được từng ấy con người, làm họ tốt lên trong một sớm một chiều thì không phải là chuyện nhỏ.

Chắc hẳn nhiều người vẫn còn nhớ, vào giữa tháng 10/2014, ông Giám đốc bệnh viện huyện Lương Tài ở Bắc Ninh say rượu trong giờ làm việc, có thái độ hung hãn với phóng viên đến tác nghiệp đã bị Bộ trưởng Bộ Y tế đình chỉ công tác ngay khi nhận được thông tin. Vị này mới đây đã bị giáng chức xuống làm phó giám đốc bệnh viện.

Mạnh tay hơn nữa là trong tháng 11/2014, thông qua đường dây nóng y tế được triển khai trong các cơ sở khám chữa bệnh, sau khi xác minh, kiểm tra, Bộ trưởng Bộ Y tế đã cho nhiều cán bộ nghỉ việc, cách chức 7 cán bộ lãnh đạo khoa, 18 cán bộ chuyển công tác, khiển trách 122 cán bộ, cắt thi đua 100 cán bộ.

Điều đó cho thấy, Bộ trưởng Tiến đã rất quyết liệt, tăng cường kiểm tra, giám sát trong ngành để nâng cao tinh thần trách nhiệm, đạo đức nghề nghiệp của cán bộ ngành y.

Chúng ta hay nói, đạo đức ngành y, đạo đức xã hội ngày càng xuống cấp. Thế thì y bác sỹ thì cũng nằm trong cả cái xã hội ấy mà thôi. Vậy tại sao dư luận lại chỉ chăm chăm chỉ trích ngành y mà quên đi rằng, làm công việc nào cũng cần phải có đạo đức. Đạo đức kém thì làm việc gì cũng có hại cho xã hội, không kể là ngành y.

Vậy nếu trách, phải trách thêm cái “vĩ mô” là “đạo đức xã hội”.

Mặt khác, đời sống ngày càng được nâng lên, nhu cầu sức khỏe càng được con người quý trọng. Và khi cơm đã no, áo đã ấm thì sức khỏe đúng là được quý như vàng, con cái được nâng niu, chăm sóc như “kim cương”.

Trong khi đó, ngành y lại là ngành chăm sóc cho những “cục vàng”,  cho những “viên kim cương” ấy. Cái khó khăn, nguy hiểm nhất của ngành y là ở chỗ này. Nhầm một chút có thể nguy hiểm đến tính mạng con người. Còn các ngành khác, “nhầm” thì chỉ làm thất thoát tiền của nhà nước, của chung nhân dân nên người dân không bức xúc bằng mất đi sức khỏe, tính mạng.

Và trong hàng nghìn y bác sỹ với hàng triệu bệnh nhân, lúc nọ lúc kia, thể nào chả có lúc xảy ra "nhầm lẫn".

Việc gì cũng vậy, đã làm thì khó tránh khỏi có lỗi. Thế nhưng, chúng ta hãy xem họ sửa cái lỗi đó như thế nào, họ có thiện chí, quyết tâm hay không? Bộ trưởng Tiến đang cố làm điều đó, đưa bộ máy ngành y tế tốt lên. Để thực hiện được việc này, chắc chắn ngành y sẽ còn rất nhiều “tai tiếng” bởi trên con đường thành công, khó tránh khỏi hi sinh, mất mát./.

Viết Cường

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang