Xin hãy để "bác trưởng thôn" Văn Hiệp ngủ yên

author 09:08 13/04/2013

(VietQ.vn) - Mấy hôm nay báo chí, blog tràn ngập bài viết về diễn viên hài Văn Hiệp vừa mất. Ca ngợi, tiếc thương, rồi lôi cả đời tư lên mặt báo. Chị vợ ở Đức mấy chục năm tuyên bố vẫn yêu chồng. Con trai bảo, mẹ ra đi, bỏ ông ở lại trong cô đơn và nghèo túng.

Báo chí khai thác tối đa đám tang, dù lúc bác còn sống, chẳng có bài nào ca ngợi tận mây xanh.

Chả hiểu sao xem bác Văn Hiệp diễn, tôi thấy thương hơn là cười. Trông bác hơi giống lão Hạc của Nam Cao, dáng người khô khổ, nụ cười méo mó, giống bất kỳ một người nông dân khốn khó nào ở quê tôi.  Sau này đọc báo chí mới biết là ngoài đời bác Văn Hiệp khổ thật.

Đừng bắt Văn Hiệp "chạy công văn" 

Tin còn cho hay, diễn viên hài Minh Vượng kêu gọi trên FB đề nghị Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu nghệ sỹ Nhân dân “Mong mọi người hết sức mình ủng hộ việc làm này của nghệ sĩ chúng tôi, bác Hiệp xứng đáng với danh hiệu đó hơn ai hết”, chị Minh Vượng viết.

Hãy để họ ngủ yên.
Hãy để ông ngủ yên.

Sau đám tang, hàng loạt các nghệ sỹ ký đơn đề nghị phong đặc cách nghệ sỹ ưu tú cho diễn viên già với cái điếu cày.

Hồi bác còn sống, nếu ai đó đề nghị phong nghệ sỹ Nhân dân cho Văn Hiệp, chắc người ta cho đó là kẻ tâm thần. Bao nhiêu mũ cao áo dài trong giới nghệ sỹ chưa đến lượt, nói chi “trưởng thôn” hút thuốc lào.

Tôi nhớ đã xem một vở “Gặp nhau cuối tuần” trên tivi từ mấy chục năm trước. Hình như bác Văn Hiệp vào vai một người lính từ chiến trường trở về, bị thương tật nhưng chẳng có ai chứng nhận. Tuổi cao sức yếu, lúc đó đã 70, nhân vật Văn Hiệp trong vai ông lính đi xin giấy chứng thương để hưởng chế độ thương binh.

Người lính già rơi vào vòng xoáy của cuộc đời với đủ loại giấy tờ ở một chế độ “hành là chính”. Đến Ủy ban phường được hướng dẫn phải có giấy khai sinh. Thời xưa các cụ đẻ rơi ở đống rơm, làm sao có giấy khai sinh.

Cô bé bằng tuổi cháu quát tháo, cụ lính phải về quê xin chứng nhận của một người lớn hơn 20 tuổi. Nghĩa là cần một người cỡ 90 tuổi chứng nhận ngày ấy tháng ấy ông lính ra đời.

Cơm nắm, bị cói, ông lính già về quê cũng tìm ra được một cụ 99 thật, nằm rên trên giường, ăn uống ỉa đái tại chỗ, mắt mờ, tai nghễnh ngãng và lẫn trí nhớ. (Đoạn này quả thật là thâm thúy, nghĩ kỹ mà xem). 

Hỏi cụ có nhớ con Văn Hiệp (vai tên là gì tôi quên rồi) không. Cụ nghe mãi mới hiểu và bảo, ôi thằng ấy nó đi khỏi làng mấy chục năm, chết lâu rồi. Cụ nhầm sang người khác.

Đại loại câu chuyện thế, tôi xem, vừa cười, vừa chảy nước mắt, vì cảnh đời trớ trêu.

Vài dòng về vở hài và bi kịch này, tôi chỉ muốn nói, xin đừng mất công van Chủ tịch nước cấp danh hiệu gì nữa cho bác Văn Hiệp.

Được công chúng mến mộ, thế là người nghệ sỹ toại nguyện lắm rồi, suốt cả cuộc đời cô độc, nghèo túng, tiết kiệm từng đồng.

Hơn nữa, chỉ sợ ở dưới suối vàng, bác Văn Hiệp lại phải chạy giấy tờ để xin cái danh hiệu nghệ sỹ Nhân dân sẽ giống như vở kịch bác từng đóng. Chuyện trên sân khấu và chuyện ngoài đời đâu có khác nhau.

Hãy đãi ngộ họ khi còn sống khỏe

Tôi muốn chia sẻ một chuyện riêng. Đó là những năm 1980, "ông già" nhà này rất thích ra Hà Nội chơi với con trai. Mình nghèo mới ra công tác, ở cái phòng 6m2, chỉ có mấy cuốn sách, một cái giường cá nhân.

Nhưng cụ vẫn thích bởi chị hàng xóm có tivi Denon đen trắng. Cụ mê mẩn xem đủ loại chương trình, từ “Con kênh xanh xanh” (bắt đầu chương trình)  đến ”Trống đồng Ngọc Lũ” (kết thúc) mới về.  Cụ còn băn khoăn, tại sao người ta có thể chui vào đó mà nói và hát được. Xuống tầng 1 cũng thấy cô Kim Tiến, lên tầng 5 cũng thấy cô này. Lạ lắm.

Rồi ông bảo, khi nào con có tiền, nhớ mua cái tivi, mang về quê. Bố mời hàng xóm sang xem, rồi bố chui vào đó cho mọi người lác mắt.

Dễ đến chục năm sau, tôi đủ tiền mua tivi thì ở quê đi loạng quạnh, cụ bị cái xe bò lao vào. Ngã gẫy tay, hỏng một mắt và năm sau hỏng nốt mắt kia. Tai nặng chẳng nghe con cháu nói gì.

Ăn nên làm ra, anh trai mua tivi, con út có tivi. Con quí tử ở Hà Nội mời ra  chơi, mời xem tivi mầu hẳn hoi. Cụ bảo, tao chẳng nhìn thấy gì nữa, chẳng nghe được nữa, con ơi. Người già khóc nước mắt chạy vào trong.

Nếu có điều kiện và muốn biết ơn, hãy làm điều đó khi người ta đang sống vì họ còn hiểu và đánh giá được sự biết ơn.  Đừng để xảy ra chuyện, một lão 99 tuổi mất trí, mắt mù phải làm chứng cho ông lính què ở tuổi thất thập.

Khi mất đi rồi, mọi hối hận hay đền ơn đều vô nghĩa, dù tỏ tình yêu say đắm, dù khóc lóc, dù đám ma to, dù nhà thờ hoành tráng, dù mâm cao cỗ đầy, dù danh hiệu này kia… cũng chẳng bù đắp lại được.

Hiệu Minh

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang