Xin lộc may mắn đầu xuân 'biến tướng' thành 'cướp lộc' phản cảm

authorTrần Thanh 07:25 12/02/2017

(VietQ.vn) - Hình ảnh những người đi lễ lao vào nhau để tranh giành cướp lộc vô tình đã biến nét đẹp văn hóa của người Việt trở thành một thói quen xấu xí.

Theo ghi nhận của PV báo Dân trí, sáng 2-2 (tức mùng 6 Tết), lễ khai hội chùa Hương diễn ra tại chùa Thiên Trù thu hút hàng trăm tăng ni phật tử. Theo thông lệ, thầy trụ trì sẽ phát tặng lộc cho phật tử và du khách có mặt tại sân chùa ngay khi khai hội kết thúc.

Tuy nhiên, trái với việc đón nhận một cách văn minh, lịch sự, nhiều người bất chấp mọi thứ xung quanh chen lấn, xô đẩy, thậm chí giày xéo, giẫm đạp lên nhau chỉ với mong muốn nhận được lộc thầy chùa ban cho. Cảnh tượng nhốn nháo, lộn xộn được ví như hành động tranh "cướp lộc". Những hình ảnh tưởng chừng chỉ có ở những khu chợ búa nay diễn ra ngay tại các sân chùa.

Đó chỉ là một trong rất nhiều vụ "cướp lộc" điển hình diễn ra trong mùa lễ hội năm 2017 này. 

 Xin lộc lấy may đầu năm biến tướng thành tranh "cướp lộc"

 

Theo Giáo sư Nguyễn Văn Huy- Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn văn hóa thuộc Hội Di sản văn hóa Việt Nam chia sẻ với Chất lượng Việt Nam, trong số những tác động cơ bản tạo nên nhiều hành vi ứng xử thiếu văn hóa, lệch chuẩn ở lễ hội, đặc biệt là tình trạng nhốn nháo, tranh nhau cướp lộc ở chùa, có thể thấy rõ quá trình chuyển đổi sang cơ chế thị trường đã khiến cho người đi lễ hội chỉ chăm chăm đặt vấn đề lợi ích lên hàng đầu. Bảng giá trị truyền thống “Phúc - Lộc - Thọ” giờ cũng đảo lộn, cầu “Lộc” được đặt lên hàng đầu. Tâm lý đó khiến người ta bằng mọi giá phải giành giật cho được chữ “Lộc”, nảy sinh các hành vi tranh cướp vật thiêng ở nhiều lễ hội, điển hình như cướp hoa Tre ở Hội Gióng (Đền Sóc, Hà Nội), cướp phết ở Hiền Quan (Phú Thọ)...

“Ứng xử trong lễ hội chịu sự chi phối của cái thiêng và tâm lý đám đông. Đặc biệt, trong cuộc sống hiện đại ngày nay, chất thiêng trong lễ hội ngày càng nở rộ, một phần từ các “cơn bão” của mạng xã hội, truyền thông. Về bản chất, người đi dự hội đều mong mỏi được đáp ứng nhu cầu “cái thiêng”, hành động cầu thiêng cũng tồn tại từ ngàn xưa đến nay. Nhưng trước đây, lễ cầu thiêng thường diễn ra bình lặng chứ không cực đoan, biến tướng thành tranh cướp, nhốn nháo và thô thiển như bây giờ...”, GS Nguyễn Văn Huy nhận định thêm.

Đi lễ chùa chỉ để tâm thanh thản, để tự răn mình làm nhiều việc thiện hơn. Người đi lễ chùa đâu cần phô trương, tiêu tốn tiền bạc một cách lãng phí. Đôi khi chỉ là nhành hoa, trái cây, thẻ hương hay một chút tiền nhỏ công đức cho nhà chùa để duy tu, sửa chữa. Giữ gìn được nét đẹp văn hóa khi hành hương về cõi Phật đó mới là điều đáng quý, đáng trân trọng.

 
Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang