Xóa 'độc canh' tín dụng: Muốn nhanh phải từ từ

author 15:05 17/02/2018

(VietQ.vn) - Nếu tín dụng tiếp tục đà thăng tiến đồng nghĩa với việc rủi ro nợ xấu và nguy cơ bất ổn tăng.

Tăng trưởng tín dụng nên ở mức nào?

Năm 2017, ngành ngân hàng đã gặt hái không ít thành công, nhưng “vượt qua chính mình” sẽ là thách thức lớn trong năm 2018. Báo cáo tổng kết của NHNN “chốt hạ” mức tăng trưởng tín dụng năm 2017 của toàn ngành là 18,19%. Nhìn thì có vẻ đơn giản, nhưng năm 2017 là một năm đặc biệt đối với hành trình tăng trưởng tín dụng của ngành ngân hàng. Nói hành trình là bởi mặc dù NHNN đưa ra mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2017 là 18%, nhưng các chuyên gia cho rằng, với mục tiêu tăng trưởng GDP 6,7% thì tín dụng chỉ nên tăng khoảng 17% để tránh gây áp lực lên lạm phát. Tuy nhiên, do nền kinh tế kiểu như dựa hoàn toàn vào vốn đầu tư tín dụng cả ngắn, trung và dài hạn nên ngành ngân hàng lâu nay vẫn phải gánh trọng trách nặng nề: vừa hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, vừa đảm bảo kiểm soát tốt lạm phát…

GDP quý I/2017 chỉ tăng 5,1%, thấp hơn so với mức tăng 5,48 và 6,12% của cùng kỳ năm 2016 và 2015. Diễn biến này đã gây sức ép lớn lên ngành ngân hàng, mặc dù tốc độ cung tín dụng những tháng đầu năm đang tăng đột biến. Nếu như thời điểm 20/3/2017, Tổng cục Thống kê công bố, tín dụng trong quý I/2017 tăng 2,81% thì đến ngày 23/3/2017, theo công bố của NHNN, tín dụng tăng 3,14% so với cuối năm 2016 (cùng kỳ 2016 tăng 1,79%). Và đến ngày 30/3/2017, con số tăng trưởng tín dụng đã được NHNN cập nhật ở mức 4,03% so với đầu năm (mức tăng mạnh nhất của quý I kể từ 2011 đến nay). Chỉ trong 6 tháng đầu năm, nhiều tổ chức tín dụng không còn room để tăng tín dụng khiến NHNN phải chấp nhận cho điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng đã giao từ đầu năm.

Diễn biến đầy “kịch tính” này của tín dụng vẫn không thuyết phục được Chính phủ. Ngày 12/8, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì phiên họp Thường trực Chính phủ với một số bộ, ngành, tập đoàn, tổng công ty. Tại cuộc họp này Thủ tướng đề nghị: Thống đốc NHNN có kế hoạch, lộ trình để làm sao bảo đảm tăng trưởng tín dụng cả năm khoảng 21 - 22% được hay không? Chính phủ cho rằng, vốn tín dụng là kênh rất quan trọng cho phần tăng trưởng. Tính đến 15/8, tín dụng tăng trưởng đạt mức 9,68%; đến thời điểm 11/9/2017, tín dụng trong toàn nền kinh tế đã tăng trưởng 10,6%.

Ảnh minh họa 

Tháng 11/2017, mặc dù chịu rất nhiều sức ép và NHNN đang ráo riết trình Quốc hội thông qua Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật các Tổ chức dụng, nhưng khi trả lời chất vấn trước Quốc hội, Thống đốc Lê Minh Hưng - lần đầu tiên lên ghế nóng - vẫn bình tĩnh khẳng định: việc điều hành chính sách tiền tệ đảm bảo hỗ trợ sản xuất kinh doanh và tăng trưởng tín dụng hợp lý… NHNN xem xét, có thể cho phép tăng trưởng tín dụng cao hơn đối với lĩnh vực sản xuất kinh doanh, ưu tiên phục vụ cho tăng trưởng... Tháng 11/2017, NHNN có đợt điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng thứ hai cho một số ngân hàng, nâng tổng mức tăng trưởng tín dụng dự kiến lên 19% - cao hơn 1% so với kế hoạch đưa ra từ đầu năm. Nhưng Thống đốc Lê Minh Hưng tiếp tục khẳng định: không yêu cầu các ngân hàng tăng trưởng tín dụng bằng mọi giá... Cuối cùng, tổng dư nợ tín dụng năm 2017 đạt trên 6,5 triệu tỷ đồng, được Chính phủ đánh giá là góp phần quan trọng thúc đẩy GDP tăng 6,81%.

Tăng thu từ phi tín dụng: biết rồi, khổ lắm…

Với mục tiêu GDP năm nay tăng khoảng 6,7%, định hướng của NHNN là tăng trưởng tín dụng năm nay ở mức 17%, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế.

Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết, ngay trong tháng 1/2018, NHNN đã giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cụ thể cho từng ngân hàng. NHNN sẽ kiểm soát chặt chẽ tốc độ tăng và chất lượng tín dụng của toàn hệ thống cũng như từng tổ chức tín dụng. NHNN tiếp tục yêu cầu các ngân hàng phải chú trọng tập trung ưu tiên vào sản xuất, kinh doanh. “Các tổ chức tín dụng cần chuyển dịch dần cơ cấu tín dụng, hạn chế độc canh tín dụng, giảm dần thu từ tín dụng sang thu từ dịch vụ…”.

Thực tế, không cần NHNN yêu cầu, nhiều năm nay các ngân hàng vẫn cố gắng cơ cấu lại nguồn thu, nhất là những năm trước khi tín dụng gặp khó, tốc độ tăng trưởng tín dụng từ mức tăng trung bình trên 30% đột ngột giảm xuống 7% trong năm 2012. Khi đó các ngân hàng lao đao, tìm mọi cách tăng nguồn thu. Vụ việc ồn ào nhất là NHNN bật đèn xanh cho các ngân hàng thu phí giao dịch ATM nội mạng từ ngày 1/3/2013.

Cho đến nay, chưa khi nào khách hàng bớt phản ứng về các loại phí dịch vụ thẻ của ngân hàng. Có thể thấy, từ lâu các ngân hàng đã biết cần phải tăng nguồn thu phi tín dụng, dù không dễ dàng gì. Đã có năm thu từ phi tín dụng của BIDV đạt tỷ lệ 20%/ tổng nguồn thu; Vietcombank đạt 30% năm 2015; Vietinbank cũng có năm đạt 20%… Năm 2017, lãi thuần từ hoạt động dịch vụ của nhiều ngân hàng tăng 30%, đột biến như VPBank tăng đến 70%. Tỷ trọng thu từ tín dụng của các ngân hàng đang giảm dần, từ mức chiếm 80 - 90% tổng nguồn thu thì nay đã còn khoảng trên 70%. Nhưng tỷ lệ “vàng”, an toàn cho các ngân hàng phải là 50 - 55%. Biết thế, nhưng theo đuổi mục tiêu chuyển dịch cơ cấu nguồn thu không dễ gì khi mà thu từ tín dụng vẫn rất hấp dẫn.

Năm nay, NHNN càng lo hơn khi cầu vốn đầu tư không giảm, sức ép cung tín dụng không giảm. Không những thế, nguy cơ tín dụng đi vòng vào chứng khoán, bất động sản đã và đang rõ nét hơn. Năm 2017, dòng chảy tín dụng đã tiềm ẩn rủi ro. Thống kê của NHNN cho thấy, tín dụng cho chứng khoán, bất động sản chiếm dưới 10% tổng nguồn vốn. Nhưng con số đáng báo động là tín dụng tiêu dùng tăng đến 27%, chiếm 16,4% trong tổng cung tín dụng cho nền kinh tế. Tỷ lệ nợ xấu toàn hệ thống là 7,91%, trong đó nợ xấu cho vay tiêu dùng chiếm gần 10%. Nhưng theo thống kê của Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia thì tín dụng tiêu dùng đã tăng đến hơn 60%. Ai dám đảm bảo cho vay tiêu dùng không chảy vòng sang chứng khoán, bất động sản? Còn hơn thế, theo cơ quan này, hoạt động ngân hàng còn tiềm ẩn rủi ro lớn khi tín dụng trung và dài hạn chiếm đến 70-80%, tỷ lệ vốn ngắn hạn dùng cho vay trung và dài hạn chiếm khoảng 50%; tỷ lệ nợ xấu ngành ngân hàng năm 2017 là 9,5%.

Trọng trách cung ứng vốn, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế vẫn nặng gánh trên vai ngân hàng. Và với những nguy cơ hiện hữu trên, họ cũng phải đồng thời giải quyết các vấn đề nội tại.

Giám đốc quỹ tín dụng ‘ôm’ 50 tỷ bỏ trốn: Ngân hàng Nhà nước nói gì?(VietQ.vn) - Ngân hàng Nhà nước cho biết sẽ có biện pháp thu hồi nợ để trả tiền gửi cho người dân.

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang