Xoài, măng cụt, thanh long Trung Quốc gắn mác hoa quả Việt

author 21:36 02/07/2013

Thời điểm này là chính vụ của nhiều loại hoa quả: Xoài, măng cụt, thanh long... Điều đáng nói là trong khi trái cây nội bày bán đầy chợ thì nhiều loại trái cây Trung Quốc vẫn điềm nhiên đề “hàng trong nước”, còn chất lượng an toàn thực phẩm ít được quan tâm

Có mặt tại chợ Long Biên vào hơn 6 giờ sáng, lúc này chỉ còn vài xe chở hoa quả hoạt động. Chị Vân (gánh hàng thuê trong chợ Long Biên) cho biết, cứ 10 giờ đêm trở đi thì chợ tấp nập các loại xe tải chở hoa quả, khách buôn từ khắp nơi đến lấy hàng.

Những mặt hàng này chủ yếu là từ Trung Quốc, đựng trong thùng xốp, nặng từ 8 - 10kg/thùng. Trước khi đem bán cho người tiêu dùng, các chủ sạp đều “gắn mác” cho loại xoài, thanh long, măng cụt Trung Quốc này thành những loại hoa quả “đặc sản” Việt Nam, Australia, Thái mà người tiêu dùng không hề hay biết.


Xoài được bọc báo và chuyển sang thùng catton khác trước khi chuyển đi các tỉnh lẻ, các chợ trên địa bàn nội đô.

Trong vai một người buôn hoa quả, tôi tiếp cận với một chủ kiốt trong chợ, người này cho biết: Xoài loại to là 45.000 đồng/kg, măng cụt 50.000 đồng/kg; thanh long 35.000 - 40.000 đồng/kg...

Tại các quầy bán hoa quả ở chợ hoặc vỉa hè, người tiêu dùng thường bị hấp dẫn bởi những trái xoài, thanh long... to tròn, căng mịn. Khi được hỏi về xuất xứ của các loại hoa quả, một người bán hàng tại chợ Cầu Giấy cho hay: “Xoài là hàng của VN, loại vỏ xanh ăn giòn và ngọt là hàng Thái xịn, còn thanh long, măng cụt là hàng Việt, lấy từ trong Nam ra”.

Nói chung chủ hàng nào cũng đều phủ nhận “mùa này là chính vụ, xoài làm gì có hàng từ Trung Quốc”. Tuy nhiên, trong chợ lại đầy rẫy các thùng xốp ghi chữ Trung Quốc, in hình, dán mác các loại hoa quả vừa được giới thiệu là... hàng VN.

Ngay tại chợ Long Biên, phóng viên thấy các tiểu thương và người bọc hoa quả thuê sau khi lấy xoài ra khỏi thùng đều bọc bằng báo cẩn thận cho vào một thùng giấy khác và cuối cùng, không quên kèm theo gói thuốc chống thối nhét dưới đáy thùng và dán băng dính. Trước đó, người ta bóc hết nhãn mác Trung Quốc ghi trên các thùng xốp. Nhiều người dù để nguyên, nhưng khi về đến sạp thì bỏ thùng xốp. 

Theo Lao động

 
 

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang