Xu hướng tăng năng suất: Vấn đề tất yếu của nền kinh tế

author 15:43 05/01/2016

(VietQ.vn) - “Đằng sau thành tựu tăng trưởng ấn tượng của Việt Nam từ năm 1990 là những dấu hiệu đáng lo ngại”, báo cáo của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam đánh giá.

Sự kiện: Chuyên đề: NÂNG CAO NĂNG SUẤT CHẤT LƯỢNG

World Bank vừa công bố báo cáo kinh tế về tình hình kinh tế của Việt Nam cho tới năm 2035. Điều được tổ chức này tập trung nhấn mạnh là tình hình hụt hơi của năng suất lao động từ trước cho tới nay.

Dấu hiệu đáng lo ngại

Theo báo cáo này, đằng sau thành tựu tăng trưởng ấn tượng của Việt Nam từ năm 1990 là những dấu hiệu đáng lo ngại. Có hai điểm nổi bật khi so sánh những năm 90 với thời kỳ sau này (2000-2013). Thứ nhất, tăng trưởng GDP đã giảm 1 điểm phần trăm so với thập kỷ 1990. Sự giảm sút này một phần do môi trường xấu đi từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu trong những năm 2008-2009, một phần do sự sụt giảm về tăng năng suất lao động bắt đầu từ cuối những năm 1990. 

“Thực ra, đà sụt giảm tăng trưởng GDP đã được giảm bớt phần nào nhờ gia tăng lực lượng lao động trong giai đoạn sau năm 2000”, báo cáo phân tích.

Thứ hai, khi xem xét các thành phần đóng góp vào tăng trưởng năng suất lao động của hai giai đoạn cho thấy rất rõ, từ đầu những năm 2000, đóng góp của vốn lớn hơn và sự chuyển dịch cơ cấu ở quy mô lớn từ ngành nông nghiệp sang các ngành công nghiệp và dịch vụ.

Xu hướng tăng năng suất: Vấn đề tất yếu của nền kinh tếXu hướng tăng năng suất: Vấn đề tất yếu của nền kinh tế

Ngược lại, tăng trưởng năng suất nhân tố tổng hợp (TFP), nhân tố đóng góp chính cho tăng trưởng năng suất lao động trong những năm 1990, đã sụt giảm mạnh trong giai đoạn sau năm 2000 và tăng trưởng năng suất lao động đã giảm ở hầu hết các khu vực. Thực tế, năng suất lao động giảm trong các ngành khai khoáng, tiện ích công cộng, xây dựng, và tài chính, là những ngành mà doanh nghiệp nhà nước giữ vai trò chủ đạo. 

Đặc biệt, World Bank nhấn mạnh: Do theo đuổi nhiều mục tiêu, trong đó lợi nhuận không phải là ưu tiên, cùng với các ưu đãi méo mó nên các doanh nghiệp nhà nước hoạt động không hiệu quả. Năng suất tài sản công ty (bao gồm vốn và đất đai) và các biện pháp tăng năng suất lao động trong suốt những năm 2000 đều cho thấy tình trạng không hiệu quả.

Tuy đã thực hiện cổ phần hoá từ lâu (nhưng không đồng đều), sự hiện diện trong sản xuất cũng như mức độ chi phối của khu vực công đối với   thị trường nhân tố sản xuất vẫn còn rất lớn. Nhà nước vẫn nắm giữ đa số cổ phần của trên 3.000 doanh nghiệp và những doanh nghiệp này chiếm 1/3 GDP (năm 1990) và gần 40% tổng đầu tư cả nước. Khu vực nhà nước vẫn chiếm vị thế độc quyền (hoặc độc quyền nhóm) trong các ngành quan trọng như sản xuất phân bón, khai mỏ, dịch vụ thiết yếu, ngân hàng, xây dựng và nông nghiệp. Tuy nhiên, dưới sức ép ngày càng tăng về tái cơ cấu, khu vực này ít nhất cũng đã tìm cách duy trì năng suất lao động để không đi xuống hơn nữa.

Hoạt động của các doanh nghiệp tư nhân trong nước còn đáng quan ngại hơn. Hàng loạt các biện pháp cải cách đã được thực hiện nhằm thể chế hóa tạo thuận lợi cho doanh nghiệp tư nhân đã giúp kinh tế tư nhân tăng trưởng nhanh chóng  kể  từ  cuối  thập  kỷ  1980.

Theo con số đăng ký, hiện có trên 650.000 doanh nghiệp tư nhân, trong khi năm 1999 chỉ có 40.000 và năm 1990 không có doanh nghiệp nào. Nhưng khi con số doanh nghiệp tư nhân tăng lên thì năng suất của doanh nghiệp lại giảm xuống đến mức gần như không có khoảng cách giữa năng suất lao động và tài sản trong khu vực tư nhân trong nước và khu vực doanh nghiệp nhà nước. 

Vì đâu nên nỗi?

Đánh giá của Tổ chức Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cho rằng, những cải thiện ban đầu trong tăng trưởng năng suất trong thập kỷ 1990 phản ánh  sự  chuyển  đổi  của  Việt Nam sang kinh tế theo hướng thị trường và gỡ bỏ nhiều rào cản gắn với nền kinh tế kế hoạch tập trung (nhiều tầng kiểm soát giá cả, định mức sản xuất, hợp tác hóa nông nghiệp, những hạn chế về thương mại và đầu tư, cấm đoán doanh nghiệp tư nhân chính thức). Vào đầu những năm 1990, hầu hết các rào cản này đã bị xoá bỏ trong giai đoạn đầu Đổi mới và được thay thế bằng hệ thống thân thiện hơn với thị trường và khi vực kinh tế tư nhân lúc bấy giờ. Một cách tổng quát, các biện pháp đó đã tạo động lực mạnh mẽ cho tăng trưởng năng suất trong toàn bộ nền kinh tế.

Tuy nhiên, vào cuối những năm 1990, những thành quả trong năng suất trở nên cạn kiệt dần và những hạn chế cơ bản về chính sách và thể chế bắt đầu xuất hiện nhiều hơn. Đặc biệt, hai vấn đề méo mó trong cấu trúc kinh tế thị trường non trẻ của Việt Nam đã gây tổn hại nhất đối với tăng năng suất. Thứ nhất là sự thương mại hóa trong quản trị nhà nước. Thương mại hóa trong quản trị nhà nước đã dẫn đến một cách tiếp cận không đồng nhất và thiếu đồng bộ với các cải cách thị trường, dẫn đến hai vấn đề mất cân bằng. Trước hết, dù ủng hộ cơ chế thị trường trong phân bổ nguồn lực, cách tiếp cận giảm thiểu sự kiểm soát của nhà nước đối với sản xuất và công nhận sở hữu tư nhân đối với tư liệu sản xuất vẫn dè dặt và không rõ ràng.

Thứ hai, bản thân việc ủng hộ cơ chế thị trường cũng thiếu nhất quán. Một mặt, việc tự do hóa thị trường sản phẩm và hội nhập vào nền kinh tế toàn cầu theo các hiệp định thương mại quốc tế khác nhau đã đạt được những tiến bộ ấn tượng. Mặt khác, việc phát triển và tự do hóa các thị trường yếu tố sản xuất lại diễn ra một cách tùy tiện, thể hiện rõ nhất trong việc phân bổ đất đai và vốn rất kém hiệu quả. Các nhân tố này tác động tiêu cực đáng kể đối với hiệu quả hoạt động của các công ty tư nhân trong nước. 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang