Xử lý nghiêm sai phạm giả mạo dấu hợp quy CR

author 10:33 23/11/2013

(VietQ.vn) - Trao đổi với Chất lượng Việt Nam, ông Nguyễn Hoàng Linh, Vụ trưởng Vụ Đánh giá hợp chuẩn và hợp quy, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng cho biết, giả mạo, sử dụng trái phép dấu hợp quy.. cần phải được xử lý nghiêm.

Xử lý nghiêm sai phạm giả mạo dấu hợp quy CRTổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng phối hợp với cơ quan liên quan kiểm tra mũ bảo hiểm tại TP.HCM

Xin ông cho biết, làm thế nào để người tiêu dùng nhận biết và mua loại mũ bảo hiểm đúng qui định? 

Để mua mũ bảo hiểm phù hợp quy chuẩn, người dân cần lựa chọn mua mũ bảo hiểm tại các cửa hàng có uy tín, không mua mũ bảo hiểm được bày bán trên vỉa hè và khi mua mũ bảo hiểm cần kiểm tra xem xét những đặc điểm: Có cấu tạo đủ 3 bộ phận như vỏ mũ, đệm hấp thụ xung động bên trong vỏ mũ (đệm bảo vệ) và quai đeo; MBH đã được chứng nhận hợp quy, công bố hợp quy phù hợp quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 2:2008/BKHCN; được gắn dấu hợp quy CR, ghi nhãn hàng hóa theo quy định của pháp luật.

Các nội dung quy định nêu trên được quy định rất rõ tại Thông tư liên tịch 06 quy định về sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh MBH cho người đi mô tô, xe gắn máy.

Như vậy việc kiểm soát đối với các đơn vị sản xuất, kinh doanh loại mũ không phải mũ bảo hiểm được thực hiện như thế nào?

Như tôi đã nói, người dân nên lựa chọn mua và sử dụng mũ bảo hiểm phù hợp quy chuẩn theo hướng dẫn trên. Theo quy định của pháp luật chất lượng sản phẩm, hàng hóa thì chất lượng của mũ bảo hiểm là trách nhiệm của doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh và các cơ quan có liên quan. Hiện nay, việc sản xuất, kinh doanh mũ bảo hiểm đã có cơ chế kiểm soát khá chặt chẽ từ khâu đăng ký sản xuất đến việc kiểm tra chất lượng sản phẩm lưu thông trên thị trường. Bất cứ đơn vị nào sản xuất mũ bảo hiểm muốn đưa ra lưu thông trên thị trường đều phải thực hiện chứng nhận phù hợp quy chuẩn kỹ thuật quốc gia do Bộ KH&CN ban hành, công bố hợp quy và gắn dấu hợp quy (CR). Những đơn vị không được cấp giấy chứng nhận hợp quy mà tiến hành gắn dấu hợp quy (CR) đều bị xử lý nghiêm. Những đơn vị đã được cấp giấy chứng nhận hợp quy nhưng không duy trì sản xuất theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia ngoài việc bị xử phạt hành chính, đơn vị này sẽ bị tạm đình chỉ hoặc thu hồi giấy chứng nhận hợp quy đã cấp.

Theo quy định tại Thông tư liên tịch 06, trách nhiệm của doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu là phải gửi bản sao các tài liệu liên quan đến chất lượng mũ bảo hiểm (giấy chứng nhận hợp quy hoặc thông báo kết quả kiểm tra nhà nước về chất lượng hàng hóa nhập khẩu; tài liệu kỹ thuật, hướng dẫn sử dụng) và thông báo bằng văn bản và gửi cho Ủy ban nhân dân cấp xã, Chi cục Quản lý thị trường và Sở Khoa học và Công nghệ tại địa phương nơi doanh nghiệp sản xuất mũ bảo hiểm đăng ký kinh doanh bản sao (sao y bản chính) các tài liệu liên quan đến chất lượng mũ bảo hiểm cho doanh nghiệp kinh doanh mũ bảo hiểm; doanh nghiệp kinh doanh mũ bảo hiểm có trách nhiệm Thông báo bằng văn bản và gửi cho Ủy ban nhân dân phường, xã nơi doanh nghiệp đăng ký kinh doanh các tài liệu liên quan đến chất lượng mũ bảo hiểm và ký hợp đồng mua bán mũ bảo hiểm với tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu mũ bảo hiểm. 

Do đó, để đảm bảo tính mạng của mình khi tham gia giao thông, như tôi đã nói ở trên, người dân nên mua mũ bảo hiểm tại các cửa hàng có uy tín, có đăng ký kinh doanh, đã được chứng nhận hợp quy và khi mũ bảo hiểm người dân có thể yêu cầu người bán hàng xuất trình các tài liệu này, đồng thời tẩy chay không mua những loại mũ không đạt quy chuẩn, mũ giả mạo mũ bảo hiểm để đội khi tham gia giao thông.

Xử lý nghiêm sai phạm giả mạo dấu hợp quy CRGiả mạo, sử dụng trái phép dấu hợp quy sẽ bị xử lý nghiêm

Hiện nay việc sản xuất mũ bảo hiểm phải được các tổ chức chứng nhận được chỉ định đánh giá, cấp giấy chứng nhận hợp quy và giám sát sau khi được chứng nhận hợp quy. Tuy nhiên nhiều ý kiến cho rằng việc chứng nhận hợp quy cũng như giám sát hoạt động của một số tổ chức chứng nhận được thực hiện lỏng lẻo, có dấu hiệu sai phạm. Việc xử lý những tổ chức chứng nhận này thực hiện như thế nào?

 Để tăng cường công tác quản lý chất lượng mũ bảo hiểm, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (TCĐLCL) đã phố hợp với Cục Quản lý Thị trường, Chi cục TCĐLCL tỉnh, thành phố và Ủy ban An toàn giao thông quốc gia thực hiện kiểm tra các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh mũ bảo hiểm trên toàn quốc và nhận thấy hiện nay các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh MBH chưa thực hiện trách nhiệm của mình theo các quy định tại Thông tư liên tịch 06.

Ngoài việc sản xuất các mũ bảo hiểm đạt quy chuẩn, được cấp phép nhưng do sức ép của thị trường và lợi nhuận, doanh nghiệp cũng sản xuất thêm những loại mũ bảo hiểm không phù hợp quy chuẩn để kiếm lời. Bên cạnh đó, có một số cơ sở nhỏ lẻ, không có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh đã sản xuất mũ bảo hiểm (có đủ 3 bộ phận) và làm giả chứng nhận hợp quy kèm theo để đưa ra tiêu thụ trên thị trường.

Một số doanh nghiệp đã nhập lậu từ biên giới các loại mũ có đủ 3 bộ phận và làm giả chứng nhận hợp quy để đưa ra tiêu thụ trên thị trường. 

Vẫn còn hiện tượng các tổ chức, cá nhân bày bán tràn lan mũ bảo hiểm trên vỉa hè (các tổ chức, cá nhân này không có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, không có hồ sơ chất lượng mũ bảo hiểm...). 

Đồng thời, Tổng cục TCĐLCL cũng đã thực hiện kiểm tra hoạt động chứng nhận hợp quy mũ bảo hiểm của các tổ chức chứng nhận được chỉ định. 

Qua hoạt động thanh tra, kiểm tra đã thực hiện thu hồi, xử lý đối với các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, đồng thời cũng phát hiện cụ thể các hành vi vi phạm liên quan tới hoạt động chứng nhận hợp quy mũ bảo hiểm. Tổng cục TCĐLCL đã yêu cầu các tổ chức chứng nhận được chỉ định nghiêm túc khắc phục các vấn đề tồn tại phát hiện qua đợt thanh tra, kiểm tra. Yêu cầu một số tổ chức phải tiến hành tổ chức kiểm điểm các cá nhân có liên quan, rút kinh nghiệm đối với hoạt động chứng nhận hợp quy MBH, báo cáo tình hình thực hiện về Tổng cục trước ngày 25/11/2013. Đồng thời, Tổng cục đã ban hành quyết định xử phạt hành chính đối với Văn phòng Chứng nhận Chất lượng (BQC) và Bộ KH&CN đã có văn bản hủy bỏ quyết định chỉ định chứng nhận hợp quy MBH đối với Văn phòng Chứng nhận chất lượng (BQC).

Về nguyên tắc, sau khi BQC đã bị hủy bỏ quyết định chỉ định chứng nhận hợp quy, BQC không được cấp mới Giấy chứng nhận hợp quy mũ bảo hiểm cho doanh nghiệp. Để tránh xáo trộn sản xuất của doanh nghiệp đã được BQC chứng nhận hợp quy, có chất lượng mũ bảo hiểm ổn định trong đợt thanh tra, kiểm tra thì doanh nghiệp vẫn được tiếp tục sản xuất. Tuy nhiên, về lâu dài, để đảm bảo chất lượng mũ bảo hiểm phù hợp quy chuẩn, doanh nghiệp cần tiếp cận với các tổ chức chứng nhận được chỉ định khác được đăng tải trên website của Tổng cục TCĐLCL.

Việc đưa mũ bảo hiểm vào danh mục kinh doanh có điều kiện được thực hiện tới đâu, thưa ông?

Về vấn đề này, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc – Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia trng đó đề nghị đưa việc sản xuất, kinh doanh mũ bảo hiểm vào diện sản xuất, kinh doanh có điều kiện.

Để triển khai ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Bộ Khoa học và Công nghệ đã phối hợp với Bộ Công Thương kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xây dựng vản bản quy định về điều kiện kinh doanh mũ bảo hiểm. Hiện nay, để quản lý chất lượng mũ bảo hiểm có hiệu quả, cần triển khai tốt các quy định tại Thông tư liên tịch 06, trong đó cần có sự tham gia vào cuộc của chính quyền địa phương, công an phường, xã.

Xin cảm ơn ông!

Nghị định 80/2013/NĐ-CP Quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng sản phẩm, hàng hóa quy định phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với  hành vi giả mạo dấu hợp chuẩn, dấu hợp quy hoặc chứng nhận hợp chuẩn hoặc chứng nhận hợp quy, công bố hợp chuẩn, công bố hợp quy để ghi, gắn lên sản phẩm, hàng hóa hoặc các tài liệu kèm theo. 


Thanh Uyên (thực hiện)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang