Xử lý nghiêm vụ người phụ nữ bạo hành bé trai 2 tuổi ở Đắk Nông

authorHuyền Bùi 15:50 29/12/2017

(VietQ.vn) - Liên quan đến vụ bạo hành trẻ em nghiêm trọng xảy ra tại một nhà trẻ ở xã Kiến Thành, huyện Đắk R'Lấp, Đắk Nông, UBND tỉnh Đắk Nông đã chỉ đạo xử lý nghiêm người phụ nữ có hành vi đánh đập dã man một bé trai 2 tuổi.

UBND tỉnh Đắk Nông chỉ đạo xử lý nghiêm vụ hành hạ trẻ em

Theo Người Lao động, sáng 29/12, bà Tôn Thị Ngọc Hạnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông, đã ký công văn số 7419 về việc xử lý thông tin báo chí nêu về vụ bạo hành bé 2 tuổi ở xã Kiến Thành (huyện Đắk R’lấp), gửi Sở Giáo dục và Đào tạo cùng UBND các huyện, thị xã.

Nội dung công văn yêu cầu UBND huyện Đắk R’lấp chỉ đạo kiểm tra, xử lý thông tin báo chí nêu, trường hợp nếu đúng báo chí phản ánh thì phải xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật; báo cáo kết quả về UBND tỉnh trước ngày 5/1/2018.

xu-ly-nghiem-vu-nguoi-phu-nu-bao-hanh-be-trai-2-tuoi-o-dak-nong
 Cơ quan công an kiểm tra thương tích của cháu Đ. Ảnh: B.N

Đồng thời, yêu cầu Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với UBND các huyện, thị xã tổ chức tổng kiểm tra, rà soát các cơ sở giáo dục mầm non, đặc biệt là các nhóm trẻ trên địa bàn tỉnh để kịp thời chấn chỉnh công tác chăm sóc trẻ theo đúng quy định và xử lý nghiêm những trường hợp sai phạm. Xây dựng kế hoạch mở các lớp bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ giáo dục mầm non cho chủ các nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập tư thục, đáp ứng nhu cầu nuôi dạy trẻ trên địa bàn.

Ngoài ra, UBND các huyện, thị xã chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn phối hợp với Phòng Giáo dục - Đào tạo tăng cường công tác kiểm tra, hướng dẫn thủ tục và cấp phép hoạt động cho các nhóm trẻ gia đình, lớp mẫu giáo độc lập tư thục đủ điều kiện theo quy định.

xu-ly-nghiem-vu-nguoi-phu-nu-bao-hanh-be-trai-2-tuoi-o-dak-nong
 Khám nghiệm khu vực bà Vấn hành hạ cháu bé. Ảnh: B.N

Thông tin Sở Giáo dục - Đào tạo tỉnh Đắk Nông, hiện trên địa bàn tỉnh có 254 cơ sở giáo dục mầm non công lập và ngoài công lập. Trong đó, giáo dục mầm non công lập có 94 cơ sở; ngoài công lập 168 cơ sở. Trong số cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập có đến 85 cơ sở chưa có giấy phép hoạt động, chiếm 50,6%.

Trước đó như Báo Người Lao Động đã phản ánh, tối 26-12, một tài khoản Facebook đã đăng tải 1 đoạn clip dài hơn 3 phút ghi lại cảnh bà P. T. V ( ngụ huyện Đắk R’lấp) chủ cơ sở giữ trẻ đang tắm rửa cho cháu Đ. Đ. M. Đ. (2 tuổi). Bà V. đã dùng các vật cứng thọc mạnh vào bộ phận sinh dục của cháu bé, rồi liên tục nắm áo nhấc bổng, dùng tay đập mạnh lên đầu khiến cháu bé đau đớn, gào khóc. Sau đó, cơ quan công an đã mời bà V. lên làm việc và đình chỉ hoạt động cơ sở giữ trẻ không phép này.

Vụ bé trai 10 tuổi bị bố đẻ và mẹ kế bạo hành: Vì sao mẹ đẻ không hề biết?(VietQ.vn) - Nhiều người đặt ra câu hỏi vì sao mẹ đẻ của cháu bé lại không biết con mình bị bạo hành suốt 2 năm trời?

Tội bạo hành trẻ em bị xử lý như thế nào?

Căn cứ theo Luật Trẻ em 2016, tại khoản 6, Điều 4 đã quy định rõ: Bạo lực trẻ em là hành vi hành hạ, ngược đãi, đánh đập; xâm hại thân thể, sức khỏe; lăng mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm; cô lập, xua đuổi và các hành vi cố ý khác gây tổn hại về thể chất, tinh thần của trẻ em.

Nếu một người có hành vi vi phạm khoản 6, Điều 4 Luật Trẻ em thì có thể sẽ phạm tội "Hành hạ người khác" được quy định tại Điều 110 Bộ Luật hình sự năm 1999 sửa đổi bổ sung năm 2009.

Cụ thể, tội "Hành hạ người khác" được xác định là người có những hành vi đối xử tàn ác đối với người lệ thuộc mình như đánh đập và những hành động bạo lực khác một cách có hệ thống, được lặp đi lặp lại nhiều lần có thể vài ngày, vài tuần… Trong trường hợp đối xử tàn bạo với người già, trẻ em, phụ nữ có thai hoặc người tàn tật sẽ áp dụng khung hình phạt tù từ 1 - 3 năm.

Trần Minh (t/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang