Xử lý nợ xấu: "Tay không bắt giặc", Việt Nam quá thông minh!

author 09:32 10/09/2014

(VietQ.vn) - Xử lý nợ xấu theo kiểu "tay không bắt giặc", chuyên gia nước ngoài ngạc nhiên thốt lên: Việt Nam quá thông minh!?

Tối 9/9, Viện nghiên cứu lập pháp (Ủy ban Thường vụ Quốc hội) tổ chức Tọa đàm Tái cấu trúc hệ thống ngân hàng và xử lý nợ xấu.

Tại đây, các chuyên gia kinh tế bày tỏ xử lý nợ xấu không thể giải quyết trong một sớm một chiều tuy nhiên nếu càng kéo dài thì khó khăn càng tăng lên và sẽ là trở lực chính đối với quá trình phục hồi tăng trưởng của nền kinh tế, đe dọa sự tái bất ổn của hệ thống ngân hàng thương mại.

Tuy nhiên, giải quyết nợ xấu không còn là vấn đề riêng của hệ thống ngân hàng mà là vấn đề cần sớm được giải quyết của bài toán kinh tế vĩ mô, liên quan tới chính sách về thị trường, đến cả hệ thống pháp luật kinh tế và dân sự, cải cách hành chính…

Xử lý nợ xấu không còn là vấn đề riêng của hệ thống ngân hàng

Nói về tình hình kinh tế, TS Võ Trí Thành, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương nhận định trong những năm qua, Việt Nam đang đặt ra mục tiêu: Tái cấu trúc ổn định kinh tế vĩ mô ,trước hết là tái cấu trúc hệ thống ngân hàng để thị trường tài chính ổn định; phục hồi kinh tế. 

“Rõ ràng gánh nặng chính sách kinh tế vĩ mô lại đặt lên chính sách tiền tệ,....Bất kỳ chương trình nào gắn với dòng vốn lại đặt lên vai ngân hàng. Chính sách tiền tệ đang phải chạy theo ăn đong cho nền kinh tế. Điều này sẽ dẫn tới nguy cơ méo mó phân bổ nguồn lực và nhiều hệ lụy rủi ro trong tương lai..”, ông Thành nói

Tương tự, trong vấn đề  xử lý nợ xấu, không thể cứ trông chờ nỗ lực riêng của ngân hàng bởi kinh nghiệm cho thấy xử lý nợ xấu càng chậm, chi phí  trực tiếp và gián tiếp tái cấu trúc ngân hàng càng lớn.

Đi vào phân tích năng lực Công ty quản lý các tổ chức tín dụng (VAMC) hiện nay,  ông Võ Trí Thành nhận định: Bài học quốc tế khẳng định cơ quan xử lý nợ xâu phải là một “chàng trai dũng mãnh” có  đủ năng lực, nguồn lực, quyền lực và pháp lực.

“ Về năng lực chỉ có mấy chục người. Riêng về nguồn lực tài chính thì càng phải bàn khi số vốn trong tay của VAMC quá yếu. Nợ tới mấy trăm ngàn tỷ mà trong tay lại chỉ có 500 tỷ. Với tiềm lực như vậy,  khi đánh giá cách xử lý nợ xấu của chúng ta, các chuyên gia nước ngoài  phải thốt lên:Việt Nam quá thông minh”

Từ đây, vị chuyên gia khẳng định cần phải tăng nguồn lực cho VAMC, phải tạo điều kiện cho cơ quan này có đủ quyền lực và pháp lực để bán được nợ xấu quay vòng vốn đầu tư.

Đồng tình với quan điểm trên, TS Trần Du Lịch, hiện nay Việt Nam đang xử lý nợ xấu theo kiểu tay không bắt giặc, tự thân vận động là chính.

“Mặc dù tỷ lệ nợ xấu hiện nay là hơn 4,7% nhưng lại là vấn đề không hề đơn giản, bởi đó là điểm nghẽn của các tổ chức tín dụng và là nguy cơ gây bất ổn thanh khoản của hệ thống ngân hàng. Do đó, cần phải có các giải pháp đồng bộ để giải quyết dứt điểm nợ xấu trong thời gian sớm nhất, chứ không thể để dây dưa mãi được”, vị chuyên gia bày tỏ.

Theo ông Lịch, một tổ chức mua bán nợ như VAMC không thể chỉ dựa vào cơ chế, mà trước hết phải có năng lực tài chính khả dĩ để mua bán nợ. Vì vậy, cần phải có một dòng vốn nằm ngoài hệ thống nhân hàng tạm thời bơm vào hệ thống để xử lý nợ.

“Việt Nam muốn giải quyết được vấn đề nợ xấu nhưng không muốn mất tiền, không muốn chịu phí tổn nào cả. Tất cả các nước đều phải bơm tiền vào để xử lý nợ xấu, Mỹ cũng làm như vậy, nhưng chúng ta lại không muốn" - ông Lịch khẳng định.

Theo đó, để có được nguồn vốn mua bán nợ theo cơ chế thị rường, VAMC cần được tăng vốn điều lệ, sử dụng tiền vay nước ngoài của Chính phủ, Ngân hàng nhà nước phát hành tín phiếu….

Ngoài ra, VAMC cũng cần phải được tiếp sức từ cơ chế phối hợp liên ngành thông qua việc hoàn thiện khung pháp lý liên quan.

“Các khoản nợ xấu hiện nay chủ yếu là tài sản đảm bảo bằng bất động sản. Trong khi đó, thanh khoản trên thị trường bất động sản rất thấp, không luận chuyển được nên VAMC, ngân hàng không có dòng tiền xử lý nợ. Bên cạnh đó, VAMC cũng khó bán được tài sản đảm bảo bằng bất động sản vì còn vướng mắc nhiều thủ tục nhiêu khê khác.”, TS Trần Du Lịch phân tích.

Kể từ khi được thành lập và chính thức tham gia hoạt động mua bán nợ xấu từ tháng 10-2013, VAMC đã mua gần 59.000 tỉ đồng nợ xấu, tuy nhiên công ty này chỉ mới xử lý được 300 tỉ đồng trong số nợ xấu đã mua này.

Hoàng Vũ

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang