"Xử lý vừa đảm bảo tính răn đe, vừa đảm bảo tính giáo dục"

author 22:10 28/09/2013

Ông Trần Minh Dũng - Chánh thanh tra Bộ KH&CN đã khẳng định như vậy sau đợt thanh tra chuyên đề diện rộng trên toàn quốc về đồ chơi trẻ em.

xử lý vừa đảm bảo răn đe vừa có tính giáo dục

Ông Trần Minh Dũng- Chánh Thanh tra Bộ KH&CN

Thưa ông, được biết đây là lần đầu tiên một đợt thanh tra về chất lượng đồ chơi được tổ chức trên quy mô toàn quốc, ông có thể cho biết kết quả sau một tháng thanh tra?

Vừa qua, Bộ KH&CN đã có văn bản đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo tiến hành cuộc thanh tra này và triển khai tập trung vào tháng 8 và 9. Đến ngày 10/9, chúng tôi tổng hợp sơ bộ có 31/63 sở gửi báo cáo nhanh về, đã thanh tra được 464 cơ sở và đã phát hiện ra 150 cơ sở vi phạm, bằng khoảng 32% cơ sở vi phạm. Tỷ lệ vi phạm này còn ở mức cao. Các hành vi dễ phát hiện đã được xử lý ngay là sai phạm liên quan đến nhãn hàng hóa (131 cơ sở, chiếm 87% tổng số sai phạm) và sai phạm về quy định gắn dấu hợp quy (CR) với 25 cơ sở, chiếm 16,7% cơ sở vi phạm.

Theo ông, mức độ tuân thủ pháp luật của các nhà sản xuất, kinh doanh đồ chơi trẻ em hiện nay như thế nào? Chế tài xử lý đã phù hợp hay chưa?

Như tôi đã nói ở trên, tỷ lệ vi phạm 32% như vậy là vẫn cao, đó là chưa kể một số trường hợp mà chúng tôi đang chờ kết quả kiểm nghiệm trước khi xem xét, xử lý. Nói như thế để thấy rằng, tình hình vi phạm pháp luật trong lĩnh vực này vẫn có diễn biến phức tạp, cần phải quan tâm. Đặc biệt, do thói quen kinh doanh của người Việt Nam là nhỏ lẻ, đồ chơi không chỉ tập trung ở một cửa hàng chuyên biệt mà nằm rải rác tại các cửa hàng tạp hóa, hàng xén, cửa hàng văn phòng phẩm… Điều đó cũng gây thêm khó khăn cho cơ quan quản lý trong việc thanh tra, kiểm tra và xử phạt.

Hiện chưa tới thời hạn áp dụng quy định mới, việc xử lý vi phạm vẫn theo Nghị định 54/2009/NĐ-CP (Quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng sản phẩm, hàng hóa). Hạn chế của nghị định này là khi có hành vi đưa vào lưu thông sản phẩm chưa hợp quy thì kể cả cơ sở lớn hay nhỏ đều có thể bị xử phạt theo mức từ 10 đến 15 triệu. Đối với các cơ sở nhỏ thì đây là khoản tiền khá lớn, nhưng với cơ sở lớn thì con số này chẳng thấm vào đâu!

Chế tài mới phù hợp và công bằng hơn, cơ sở nào vi phạm nhiều thì bị xử lý nhiều. Ví dụ hàng hóa của một cơ sở vi phạm đến 200 triệu đồng thì phải chịu phạt từ 80-100 triệu đồng. Còn nếu hàng hóa dưới 5 triệu bị phạt từ cảnh cáo từ 100- 400 ngàn đồng, tức là thấp nhất cho người buôn thúng, bán mẹt vẫn có thể xử lý được. Việc xử lý vừa đảm bảo tính răn đe, vừa đảm bảo tính giáo dục.

Nghị định mới (Nghị định 80) được áp dụng từ ngày 15/9 sẽ giải quyết được nhiều bất cập trong việc xử phạt, sẽ áp dụng mức phạt tối đa tương đối cao, đủ để răn đe.

Vấn nạn đồ chơi không an toàn, kém chất lượng không phải mới xuất hiện. Để kiểm soát chặt và tiến tới loại bỏ hoàn toàn loại đồ chơi này, Bộ KH&CN đã và đang có những biện pháp nào?

Thực ra hoạt động thanh tra cũng đang là một giải pháp, qua cuộc thanh tra nâng cao nhận thức người sản xuất kinh doanh lĩnh vực này. Đồng thời, tăng cường sự phối hợp liên ngành, tạo sức mạnh liên ngành.

Tuy nhiên, 5 năm nay đặc thù của Việt Nam là ít cơ sở sản xuất đồ chơi trẻ em, chủ yếu là nhập khẩu, mà nhập khẩu theo đường chính ngạch cũng như là tiểu ngạch (có thể còn nhập lậu). Do điều kiện như vậy việc kiểm soát từ gốc phải triệt để, tức là từng cơ sở sản xuất cũng như từng lô hàng nhập về đều được kiểm soát chất lượng chặt chẽ thông qua tổ chức được chỉ định để chứng nhận hợp quy. Khi chứng nhận hợp quy rồi sản phẩm mới được phép lưu thông thị trường. Còn nếu sản phẩm không đạt yêu cầu thì phải tái xuất, tái chế, tiêu hủy tùy theo mức độ vi phạm.

Theo Công Thương

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang