Xử lý xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ: Cần sự vào cuộc của các doanh nghiệp

author 06:23 13/01/2021

(VietQ.vn) - Việc xử lý tội phạm xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ gặp nhiều bất cập, trong đó có trách nhiệm phối hợp của doanh nghiệp với lực lượng chức năng trong xử lý vi phạm chưa chặt chẽ nên công tác đấu tranh phòng chống hàng giả, hàng nhái còn hạn chế, số lượng các vụ bị khởi tố còn ít.

Hiện nay, tình trạng hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ xuất hiện ở khắp nơi và có mặt ở nhiều phân khúc của thị trường, từ các cửa hàng tạp hóa vùng sâu, vùng xa, đến các đô thị, thậm chí len lỏi, trà trộn vào cả trung tâm thương mại sầm uất, siêu thị cao cấp. Hầu hết thương hiệu uy tín, được người tiêu dùng ưa chuộng đều có nguy cơ bị làm giả, làm nhái, với nhiều hình thức tinh vi.

Nhiều vụ việc xử lý hàng giả, hàng nhái kéo dài, không xử lý được, gây khó khăn, tốn kém cho lực lượng chức năng chủ yếu vướng ở việc giám định đâu là hàng thật, hàng giả. Ảnh minh họa. 

Thế nhưng, một thực tế đang gây khó khăn cho lực lượng chức năng khi xử lý hàng giả, hàng nhái đó là nhiều doanh nghiệp chưa quan tâm giám sát thị trường để phát hiện và ngăn ngừa việc làm giả sản phẩm của mình. Thậm chí, còn không phối hợp với các cơ quan chức năng trong việc kiểm tra, kiểm soát hàng giả, hàng nhái.

 
“Tổng cục trưởng QLTT Trần Hữu Linh cho biết, đấu tranh với nạn hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ là công cuộc gian nan, vất vả và đây là công việc không chỉ của riêng một tổ chức hay cá nhân mà cần sự chung tay của toàn xã hội”.
 

Theo ông Đỗ Hoài Nam, Đội trưởng Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 1, Cục QLTT tỉnh Lào Cai, một số hãng thương hiệu lớn phối hợp rất tốt với lực lượng QLTT tập huấn, hướng dẫn lực lượng chức năng phân biệt, phát hiện hàng giả, hàng nhái. Tuy nhiên, vẫn còn một số hãng chưa phối hợp nên quá trình xử lý gặp rất nhiều khó khăn.

Hiện việc xử lý tội phạm xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ gặp nhiều bất cập vì thường chỉ xử lý được bằng biện pháp dân sự hoặc xử phạt hành chính. Có nhiều nguyên nhân, nhưng trong đó có trách nhiệm phối hợp của doanh nghiệp với lực lượng chức năng trong xử lý vi phạm chưa chặt chẽ nên công tác đấu tranh phòng chống hàng giả, hàng nhái còn hạn chế, số lượng các vụ bị khởi tố còn ít. Nhiều vụ việc xử lý hàng giả, hàng nhái kéo dài, không xử lý được, gây khó khăn, tốn kém cho lực lượng chức năng chủ yếu vướng ở việc giám định đâu là hàng thật, hàng giả.

Đại diện QLTT Lào Cai kiến nghị: Về góc độ QLTT cũng mong muốn có văn bản pháp luật ràng buộc với chủ thể quyền, doanh nghiệp. Khi chúng tôi có văn bản thì phải có sự hợp tác vì trong quá trình đi làm nhiều doanh nghiệp vẫn chưa hợp tác. Khí có văn bản quy định sẽ giúp QLTT khi thực thi công vụ. Nếu doanh nghiệp phối hợp với lực lượng chức năng xác định rõ vi phạm sở hữu trí tuệ thì xử lý rất nhanh.

Nghị định 98/2020/NĐ-CP được ban hành mới đây về xử phạt việc sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm, hàng xách tay và bảo vệ người tiêu dùng, chế tài xử phạt tăng gấp 5 lần so với trước, đặc biệt mức phạt được áp dụng trên giá trị với hàng thật. Nghị định này đã mạnh tay hơn đối với những đối tượng sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng nhái. Tuy nhiên, để xác định hàng giả, hàng nhái nhanh chóng, chính xác, hỗ trợ tốt cho lực lượng chức năng đang rất cần một văn bản quy định trách nhiệm chủ thể quyền, doanh nghiệp trong việc phối hợp với lực lượng chức năng khi thực thi công vụ...

Giải pháp triển khai Chiến lược Sở hữu trí tuệ đến năm 2030 (VietQ.vn) - Nhằm triển khai thực hiện Chiến lược Sở hữu trí tuệ đến năm 2030, Bộ KH&CN đề ra các nhiệm vụ và yêu cầu cụ thể như hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật để thúc đẩy hoạt động tạo ra, xác lập, khai thác và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ.

Mai Phương

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang