Xử nghiêm doanh nghiệp làm giả dấu hợp quy

author 13:20 03/09/2013

(VietQ.vn) - Xung quanh vấn đề kiểm soát chất lượng mũ bảo hiểm, chúng tôi có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Hoàng Linh, Vụ trưởng vụ Đánh giá hợp chuẩn và hợp quy, Tổng cục TCĐLCL.

Ông Nguyễn Hoàng Linh - Vụ trưởng Vụ Đánh giá hợp chuẩn và hợp quy ( Tổng cục TCĐLCL)

Thời gian gần đây trên thị trường lại rộ lên thông tin các loại mũ bảo hiểm bày bán tràn lan ngoài thị trường sau khi các cơ quan chức năng “sờ gáy” các cơ sở sản xuất mũ bảo hiểm dởm. Ông đánh giá như thế nào về hiện tượng này?

Hiện nay, trên thị trường mũ bảo hiểm (MBH) đang tồn tại có 3 loại mũ: loại thứ nhất là MBH hợp quy đạt chất lượng, loại thứ 2 là MBH kém chất lượng (không phù hợp quy chuẩn) và loại thứ 3 là mũ hoàn toàn giả mạo. Ngay trong quá trình xây dựng dự thảo Thông tư liên tịch, các nhà sản xuất, kinh doanh MBH cũng đã nắm được định hướng của nhà nước về việc quản lý MBH trong thời gian tới.

Do đó, các MBH giả mạo do một số nhà sản xuất MBH giả mạo cũng đã giảm, tình trạng mũ có 02 lớp không còn được bán tràn lan trên vỉa hè như thời gian trước. Có những bước chuyển nhất định, người dân có nhận thức nhiều hơn về mũ bảo hiểm (chất lượng, kém chất lượng, giả mạo). Qua khảo sát sơ bộ trên một số tuyến đường của Thành phố HCM, chúng tôi nhận thấy đa số người tham gia giao thông không còn sử dụng Mũ giả mạo MBH như Mũ thời trang, mũ 2 bộ phận như trước đây nữa.

Các cơ quan ban ngành trước đây chủ yếu có Quản lý thị trường (QLTT), thanh tra  Khoa học công nghệ (KHCN) chủ công kiểm soát thị trường tuy nhiên thiếu hành lang pháp lý để xử lý. Sau khi có thông tư này, các loại mũ giả mạo mũ bảo hiểm (mũ không đủ 3 bộ phận) đã có đủ căn cứ pháp lý xử lý. Rõ ràng tình hình sản xuất, kinh doanh loại mũ này đã giảm rất nhiều do thông tư đã qui định rất rõ các loại mũ có kiểu dáng giống mũ bảo hiểm cũng phải được chứng nhận hợp quy.

Đây là những hiệu ứng tích cực của Thông tư liên tịch 06. Thông tư cũng quy định trách nhiệm của chính quyền địa phương (cấp xã, phường) trong việc kiểm tra việc thực hiện các quy định về quản lý chất lượng MBH của các cơ sở sản xuất, cửa hàng kinh doanh đóng trên địa bàn; Xử lý các loại mũ có kiểu dáng giống mũ bảo hiểm và mũ bảo hiểm kém chất lượng, giả mạo.

Tuy nhiên, hiện nay tại cấp xã, phường, Thông tư này chưa được triển khai quyết liệt ở một số địa phương nên vẫn còn hiện tượng các tổ chức, cá nhân bày bán tràn lan MBH trên vỉa hè (các tổ chức, cá nhân này không có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, không có hồ sơ chất lượng MBH...), đồng thời gần đây xuất hiện trở lại hiện tượng bày bán mũ 02 bộ phận, không đáp ứng yêu cầu của quy chuẩn và Thông tư liên tịch số 06.

Có tình trạng mũ bảo hiểm kém chất lượng song vẫn gắn dấu CR để tạo lòng tin người tiêu dùng. Ông có thể nói rõ hơn về việc chứng nhận hợp quy cho mũ bảo hiểm được thực hiện theo quy trình và kiểm soát như thế nào?

Thứ nhất, việc doanh nghiệp gắn dấu hợp quy CR cho MBH mà chưa được chứng nhận hợp quy là hành vi giả mạo dấu hợp quy, là hành vi bị nghiêm cấm theo quy định của pháp luật. Cơ sở sản xuất nào vi phạm hành vi này sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định.

Thứ hai, doanh nghiệp đã được chứng nhận hợp quy nhưng vẫn cố tình sản xuất các MBH không phù hợp quy chuẩn thì cũng bị xử lý theo quy định về pháp luật chất lượng sản phẩm, hàng hóa.

Trong thời gian vừa qua, Bộ KH&CN (Tổng cục TCĐLCL) cũng đã phối hợp với các Bộ Công thương (QLTT), Bộ Công An thực hiện kiểm tra chất lượng MBH trên toàn quốc, đồng thời cũng đã có văn bản chỉ đạo các tổ chức chứng nhận được chỉ định tăng cường công tác giám sát sau chứng nhận, phải lấy mẫu MBH trên thị trường để thử nghiệm nhằm đánh giá tính ổn định về chất lượng của MBH. Thông qua việc kiểm tra này cũng đã đình chỉ, hủy bỏ hiệu lực của giấy chứng nhận hợp quy MBH của nhiều doanh nghiệp.

Qua kiểm tra các doanh nghiệp sản xuất MBH, chúng tôi nhận thấy đa số các doanh nghiệp sản xuất là cơ sở lắp ráp MBH, không có đầy đủ trang thiết bị sản xuất, kiểm tra, thử nghiệm chất lượng MBH (số lượng doanh nghiệp có đầy đủ trang thiết bị sản xuất MBH như máy ép khuôn đúc vỏ mũ, máy ép múp xốp, dây chuyền sơn, lắp ráp là không nhiều).

Do đó, để việc sản xuất, nhập khẩu cũng như kinh doanh, phân phối mũ bảo hiểm trong cả nước ngày càng đi vào nề nếp, đáp ứng yêu cầu về chất lượng, đảm bảo an toàn cho người sử dụng, Bộ Khoa học và Công nghệ đã đề nghị Bộ Công Thương trình Chính phủ xem xét, bổ sung MBH vào Danh mục hàng hóa kinh doanh có điều kiện cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh.

Về quan điểm cá nhân, tôi cho rằng quan điểm về tem CR thật, tem giả cũng nên xem xét, nghiên cứu kỹ. Tem rượu nhập khẩu là một ví dụ. Mặc dù ra bất kỳ cửa hàng, nhà hàng nào chúng ta cũng thấy hầu như tất cả các chai rượu ngoại đều có dán tem rượu nhập khẩu. Nhưng liệu anh có hoàn toàn tin tưởng rượu anh uống trong chai rượu dán tem rượu nhập khẩu là rượu thật? Thậm chí có quan điểm cho rằng, rượu không dán tem có khi lại tin tưởng hơn là rượu dán tem! Do đó, đặt vấn đề này với MBH tôi cho rằng chưa thực sự hợp lý.

Về bản chất, dấu hợp quy CR gắn trên MBH là dấu hiệu minh chứng sự phù hợp của MBH với Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về MBH. Quy định về dấu hợp quy CR của ta hiện này là phù hợp với thông lệ quốc tế cũng tương tự như một số nước trên thế giới như Châu Âu có dấu CE, Trung quốc có dấu CCC để quản lý các sản phẩm hàng hóa có nguy cơ gây mất an toàn.

Còn việc MBH giả mạo, kém chất lượng mà được gắn dấu CR là hành vi vi phạm pháp luật. Cơ sở sản xuất, kinh doanh bị phát hiện hành vi này sẽ bị xử lý nghiệm theo các chế tài đã có.

Mũ bảo hiểm kém chất lượng, mũ giả mạo quay trở lại thị trường sau một thời gian vắng bóng

Vai trò của các cấp chính quyền xã, phường trong việc triển khai thông tư 06 trong thời gian vừa qua theo ông như thế nào?

Như tôi đã trình bày ở trên, Thông tư liên tịch 06 cũng quy định rõ trách nhiệm của chính quyền địa phương (cấp xã, phường) trong việc kiểm tra việc thực hiện các quy định về quản lý chất lượng MBH của các cơ sở sản xuất, cửa hàng kinh doanh đóng trên địa bàn. Cụ thể như: tiếp nhận hồ sơ công bố hợp quy, chứng nhận hợp quy của các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn, kiểm tra việc niêm yết các hồ sơ chất lượng MBH tại nơi kinh doanh… Xử lý các loại mũ có kiểu dáng giống mũ bảo hiểm và mũ bảo hiểm kém chất lượng, giả mạo.

Tuy nhiên, hiện nay tại cấp xã, phường, Thông tư này chưa được triển khai quyết liệt ở một số địa phương nên vẫn còn hiện tượng các tổ chức, cá nhân bày bán tràn lan MBH trên vỉa hè (các tổ chức, cá nhân này không có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, không có hồ sơ chất lượng MBH...), đồng thời gần đây xuất hiện trở lại hiện tượng bày bán mũ 02 bộ phận, không đáp ứng yêu cầu của quy chuẩn và Thông tư liên tịch 06.

Do đó, nếu không có sự vào cuộc của chính quyền địa phương, công an phường, xã... thì quy định pháp luật có đầy đủ đến đâu nhưng việc thực hiện và kiểm tra việc tuân thủ các quy định pháp luật không đến nơi đến chốn thì sẽ không thể giải quyết được vấn nạn MBH giả mạo như hiện nay.

Hiện nay, văn phòng chính phủ có công văn thông báo việc đưa diện sản xuất kinh doanh mũ bảo hiểm vào ngành sản xuất, kinh doanh có điều kiện (văn bản số 173 do ông Nguyễn Hữu Vũ ký ngày 18-4-2013). Theo ông, đây có phải là giải pháp hữu hiệu trong việc xử lý những vướng mắc hiện còn đang tồn tại của chiếc mũ bảo hiểm hiện nay? Việc này được thực hiện đến đâu?

Theo tôi, việc đưa MBH vào Danh mục kinh doanh có điều kiện là một giải pháp hữu hiệu nhằm lập lại thị trường sản xuất, nhập khẩu cũng như kinh doanh, phân phối mũ bảo hiểm trong cả nước ngày càng đi vào nề nếp, đáp ứng yêu cầu về chất lượng, đảm bảo an toàn cho người sử dụng. Để triển khai chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, ngày 20/8/2013, Bộ KHCN đã có công văn số 2541/BKHCN-TĐC gửi Bộ Công Thương, trong đó đề nghị Bộ Công Thương trình Chính phủ xem xét, bổ sung MBH vào Danh mục hàng hóa kinh doanh có điều kiện cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh. Hiện nay, Bộ KH&CN chưa nhận được ý kiến phản hồi của Bộ Công thương.

Tuy nhiên, để giải quyết vấn đề MBH, việc đưa vào kinh doanh có điều kiện cũng chưa đủ mà cần có sự tham gia đồng bộ của các bên liên quan. Về phía các doanh nghiệp sản xuất MBH, cần thành lập Hiệp hội MBH để tập hợp các cơ sở sản xuất có đạo đức, hạn chế và bài trừ các cơ sở kinh doanh vô đạo đức, chuyên kinh doanh MBH giả mạo, cố tình sản xuất, kinh doanh mũ kém chất lượng…

Về phía các cơ quan thanh tra, kiểm tra, cần có sự thanh tra, kiểm tra thường xuyên, xử lý nghiêm các vi phạm về MBH. Về phía các cơ quan truyền thông cũng cần đẩy mạnh và vận động người tham gia giao thông sử dụng đúng MBH dành cho người đi mô tô, xe máy để bảo vệ tính mạng của mình, tránh hiện tượng đội mũ để đối phó như hiện nay.

Xin cảm ơn ông

Hà Thanh (thực hiện)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang