Xử nghiêm vấn nạn ‘treo đầu dê, bán thịt chó’ trong thương mại điện tử

author 07:22 01/11/2020

(VietQ.vn) - Nhiều đối tượng lợi dụng thương mại điện tử bằng cách tuồn vào tiêu thụ hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ, gây hoang mang cho người tiêu dùng.

Với ưu thế tiện lợi, nhanh chóng, kinh doanh online trở thành xu hướng tất yếu trên toàn cầu. Tuy nhiên, nhiều đối tượng đã lợi dụng để kiếm lời, bằng cách tuồn vào tiêu thụ hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, giảng viên cao cấp Học viện Tài chính, mua bán online là một trong những công cụ mới rất thuận lợi cho cả người mua và người bán. Nó giúp tiết kiệm chi phí kho bãi, mặt bằng so với cửa hàng truyền thống, tiết kiệm thời gian, chi phí kiểm đếm, bảo hiểm với hàng hóa...

Tuy nhiên, vấn nạn “treo đầu dê bán thịt chó” vẫn tồn tại khi cùng một loại hàng hóa nhưng lại được đăng bán với rất nhiều tên gọi, chức năng khác nhau, chất lượng không đảm bảo. Nhiều hàng hóa không được phép kiểm tra, thậm chí còn phải phải trả tiền trước rồi mới nhận hàng. Trong những trường hợp này, hàng giả, hàng nhái rất dễ xảy ra.

Tổng cục Quản lý thị trường và Bộ tư lệnh Cảnh sát cơ động đột kích khám xét và niêm phong tổng kho hàng lậu 10.000m2 tại số 145 Hoàng Diệu, TP Lào Cai. 

Điều này không chỉ làm giảm lòng tin, nhu cầu mua sắm, tiêu dùng của khách hàng, ảnh hưởng trực tiếp đến doanh thu hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp chân chính mà còn tác động đến cả dòng vốn đầu tư. Việc xử lý vi phạm bản quyền còn thiếu triệt để sẽ khiến doanh nghiệp và nhà đầu tư nước ngoài hoặc trong nước ngại ngần đầu tư kéo theo nhu cầu việc làm và tăng trưởng kinh tế cũng giảm sút.

Do đó, các sàn thương mại điện tử cần có những quy định chặt chẽ đối với các gian hàng (shop) về hóa đơn, chứng từ, chứng minh xuất xứ hàng hóa một cách minh bạch, chính xác. Hoạt động quảng cáo cũng cần được siết lại để tránh tình trạng quảng cáo không đúng với chất lượng sản phẩm, cùng món hàng nhưng mỗi shop lại đăng một tính năng khác nhau với giá bán chênh lệch lớn. Khi có những quy định rõ ràng, cụ thể như vậy, nếu các chủ gian hàng không chấp hành sẽ bị xử lý nghiêm khắc.

Còn theo ông Hà Trung Cang, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường TP. Hồ Chí Minh, tình trạng kinh doanh hàng giả, hàng nhái đang ngày một tinh vi, phức tạp với phương thức, thủ đoạn thường xuyên thay đổi, gây nhiều khó khăn cho các cơ quan chức năng khi thực hiện nhiệm vụ. Đa phần các đối tượng lợi dụng tiêu chí “Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt” để giả mạo nhãn mác hàng Việt Nam. Hàng hóa nhập lậu bằng đường biển, đường bộ, đường hàng không, đường sắt về các kho chứa hàng.

Sau đó, các đối tượng vi phạm đã sử dụng hình thức thương mại điện tử để phổ biến, giới thiệu, phân phối các sản phẩm, hàng hóa nhập lậu cũng như xâm phạm quyền, giả mạo xuất xứ, giả mạo nhãn hiệu đến tận tay người tiêu dùng bằng phương thức giao hàng online.

Kinh doanh hàng giả, vốn đầu tư thấp nhưng lợi nhuận thu về rất cao nên một số tổ chức, cá nhân, mặc dù đã bị lực lượng chức năng xử lý nhiều lần, vẫn tiếp tục vi phạm, có hiện tượng xem thường pháp luật.

Thời gian qua, nhiều phản ánh của báo chí, đơn tố cáo của người dân, doanh nghiệp về vấn đề gian lận xuất xứ, giả mạo nhãn hiệu đã giúp các cơ quan chức năng kịp thời ngăn chặn, xử lý hành vi vi phạm này. Tuy nhiên, số lượng này mới chỉ chiếm 10% tổng số các vụ việc được xử lý, số còn lại là do công chức thực hiện các biện pháp nghiệp vụ để tiến hành thẩm tra, xác minh và xử lý theo quy định. Do vậy, để tăng hiệu quả phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, rất cần sự phối hợp đồng bộ của các ngành.

Tình trạng buôn lậu, sản xuất hàng giả còn diễn biến phức tạp(VietQ.vn) - Báo cáo về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2020 của Chính phủ, Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an nhấn mạnh, thời gian qua, tình trạng buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới; sản xuất hàng giả là hàng hóa, trang thiết bị phục vụ phòng bệnh diễn biến phức tạp

Thanh Tùng

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang