Xử phạt hàng trăm trường hợp vi phạm phòng, chống dịch COVID-19

author 15:50 07/05/2021

(VietQ.vn) - Hàng loạt cá nhân không đeo khẩu trang, vi phạm quy định phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn Hà Nội đã bị xử phạt.

Thông tin từ huyện Đông Anh cho biết, trên địa bàn huyện, tình hình dịch bệnh cơ bản đã được kiểm soát tốt. Huyện đã yêu cầu “người dân ở đâu ngồi yên ở đó”, thực hiện truy vết từ trưa hôm qua. Đối với các xã liên quan, huyện đã lập chốt để dừng việc đi lại, khoanh vùng.

Tính đến chiều 6/5, huyện rà soát được 1.783 người có liên quan đến Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương 2. Liên quan ổ dịch này, Đông Anh có 3 trường hợp F0, 57 F1, đồng thời tiếp tục rà soát, xác minh truy vết tiếp F2. Hiện F1 lấy mẫy 34 trường hợp và cho kết quả âm tính, đã được chuyển đi cách ly… Đối với khu công nghiệp Thăng Long liên quan đến ổ dịch Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương, đã rà soát được 221 người, 41/69 công ty đang rà soát để thống kê. Huyện đã xử phạt 61 trường hợp không đeo khẩu trang với số tiền phạt là 116 triệu đồng.

Tại quận Hoàng Mai, theo đại diện quận này, tất cả các trường hợp F1 liên quan đến các trường hợp bệnh nhân tại Chung cư Viễn Đông Star ở số 1, phố Giáp Nhị, phường Thịnh Liệt và Tòa Park 10, Khu đô thị Times City, hiện đều được cách ly và lấy mẫu xét nghiệm, đến nay chưa có trường hợp dương tính… Trong công tác xử phạt các trường hợp vi phạm, quận Hoàng Mai đã xử phạt 105 trường hợp với tổng số tiền hơn 280 triệu đồng. Ngoài ra, quận cũng đã xây dựng các phương án phòng, chống dịch tại 190 điểm bầu cử.

Lãnh đạo quận Hai Bà Trưng cho biết, trên địa bàn quận có 2 khách sạn được trưng dụng làm cơ sở cách ly tập trung với 122 người đang thực hiện cách ly. Theo đó, quận cũng đã tăng cường phát huy hiệu quả của các tổ “Giám sát và tuyên truyền phòng, chống COVID-19 tại cộng đồng”, xử lý vi phạm với 87 trường hợp không đeo khẩu trang.

Lực lượng chức năng Hà Nội mời người đàn ông đi đường không đeo khẩu trang vào làm việc. Ảnh: Tuổi trẻ

Công an TP. Hà Nội cũng cho biết, đã xử lý nhiều trường hợp không đeo khẩu trang với số tiền phạt hơn 2,5 tỷ đồng. Đồng thời kiểm tra, phát hiện 2 cơ sở hát karaoke hoạt động lén lút; 1 cơ sở có người sử dụng trái phép chất ma túy.

Liên quan đến Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 (Kim Chung, Đông Anh, Hà Nội), qua rà soát có 27 cán bộ, chiến sĩ đã đưa các đối tượng vi phạm pháp luật vào bệnh viện để xét nghiệm theo quy định. Đến nay, 27 chiến sĩ này đều đã có kết quả xét nhiệm âm tính lần 1.

Trước đó, Sở Tư pháp Hà Nội đã có Công văn số 925/STP-PBGDPL gửi cơ quan báo chí phối hợp, thực hiện tuyên truyền, phổ biến pháp luật bằng hình thức cho chạy chữ nội dung tuyên truyền, phổ biến pháp luật trên chương trình thời sự, chương trình "Sống và làm việc theo pháp luật" và các chương trình khác phù hợp trong thời gian phòng, chống dịch Covid-19.

Tại Công văn, Sở Tư pháp đã cung cấp nội dung chạy chữ gồm một số hành vi vi phạm liên quan đến phòng, chống dịch bệnh COVID-19. Sở Tư pháp cung cấp bổ sung các căn cứ pháp lý theo nội dung đã cung cấp trên để cơ quan báo chí phối hợp thực hiện tuyên truyền. Danh mục được Sở Tư pháp gửi kèm theo là nội dung mức xử phạt với 13 hành vi. Cụ thể:

1. Người không đeo khẩu trang nơi công cộng bị phạt tiền tối đa đến 300.000 đồng (theo khoản 1 Điều 11 Nghị định số 176/2013/NĐ-CP ngày 14-11-2013 của Chính phủ về xử phạt hành chính trong lĩnh vực y tế).

2. Người vứt khẩu trang đã sử dụng không đúng nơi quy định tại nơi công cộng bị phạt tiền tối đa đến 5.000.000 đồng; nếu vứt ra vỉa hè, đường phố bị phạt tiền tối đa đến 7.000.000 đồng (theo điểm c, d khoản 1 Điều 20 Nghị định số 155/2016/NĐ-CP ngày 18-11-2016 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường).

3. Người che giấu tình trạng bệnh của mình hoặc của người khác khi mắc bệnh Covid-19 bị phạt tiền tối đa đến 2.000.000 đồng (theo điểm a khoản 2 Điều 11 Nghị định số 176/2013/NĐ-CP ngày 14-11-2013 của Chính phủ về xử phạt hành chính trong lĩnh vực y tế).

4. Không thực hiện quyết định áp dụng biện pháp tạm đình chỉ hoạt động của cơ sở dịch vụ ăn uống công cộng có nguy cơ làm lây truyền bệnh dịch tại vùng có dịch thì bị phạt tiền tối đa đến 10.000.000 đồng đối với cá nhân, 20.000.000 đồng đối với tổ chức (theo điểm a, khoản 4 Điều 11 Nghị định 176/2013/NĐ-CP ngày 14-11-2013 của Chính phủ về xử phạt hành chính trong lĩnh vực y tế ).

5. Không thực hiện quyết định áp dụng biện pháp hạn chế tập trung đông người hoặc tạm đình chỉ hoạt động kinh doanh, dịch vụ tại nơi công cộng để phòng, chống dịch COVID-19 thì bị phạt tiền tối đa đến 10.000.000 đồng (theo điểm c, khoản 4 Điều 11 Nghị định số 176/NĐ-CP ngày 14-11-2013 của Chính phủ về xử phạt hành chính trong lĩnh vực y tế).

6. Người không thực hiện quyết định kiểm tra, giám sát, xử lý y tế trước khi ra vào vùng có dịch bị phạt tiền tối đa đến 20.000.000 đồng (theo điểm a khoản 5 Điều 11 Nghị định số 176/2013/NĐ-CP ngày 14-11-2013 của Chính phủ về xử phạt hành chính trong lĩnh vực y tế).

7. Người nào trốn khỏi nơi cách ly; không tuân thủ quy định về cách ly; từ chối, trốn tránh việc áp dụng biện pháp cách ly, cưỡng chế cách ly để phòng, chống dịch COVID-19 có thể bị xử phạt hành chính tối đa đến 10.000.000 đồng hoặc bị xử lý theo Điều 240 Bộ luật Hình sự trong trường hợp gây truyền bệnh cho người khác (theo điểm b khoản 2 Điều 10 Nghị Định số số 176/NĐ-CP ngày 14-11-2013 của Chính phủ về xử phạt hành chính trong lĩnh vực y tế và điểm 1.1 mục 1 Công văn 45/TANDTC-PC ngày 30-3-2020 của Hội đồng thẩm phán TAND TC).

8. Người nào trốn khỏi nơi cách ly; không tuân thủ quy định về cách ly; từ chối, trốn tránh việc áp dụng biện pháp cách ly, cưỡng chế cách ly mà làm gây thiệt hại từ 100.000.000 đồng trở lên do phát sinh chi phí phòng, chống dịch bệnh COVID-19 thì bị xử lý theo Điều 295 Bộ luật Hình sự (điểm 1.2 mục 1 mục Công văn 45/TANDTC-PC ngày 30-3-2020 của Hội đồng thẩm phán TAND TC).

9. Người nào khai báo y tế, khai báo không đầy đủ hoặc khai báo gian dối gây lan truyền dịch bệnh COVID-19 cho người khác bị xử lý theo Điều 240 Bộ luật Hình sự (điểm 1.1 mục 1 Công văn 45/TANDTC-PC ngày 30-3-2020 của Hội đồng thẩm phán TAND TC).

10. Người nào đưa lên mạng máy tính, mạng viễn thông thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, thông tin xuyên tạc về tình hình dịch bệnh COVID-19 có thể bị phạt tiền tối đa đến 15.000.000 đồng (theo điểm a khoản 3 Điều 64 Nghị định 174/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số tuyến điện) hoặc bị xử lý theo Điều 288 Bộ luật Hình sự (điểm 1.4 mục 1 Công văn 45/TANDTC-PC ngày 30-3-2020 của Hội đồng thẩm phán TAND TC).

11. Người có hành vi dùng vũ lực, đe doạ dùng vũ lực hoặc thủ đoạn khác cản trở người thi hành công vụ trong phòng, chống dịch bệnh COVID-19 thì bị xử lý theo Điều 330 Bộ luật Hình sự (điểm 1.9 mục 1 Công văn 45/TANDTC-PC ngày 30-3-2020 của Hội đồng thẩm phán TAND TC).

12. Chủ cơ sở kinh doanh, người quản lý cơ sở kinh doanh dịch vụ (như quán bar, vũ trường, karaoke, dịch vụ mát - xa, cơ sở thẩm mỹ...) thực hiện hoạt động kinh doanh khi đã có quyết định tạm đình chỉ hoạt động kinh doanh để phòng chống dịch bệnh COVID-19, gây thiệt hại từ 100.000.000 đồng trở lên do phát sinh chi phí phòng, chống dịch bệnh thì bị xử lý theo Điều 295 Bộ luật Hình sự (điểm 1.3 mục 1 Công văn 45/TANDTC-PC ngày 30-3-2020 của Hội đồng thẩm phán TAND TC).

13. Người có hành vi lợi dụng sự khan hiếm hoặc tạo sự khan hiếm giả tạo trong tình hình dịch bệnh Covid-19 để mua vét hàng hoá đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền công bố là mặt hàng bình ổn giá hoặc hàng hoá được Nhà nước định giá nhằm bán lại để thu lời bất chính thì bị xử lý về tội "Đầu cơ" theo quy định tại Điều 196 Bộ luật Hình sự (điểm 1.8 mục 1 Công văn 45/TANDTC-PC ngày 30-3-2020 của Hội đồng thẩm phán TAND TC).

Bảo An

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang