Xuất hiện hai 'lá chắn' đặc biệt phòng ngừa virus corona xâm nhập cơ thể

author 06:51 17/04/2020

(VietQ.vn) - Các nhà khoa học tại Mỹ và Israel đã chế tạo thành công hai 'lá chắn' đặc biệt bảo vệ con người khỏi sự lây nhiễm của virus corona chủng mới.

Theo thông tin trên trang Phys.org, các nhà khoa học tại Viện Công nghệ Israel - Technion và Bệnh viện Rambam vừa phát triển thiết bị tiên tiến dành cho nhân viên y tế mang tên Air-Shield. Thiết bị này liên tục thổi khí vào mặt người đeo khẩu trang, tăng mức độ bảo vệ trước bệnh truyền nhiễm, đồng thời ngăn tình trạng kính phủ sương và quá nhiệt.

Giáo sư Ezri Tarazi cho biết, nhiệt độ cơ thể thường dẫn tới hiện tượng ngưng tụ bên trong bộ đồ bảo hộ, làm mờ tấm che mặt, khiến nhân viên y tế khó nhìn rõ. Ngoài ra, một số loại khẩu trang hiện nay có thể không đủ hiệu quả trong việc ngăn lây nhiễm từ những giọt dịch lỏng chứa virus. Do đó, Air-Shield đã được chế tạo để giải quyết tất cả những khó khăn này.

 Air-Shield giúp ngăn ngừa việc lây nhiễm virus corona tốt hơn những loại khẩu trang thông thường.

Cũng theo các nhà khoa học, Air-Shield tạo luồng khí hướng xuống dưới từ vùng trán, cung cấp "lá chắn khí" bên trong khẩu trang, ngăn cách bác sĩ với không khí xung quanh, nơi có thể chứa những giọt dịch lỏng mang mầm bệnh. Một chiếc bơm nhỏ ở eo dẫn khí qua ống dẫn tới trán và tỏa khí qua những lỗ nhỏ ở nếp gấp gắn với khẩu trang.

Được biết, Giáo sư Tarazi đã lấy ý tưởng thiết kế Air-Shield từ loại bơm dùng cho mặt nạ phòng độc trong chiến tranh hạt nhân, sinh học và hóa học, sau đó điều chỉnh để phù hợp nhu cầu của nhân viên y tế như tích hợp đường ống mỏng mềm dẻo, nếp gấp siêu nhẹ, tấm chắn mỏng và bộ pin sạc nhiều lần.

Trong một nỗ lực khác nhằm thiết kế những thiết bị bảo hộ chuyên dụng phòng ngừa lây nhiễm virus corona, Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) của Mỹ đã phát triển một kỹ thuật sản xuất mới giúp các quốc gia đối phó với sự thiếu hụt tấm chắn mặt bảo hộ.

Cụ thể, Giáo sư Martin Culpepper cùng các cộng sự tại MIT đã sử dụng công cụ máy cắt theo khuôn để tạo ra các tấm chắm mặt tự gấp. Kỹ thuật này dùng tia laser để cắt xuyên qua hàng nghìn tấm nhựa phẳng mỗi giờ. Các tấm sau đó có thể xếp chống lên nhau với số lượng lớn để đóng hộp và vận chuyển cùng lúc.

Máy cắt sử dụng laser để cắt nhựa phẳng. Ảnh: CNET 

Khi bệnh viện nhận được hàng, các nhân viên y tế có thể dễ dàng gấp tấm nhựa theo chỉ dẫn để tạo thành một tấm chắn mặt ba chiều. Thiết kế mới theo Culpepper, cung cấp sự bảo hộ tốt hơn so với tấm chắn thông thường vì được bổ sung các vạt gấp giúp che chắn cổ, trán và hai bên mặt.

"Kỹ thuật của chúng tôi kết hợp các vật liệu giá rẻ với tốc độ sản xuất nhanh, có tiềm năng đáp ứng nhu cầu về tấm chắn mặt trên toàn quốc. Quy trình sản xuất mới có thể giúp tăng cường hàng triệu tấm chắn mặt mỗi ngày", Culpepper cho biết.

MIT đang lên hoạch triển khai công nghệ tại hơn 80 cơ sở trên khắp nước Mỹ trong thời gian tới. Nhóm nghiên cứu vẫn đang nỗ lực cải thiện hiệu suất của máy cắt theo khuôn, với mục tiêu một cỗ máy có thể tạo ra 50.000 tấm chắn mặt mỗi ngày.

Bảo Lâm (Theo CNET, Medical Xpress)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang